Ly kỳ vụ mất trộm 7 pho tượng hơn 300 năm tuổi

Ngày 23/07/2015 14:15 PM (GMT+7)

Bà Tỵ cho biết, đây là lần thứ năm chùa Hoa Văn bị trộm ghé thăm nhưng chỉ ba lần chúng đánh cắp tượng. Hai lần còn lại, lũ trộm chỉ vào lục lọi đồ đạc để tìm tiền.

Như thường ngày, khoảng hơn 4h ngày 18/7, bà Nguyễn Thị Tỵ (65 tuổi, ngụ Hoàng Xá, Quốc Oai, Hà Nội) lên chùa Hoa Văn tụng kinh, niệm Phật, phát hiện ổ khóa cửa vào đã bị cắt đứt. Vào bên trong, bà tá hỏa khi 7  pho tượng Phật cổ đã biến mất từ lúc nào. Hoảng loạn không nói lên lời, bà Tỵ chạy ra gõ vào tấm gỗ nhỏ dán trên cửa chùa để báo hiệu có chuyện khẩn cấp. Theo tìm hiểu của PV, đây là lần thứ ba chùa Hoa Văn bị trộm tượng Phật với số lượng lớn.

Ly kỳ vụ mất trộm 7 pho tượng hơn 300 năm tuổi - 1

Bà Tỵ chỉ nơi ổ khóa bị trộm cắt.

Hành tung bí ẩn gã thanh niên lạ mặt

Theo tìm hiểu của PV, chùa Hoa Văn nằm trong khuôn viên của di tích động Hoàng Xá. Vào cuối tháng Tư vừa rồi, động Hoàng Xá đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, việc bảo vệ khu di tích lịch sử của UBND thị trấn Quốc Oai vẫn là vấn đề khiến nhiều người cảm thấy chưa hài lòng. “Vào khoảng 11-12h đêm, chúng tôi thường nghe thấy tiếng xe máy rú ga, tiếng nói chuyện, cười đùa ở động trong di tích. Mặc dù là khu di tích cấp Quốc gia nhưng nơi này quy hoạch, quản lý vẫn chưa tốt. Nơi đây chỉ có hai bảo vệ trông coi trong khi có rất nhiều đường để kẻ gian có thể lẻn vào bên trong”, một người thường xuyên nhang đèn ở chùa Hoa Văn nói với PV.

Sáng ngày 20/7, nhận được thông tin chùa Hoa Văn mất 7 pho tượng cổ, PV báo ĐS&PL đã vào cuộc tìm hiểu. Để làm rõ các thông tin liên quan, PV đã gặp bà Nguyễn Thị Tỵ, người đầu tiên phát hiện ra vụ mất trộm này. “Ngày 18/7, vào khoảng 4h sáng, tôi lên chùa tụng kinh, niệm Phật. Hôm đó, vừa lên đến nơi, tôi ngạc nhiên bởi tại sao cửa chùa lại không đóng, bên trong có ánh sáng lờ mờ hắt ra ngoài. Ở dưới đất, chiếc khóa sắt bị cắt mất một bên. Chạy vào bên trong, tôi bàng hoàng khi phát hiện 7 pho tượng cổ đã biến mất từ lúc nào. Lúc đó như có ai bóp nghẹt trong cổ họng, tôi muốn hét lên nhưng không thành tiếng. Thế nên, tôi phải chạy ra ngoài gõ vào tấm gỗ nhỏ trên tường để báo hiệu. Một lúc sau, sư thầy và người dân mới đến”, bà Tỵ kể lại.

Ngay lập tức, thông tin mất 7 pho tượng cổ được báo lên UBND thị trấn Quốc Oai và cơ quan công an. Khoảng 5h sáng, công an và cán bộ văn hóa thị trấn đã có mặt bảo vệ hiện trường.          

Theo bà Tỵ, 7 pho tượng cổ bị đánh cắp có niên đại lên đến hàng trăm năm tuổi. Trong đó có 3 pho Tam Thế cao khoảng 60cm, 1 pho Quan thế âm Bồ Tát cao 1m, 1 pho Thế Chí cao 1m, 1 pho Văn Thù cao 1m, 1 pho Phổ Hiền cao 1m. Khi chúng tôi hỏi niên đại chính xác của 7 pho tượng này, bà Tỵ và các vãi ở chùa Hoa Văn đều khẳng định, đây đều là những bức tượng quý, có từ nhiều đời. Họ áng chừng tượng có niên đại khoảng 3-4 trăm năm. “Có lẽ bọn trộm đã quan sát các pho tượng ở trong chùa lâu lắm rồi. Trong chùa có cả những bức tượng mới lẫn tượng cổ. Tuy nhiên, chúng chỉ đánh cắp 7 pho tượng cổ nhất, quý nhất”, ngồi bên cạnh bà Tỵ, bà Nguyễn Thị Sang, một người thường xuyên nhang khói ở chùa cho biết.

PV hỏi, trước khi xảy ra vụ mất trộm, ở chùa có dấu hiệu gì bất thường? Bà Sang nhớ lại, sư thầy có kể lại rằng buổi tối hôm trước, khoảng từ 20- 23h, có một thanh niên lạ mặt ngồi trước cửa chùa. Thậm chí, thanh niên này còn vào chùa mượn sư thầy chiếc sạc pin điện thoại. Sau khi sạc xong, người này lẳng lặng bỏ đi. Bà Sang và nhiều người khác cho rằng, chính thanh niên này là đồng phạm đánh cắp 7 pho tượng cổ. “Lúc đó do tối quá nên sư thầy không thể nhìn rõ khuôn mặt hắn như thế nào. Tuy nhiên, nhìn hành động mờ ám của hắn, chúng tôi nghi ngờ thanh niên này đang “do thám” để chuẩn bị kế hoạch ăn trộm. Sư thầy cũng nói rằng, khoảng 2-3h sáng ngày 18/7 có nghe thấy tiếng chó sủa. Tuy nhiên, vào ban đêm, buổi khuya thường có nhiều thanh niên vào đây nói chuyện nên nghe tiếng chó sủa, mọi người không nghĩ đó là kẻ trộm”, bà Sang nói.

Ly kỳ vụ mất trộm 7 pho tượng hơn 300 năm tuổi - 2

Chùa Hoa Văn, nơi bị mất 7 pho tượng cổ.

Lần thứ năm bị trộm đột nhập

Bà Tỵ còn cho biết thêm, đây là lần thứ năm chùa Hoa Văn bị trộm ghé thăm nhưng chỉ ba lần chúng đánh cắp tượng. Hai lần còn lại, lũ trộm chỉ vào lục lọi đồ đạc để tìm tiền. Lần gần đây nhất trộm đột nhập là vào năm 1999, khi đó chùa vẫn chưa xây mới. Chúng có khoảng 4-5 tên. Lần ấy, chúng khoét một lỗ trên tường rộng khoảng 60cm để chui vào chùa.

“Sau khi lấy trộm 10 pho tượng, chúng vận chuyển ra ngoài đường cao tốc Láng-Hòa Lạc, cách chùa khoảng 3km. Chúng gọi một lái xe ô tô ra đó thuê chở về phía trung tâm Hà Nội. Lái xe này lại đúng là người ở thị trấn Quốc Oai. Đến nơi, lái xe mới biết đó là tượng Phật nên từ chối chở. Do lúc đó trời bắt đầu sáng nên lũ trộm bỏ lại 10 pho tượng ở ven đường rồi bỏ đi. Sau đó, mấy người xe ôm đã phát hiện và báo chính quyền chở tượng về lại chùa. Theo người lái ô tô thì những kẻ nhờ ông ấy chở đều không phải người địa phương. Chúng lấy số điện thoại của ông từ tấm biển quảng cáo ở ngoài đường”, bà Tỵ nhớ lại.

Sáng 20/7, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Tạ Đức Hòa, cán bộ văn hóa thị trấn Quốc Oai cho biết, những pho tượng bị đánh cắp đều rất cổ, quý và có niên đại không dưới 3 thế kỷ. Khi PV đặt câu hỏi về vấn đề bảo vệ chùa cũng như động Hoàng Xá, khu di tích cấp Quốc gia, ông Hòa trả lời: “Việc bảo vệ di tích thuộc trách nhiệm của UBND thị trấn. Mặc dù chùa Hoa Văn nằm trong di tích nhưng nhà chùa phải có trách nhiệm bảo vệ chùa. Từ trước đến nay, chúng tôi đã thuê hai người ở địa phương bảo vệ di tích động Hoàng Xá. Ban đêm, họ ngủ lại ở đó để bảo vệ di tích. Vấn đề khó khăn ở chỗ, chùa và động giáp khu dân cư và có rất nhiều đường đi vào. Chính vì thế, rất khó để có thể kiểm tra và phát hiện được chúng vào từ đường nào”. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, ban đêm, thanh niên thường vào khu động Hoàng Xá chơi rất khuya. Thậm chí, cách đây không lâu, khi đi tác nghiệp qua di tích này, PV còn ngỡ ngàng khi nhìn thấy rác thải xuất hiện trong động, một nơi tôn nghiêm. Điều này đặt câu hỏi về sự quản lý của các cơ quan chức năng với khu di tích cấp Quốc gia này.

Cũng trong sáng ngày 20/7, làm việc với PV, Trung tá Đỗ Văn Thuyên, Phó Trưởng Công an thị trấn Quốc Oai cho biết, ngay sau khi nhà chùa báo mất trộm, lực lượng công an thị trấn đã có mặt để bảo vệ hiện trường và tiến hành báo cáo phối hợp với cơ quan Công an huyện Quốc Oai điều tra vụ việc. Theo Trung tá Thuyên, công an đã lấy thông tin từ những người có mặt trong chùa, người đầu tiên phát hiện ra sự việc. “Hiện, chúng tôi đang tích cực điều tra và chưa có nhiều thông tin để cung cấp cho báo chí được”, Trung tá Thuyên chia sẻ.

Khi PV chuẩn bị ra về thì xuất hiện thông tin 7 pho tượng cổ ở chùa Hoa Văn bị bọn trộm để lại ở đường cao tốc cách khu vực khoảng 10km. Thông tin này xuất phát từ cánh xe ôm trong huyện. Ngay lập tức, hai người trông nom chùa đã phóng xe máy đi tìm. Tuy nhiên, gần một tiếng sau, hai người này nói rằng đó là tin đồn thất thiệt.  

Loạn tin đồn sau vụ mất trộm

Mấy ngày qua, thị trấn Quốc Oai náo loạn trong những tin đồn liên quan đến 7 pho tượng Phật bị mất trộm. Có người nói rằng, 7 pho tượng đó bằng gỗ sưa có giá trị lên đến cả chục tỉ đồng. Tuy nhiên, không ít người cũng khẳng định rằng, trong số tượng bị đánh cắp có 1 pho làm bằng gỗ thủy tùng, rất hiếm có ở Việt Nam. Do không biết pho tượng nào thuộc loại gỗ quý này nên chúng mới trộm tất cả. PV đem câu chuyện này hỏi những người trông chùa, họ đều nói rằng, do tuổi thọ của những bức tượng này quá cao nên không ai biết tượng Phật được làm từ loại gỗ nào.

Theo Văn Chương- Vũ Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot