Nghị lực phi thường của hoa khôi tật nguyền

Ngày 01/01/2016 00:09 AM (GMT+7)

Hoa biết, tương lai sẽ còn rất nhiều chướng ngại, khó khăn nhưng rồi sẽ phải vượt qua, ngẩng cao đầu đối diện với thực tại và hướng đến tương lai.

Cách đây vài ngày, Nguyễn Thị Thanh Hoa (SN 1992, tỉnh Nghệ An) đã trở thành hoa khôiVầng trăng khuyết”. Đây là một chương trình tìm vẻ đẹp trí truệ và nhân cách của phụ nữ khuyết tật. Ít ai biết được rằng, để đạt được danh hiệu này, Hoa đã có một quá trình cố gắng phi thường.

Hoa sinh ra tại xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Lúc sinh ra, chị cũng xinh đẹp, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Năm hai tuổi, chị bất ngờ bị Viêm não Nhật Bản. Gia đình đã cố chữa chạy nhưng căn bệnh quái ác đã cướp đi đôi chân của chị.

Nghị lực phi thường của hoa khôi tật nguyền - 1

Hoa trở thành hoa khôi Vầng trăng khuyết 2015

Nhiều lần, cha mẹ đưa chị ra Hà Nội khám với hy vọng sẽ lấy lại được chức năng của đôi chân. Thế nhưng, bao nhiêu lần đi là bấy nhiêu lần chị phải thất vọng trở về.

Đến trường, Hoa ái ngại với những ánh mắt dò xét của bạn bè. Chị cảm thấy hụt hẫng, buồn bã. Cha là người luôn bên cạnh, sát cánh và thấu hiểu nỗi lòng của chị nhất. Ông động viên, dỗ dành, khuyên con gái không nên vì bệnh tật mà khuất phục số phận.

Suốt nhiều năm liền, tấm lưng cha trở thành đôi chân của Hoa. Không muốn cha buồn vì những kì vọng vào cô con gái, chị quyết tâm vượt qua khó khăn. Nhiều năm liền, chị đạt học sinh khá giỏi.

Năm lớp 7, Hoa nhận được  một chương trình thiện nguyện của Mỹ chấp nhận phẫu thuật, chữa trị. Chị được chuyển xuống trung tâm phục hồi và chỉnh hình thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) để theo dõi. Trong khoảng thời gian này, chị đành gác lại nghiệp bút nghiên để chú tâm vào công tác điều trị.

Sau đó, chị được phẫu thuật. Chị nhớ rất rõ sự đau đớn của cuộc phẫu thuật. Nhưng, vì mong muốn có được đôi chân lành lặn nên chị nén nỗi đau, cố gắng vượt qua. Một năm ròng rã với đôi nạng gỗ và đôi chân giả, nhiều khi, cô gái tưởng chừng bỏ cuộc.

Cha lại động viên, thúc giục và trở thành động lực để chị hoàn thành quyết tâm. Sau thời gian dài tập luyện, chị có thể bước đi từng bước ngắn. Tuy nhiên, chiếc xe lăn vẫn là “người bạn” không thể thiếu của chị.

Hoa trở lại trường học. Năm học lớp 12, chị suy nghĩ rất nhiều về việc nên thi trường đại học nào. Bởi, đôi chân tật nguyền là một rào cản quá lớn. Sau khi suy nghĩ kĩ, chị quyết định nộp đơn và thi đậu khoa Ngữ văn – Trường Đại học Sư phạm TP HCM.

Chị cho hay, TP HCM là nơi có môi trường sôi động, người dân sống tình cảm, dễ dàng chấp nhận sự khác biệt. Người thân bất ngờ khi biết được quyết định của chị. Cha lo lắng, không hiểu rằng, chị sẽ sống như thế nào ở một thành phố xa lạ, không có một người thân. Hiểu tâm trạng của người thân, chị an ủi: “Con sẽ sống tốt”.

Vào TP HCM, chị  bị choáng ngợp với môi trường năng động, giá cả đắt đỏ. Đặc biệt, khoảng thời gian đầu, chị rất khó khăn khi bắt xe buýt để đến trường. Dường như, đã quá quen với những khó khăn, chỉ khoảng thời gian ngắn, chị bắt nhịp tốt với cuộc sống ở đây.

Không muốn trở thành gánh nặng của gia đình, chị cộng tác viết bài, viết truyện thơ cho các báo, tạp chí. Với vốn văn chương nhẹ nhàng, tình cảm… bài của chị được đăng khá nhiều. Đặc biệt, chị đạt khá nhiều giải thưởng về sáng tác như giải nhì cuộc thi "Nét bút tri ân" lần 1 với tác phẩm Ông bụt của đời con, giải khuyến khích với cuộc thi viết Trung thu gợi nhớ tình thân, giải ba viết Người thầy trong tôi, giải khuyến khích Viết về mẹ…

Nghị lực phi thường của hoa khôi tật nguyền - 2

Trong cuộc sống, Hoa là người hòa đồng, vui vẻ

Chị cũng tích cực tham gia vào các Câu lạc bộ, tổ chức người khuyết tật. Chị là Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ San sẻ yêu thương, thành viên câu lạc bộ việc làm (Trung tâm khuyết tật và phát triển DRD), thành viên câu lạc bộ sinh viên khuyết tật tại TP HCM. Chị là một trong 39 gương mặt khuyết tật tiêu biểu của TP HCM đầu tiên tham gia dự án nâng cao năng lực cho thanh niên khuyết tật…

Là một người khuyết tật, chị thấu hiểu nỗi khổ của những con người bị khiếm khuyết. Chị luôn hy vọng sẽ giúp những người có hoàn cảnh giống mình có công ăn việc làm. Bước đầu, chị thực hiện kinh doanh bán trang phục thời trang trên mạng. Chị cảm thấy yêu thích với công việc này vì có thể tự tạo ra những sản phẩm theo suy nghĩ của mình. Chị hy vọng, sau này sẽ cùng các bạn cùng cảnh ngộ phát triển hơn công việc này.

Mặc dù vậy, chị vẫn mong, sau này sẽ trở thành một nhà báo hay một giáo viên dạy văn cho những người có cùng hoàn cảnh khó khăn như mình. Hoa biết, tương lai sẽ còn rất nhiều chướng ngại, khó khăn nhưng rồi sẽ phải vượt qua, ngẩng cao đầu đối diện với thực tại và hướng đến tương lai. 

Nhật Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot