Người đàn bà đơn thân 10 năm 'tha phương cầu thực' kiếm sống

Ngày 08/04/2015 00:12 AM (GMT+7)

51 tuổi, không chồng, không con, người phụ nữ kiếm sống bằng nghề bán bóng bay dạo ấy gần 10 năm nay không có Tết.

Chiều muộn, cơn gió chuyển mùa làm cả xe bóng của  bác Sen (Nam Định) dẹo dọ. Người đàn bà lấy cả thân hình nhỏ thó kéo mạnh xe về phía mình, cố níu những quả bóng khỏi tuột mất. Hàng ế, chẳng có khách. Bác lại ngồi ngác ngơ trông chờ vào lượt người đổ về  cuối đường, hy vọng.

Nhọc nhằn bán bóng bay mưu sinh

Vài năm nay, cạnh bốt điện thoại gần cầu vượt Trần Khát Chân người ta vẫn thấy gương mặt quen thuộc cùng với chiếc xe chở bóng bay cà tàng cũng quen thuộc của người phụ nữ tuổi xế chiều. Bác Sen không chồng, không con do mặc cảm bệnh tật. Bác bảo: Ngày bố mẹ còn sống, bác vẫn ở nhà vườn tược rau cháo cùng các cụ. Mẹ mất, rau màu ở vườn không đủ tiền mua thuốc chữa bệnh. Bác bước chân lên phố thị lắm xô bồ này để hy vọng chút tiền tự nuôi bản thân qua ngày, đoạn tháng.

“Tôi không may mắn như mọi người, cổ, chân, tay bị bệnh từ năm 13 tuổi.  Bây giờ còn ít sức khỏe túc tắc kiếm được đồng nào hay đồng ấy vừa chữa bệnh, vừa kiếm sống qua ngày.  Hàng ngày đi bán bóng bay có người nói chuyện cũng đỡ buồn và ít thấy chạnh lòng hơn. Những ngày lễ tết, lang thang đi nhặt rác, người đi đường cứ trêu, chồng con đâu mà bà phải lăn lộn vào dịp này. Lương tâm buồn nhưng  thôi kệ”, bác chia sẻ.

Người đàn bà đơn thân 10 năm tha phương cầu thực kiếm sống - 1

Gương mặt khắc khổ của bác Sen

Bác Sen lên Hà Nội kiếm sống được gần 10 năm. Những ngày đầu tiên, bác đi làm osin rồi ở cho một số gia đình. Sau chán cảnh đi ở thuê, bác tích góp dành dụm mua chiếc xe đạp  đi nhặt rác. Đi nhiều, cổ và chân lại phát bệnh bác chuyển sang bán bóng bay dạo.

- Đứng bán hàng ở đường, bóng bay cồng kềnh, cản trở bác có bi công an bắt không?

- Tôi bị các chú ý bắt mấy lần nhưng  đều được cho về. Nhìn hoàn cảnh mình, dáng vẻ khắc khổ như thế này các chú ý thương nên “thả” và dặn lần sau đứng gọn vào một chỗ. Bản thân tôi cũng biết cản trở giao thông rồi nhưng vì mưu sinh nên không còn cách nào khác.

- Tết vừa rồi bác ăn Tết vui vẻ chứ?

- Tôi không có Tết, cô ạ.

10 năm “trốn” Tết quê

10 năm qua, bác không có Tết. Bố mẹ mất, anh chị em ai cũng có gia đình riêng. Bác vẫn mặc cảm với số phận, với bệnh tật mà đi tha phương, cầu thực “trốn” về quê. Bác bảo, chẳng muốn làm gánh nặng cho gia đình, cho các em nên đi khỏi làng để tự kiếm sống.

Tết  2015, cả xóm trọ về quê ăn Tết hết. Bác lủi thủi 1 mình với đàn chó, đàn chuột rúc rích trên mái hiên.  Tết không bánh chưng chỉ có bát cơm nóng cắm đi cắm lại với vài ba miếng thịt. Mùng 6 Tết, người nhà chủ từ quê lên cho bác đồng bánh. Tết muộn với bác thế là đủ.

Người đàn bà đơn thân 10 năm tha phương cầu thực kiếm sống - 2

Một ngày túc tắc bác bán được 6,7 quả rong ruổi khu Trần Khát Chân

“Ngày còn ở chỗ Bốt điện Chợ Mơ cứ gần đến giao thừa, tôi đi dọn dẹp ở các quán ăn. Nhiều chị thương ném bánh chưng từ trên cao xuống hay  có thức ăn thừa sót lại người ta gọi lại cho. Những năm ấy Tết của tôi trong sự nhặt nhạnh như vậy” Mọi người ở quê cứ trách: “Sao chị không về quê ăn Tết”, bác chỉ buồn, khước từ với lý do bận hàng Tết.

 “Thực ra bận bịu công to việc lớn gì đối với người bệnh tật như tôi hả cô? Giờ  túc tắc kiếm được đồng nào thì hay đồng ấy. Thỉnh thoảng tôi về thắp hương cho mẹ hoặc có công có việc đặc biệt lắm thì về 5,3 ngày rồi vun vén lên Hà Nội luôn. Ở nhà có một mình lại thêm buồn tủi”, bác nói.

- Có bao giờ trong suy nghĩ bác nhen nhóm ý định xin 1 đứa con để nuôi cho vơi bớt tuổi già?

- Giờ nuôi bản thân còn chưa đủ nếu đi xin 1 đứa không biết nuôi như thế nào? Cũng muốn lắm nhưng không có tiền và sức khỏe để nuôi con.

- Hàng hóa cồng kềnh, đầu không quay được, bác sang đường kiểu gì với cả xe bóng bay như thế?

- Bị tai nạn mấy lần rồi cô ạ. Mùng 4 Tết lóng ngóng sang đường, có cậu thanh niên đèo bạn gái đi nhanh lao vào. Người ta đưa tôi đi viện nhưng may mắn không nặng, chỉ nằm 1 tuần là khỏe trở lại.

- Bác có mong muốn gì bây giờ?

- Tôi ước, bán được thêm 4 quả bóng nữa. Thế là đủ rồi. Đứng cả ngày mỏi chân. Ế quá!

Người đàn bà tuổi 51 quệt ngang mặt mấy giọt mồ hôi rồi lầm lũi nhìn về phía cầu vượt xa xa, mong ngóng  lượt khách trong  giờ tan tầm…

Tuệ Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Việc tử tế