Con đường gốm sứ ở HN: Công trình kỷ lục…'đoản mệnh'?

Ngày 11/11/2015 09:57 AM (GMT+7)

Từng là điểm nhấn cho dịp lễ kỷ niệm trọng đại 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, được tổ chức Kỷ lục thế giới Guiness công nhận… Tuy nhiên, chưa đầy 5 năm, con đường gốm sứ đê sông Hồng, trên trục đường Trần Quang Khải và Yên Phụ (Hà Nội) đang có nguy cơ nhận thêm một “kỷ lục” nữa: Kỷ lục… “đoản mệnh”!

Bong tróc, đứt gãy hàng loạt

Khảo sát của PV Báo GĐ&XH ngày 10/11 cho thấy, cách điểm đầu ở đoạn gần Bệnh viện Trung ương quân đội 108 không xa, trên đỉnh tường của tuyến đường này xuất hiện nhiều điểm bong tróc. Cạnh vết nứt dọc tường kéo dài từ trên xuống dưới là vệt bong lớn khiến lớp gốm sứ bên ngoài bị mất, toen hoẻn thân tường gạch nham nhở. Từ dấu vết của điểm nứt bong cho thấy, đây có thể là điểm đã nứt gãy từ trước và được vá víu lại một cách cẩu thả.

Đi tiếp theo chiều bên phải của đường Trần Quang Khải, tới đoạn đối diện Công ty Bảo Việt Hà Nội, mặt trên của bức tường đê thấp gần vệ đường có nhiều tấm gạch lát đã bong không để lại dấu vết, mặt tường trơ vữa nhem nhuốc. Đoạn tường đê gần cổng Hợp tác xã dịch vụ Phúc Tân (Hoàn Kiếm) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhiều họa tiết bằng gốm đã không còn được gắn kết trên mặt tường. Càng đi ngược về phía cầu Long Biên, tình trạng bong tróc trên tuyến đường gốm sứ càng nghiêm trọng: Lớp gốm sứ bề mặt không chỉ bong từng điểm đơn lẻ mà mất hẳn cả từng mảng lớn. Thậm chí có mảng bong cả mét vuông lớp gốm họa tiết. Ông Trần Hồng Phúc, trú tại phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, người thường xuyên đi bộ buổi sáng trên tuyến đường gốm sứ này cho biết, tình trạng xuống cấp nói trên đã diễn ra từ lâu. Xuất phát từ các điểm bong đơn lẻ, dẫn đến nhiều khu vực đã bong theo diện rộng làm mất hẳn cả họa tiết, trông rất phản cảm.

Con đường gốm sứ ở HN: Công trình kỷ lục…đoản mệnh? - 1

Những mảng bong tróc rộng cả mét vuông khiến con đường gốm sứ mất đi vẻ đẹp thẩm mỹ vốn có. Ảnh: C. Tâm

Điểm gầm cầu Long Biên là một ví dụ điển hình. Bên dưới đống phế thải chất ngồn ngộn ngay dưới gầm cầu Long Biên một mảng lớn họa tiết gốm sứ bị bong mất hẳn. Lộ ra bên dưới lớp gốm sứ bị mất là lớp gạch chồng lên lớp tường bê tông. Các bác tài xe ôm hành nghề tại đây cho biết, chính sự mất kết nối giữa lớp gạch bên trên và lớp tường bê tông bên dưới gây ra tình trạng vênh do giãn nở không đều khiến gốm… rơi lả tả cả mảng. Nguy hiểm hơn, từ điểm gầm cầu Long Biên chạy dài tới đoạn đầu đường Thanh Niên, con đường gốm sứ có nhiều đoạn bị nứt dọc, nứt ngang rất nguy hiểm. Có những đoạn nứt dọc hở toang hoác khiến tường thủng lộ thiên. Tuy nhiên, các vết nứt dọc không nguy hiểm bằng những vết nứt cắt ngang bức tường. Có những vết nứt chạy dài khoảng 5-7m khiến người đi đường không khỏi lo ngại phần trên vết nứt của bức tường có thể đổ sập bất cứ lúc nào và thân người có thể là nơi… hứng chịu!

Kỷ lục “vá víu chằng đụp”

Tuyến đường gốm sứ được khởi công năm 2008 với mục đích chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2010. Khi khánh thành, tuyến đường dài trên dưới 5km với diện tích tường đê chạy song song trên 6.500m2 đã tạo điểm nhấn cho không gian đô thị, không gian giao thông bên trục đường ven đê Trần Quang Khải, Yên Phụ của quận Hoàn Kiếm. Năm 2010, Tổ chức Guiness thế giới đã công nhận đây là bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới. Sau vài năm có danh hiệu này, tuyến đường gốm sứ đã xuất hiện các vết bong tróc, đứt gãy. Một số đợt trùng tu lớn nhỏ theo kiểu “vá chằng, vá đụp” để “chữa cháy” được tiến hành vào các năm 2013-2014 đã không cứu vãn được thực tế lôm nhôm hiện nay.

Trước đây, lý giải cho việc gốm gắn lên bị bong tróc, họa sỹ Nguyễn Thu Thủy, tác giả của bức tranh gốm kỷ lục này cho biết lớp gốm sứ được thiết kế rất mỏng và không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết. Tuy nhiên, lớp vữa bên dưới lớp gốm này lại không có độ bền tương ứng, khi gặp thời tiết thay đổi, giãn nở không đều nên gây ra đứt gãy, nứt, bong. Còn đại diện đơn vị quản lý con đường này sau khi hoàn thành (thuộc Sở Xây dựng) thì cho rằng, do công trình kéo dài nằm ngay cạnh đường giao thông nên bị ảnh hưởng bởi sự rung lắc và đứt gãy. Lãnh đạo đơn vị quản lý sau khi tiếp nhận từ Sở Xây dựng là Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cũng cho rằng những ảnh hưởng từ phương tiện giao thông cũng gây hại đến độ bền của bức tranh gốm sứ.

Khi hoàn thành, con đường gốm sứ thuộc diện quản lý của Ban quản lý chỉnh trang đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội). Khi Ban này đang lên kế hoạch để sửa chữa thì nó lại được bàn giao lại cho Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội (nay là Sở Thể thao Văn hóa Thể thao Hà Nội). Đầu năm 2015, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, ông Tô Văn Động cho biết, đơn vị này đã làm đề án tu bổ trình UBND TP Hà Nội để trả lại vẻ đẹp cho con đường gốm sứ vào năm 2015. Tuy nhiên, đến thời điểm này, “vẻ đẹp” của con đường này chưa thấy đâu, người dân chỉ thấy trên bộ mặt của nó những mảng bong tróc, đứt gãy ngày một rộng dài thêm ra. Công trình kỷ lục Guiness đang có nguy cơ trở thành kỷ lục… đoản mệnh!

Một trong những “bài ca muôn thuở” mà công luận và người dân lên tiếng bức xúc chính là việc mất vệ sinh dọc tuyến đường gốm sứ. Thay vì thư thả thong dong thưởng ngoạn vẻ đẹp của con đường gốm ven sông, du khách, người dân phải bịt mũi chạy nhanh qua các điểm “xả thải”. Điển hình cho tình trạng này là ngay ở gầm cầu Long Biên, cạnh những vết hoen ố loang lổ xuất hiện là đống phế thải chất ngồn ngộn che hết các họa tiết gốm sứ.

Theo Minh Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự