Rau sạch 'tắc' đầu ra, rau bẩn ở tỉnh đổ về, Hà Nội ngậm ngùi ăn

Ngày 25/04/2016 10:48 AM (GMT+7)

Rau an toàn trồng tại Hà Nội bế tắc đầu ra, rau các tỉnh đổ về bán tại các chợ đầu mối, kiểm tra dù có phát hiện vi phạm, vượt ngưỡng nhưng cơ qua chức năng cũng không thể làm được gì.

Hà Nội: 1% rau an toàn... không an toàn

Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Nội cho biết, Hà Nội có 5.100 ha đã được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất. Tuy nhiên, theo ghi nhận của báo chí, tại nhiều vùng sản xuất rau an toàn tại Hà Nội còn rất nhiều vấn đề.

PV Infonet khảo sát tại vùng trồng rau an toàn ở huyện Đông Anh, Hà Nội, đi đến đâu cũng thấy rất nhiều chai lọ, bao bì thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng… nằm nhan nhản trên mặt bờ ruộng, dưới mương nước.

"Các cơ quan chức năng có bao giờ về đây kiểm tra chất lượng rau an toàn đâu, nên người tiêu dùng chỉ biết ăn rau an toàn bằng lương tâm người trồng rau như chúng tôi", một người dân ở vùng trồng rau an toàn cho biết.

Ông Nguyễn Tôn Tính, Phó chủ tịch UBND xã Vân Nội, ông Tính thừa nhận: “UBND xã, huyện không thể kiểm soát được việc người dân có trồng rau đem bán cho người dân có an toàn hay không. Để bà con trồng rau an toàn và bán cho người tiêu dùng, chúng tôi chỉ còn cách tuyên truyền, vận động..."

Ông Tính cho rằng không ai có thể giám sát được thời gian người dân phun thuốc và thu hoạch. Cổng cuối cùng là phải lấy mẫu giám sát.

Rau sạch tắc đầu ra, rau bẩn ở tỉnh đổ về, Hà Nội ngậm ngùi ăn - 1

Việc phun thuốc đến khi thu hoạch không ai giám sát

Chúng tôi đã đem những thắc mắc này đến gặp ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT).

Ông Hồng cho biết, người dân nói không có cơ quan quản lý là không đúng. Việc kiểm tra, giám sát, xử lý là trách nhiệm của địa phương. Cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm, công bố chất lượng sản phẩm của mình làm ra. 

Còn cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm giúp nông dân chứng nhận điều kiện, giúp người sản xuất hiểu biết canh tác, sử dụng thuốc, có những lớp cầm tay chỉ việc và thanh tra, kiểm tra thông qua việc rút mẫu. Việc kiểm tra, giám sát đã được phân công phân cấp rõ ràng.

“Mỗi năm chúng tôi phân tích 300- 1000 mẫu rau sản xuất nhưng chỉ 1,25% mẫu vượt ngưỡng", ông Hồng cho hay.

“Nhiều người đang hiểu nhầm về trách nhiệm quản lý, cứ nghĩ chúng tôi phải giám sát tại ruộng nhưng dù có đứng thế, đứng nữa cũng chẳng giải quyết gì được”, ông Hồng nhấn mạnh.

Bên cạnh việc lấy mẫu, chi cục đã tổ chức được hơn 900 lớp tập huấn về an toàn trong sản xuất rau an toàn cho gần 50.000 người. Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật không sử dụng thuốc BVTV như che phủ nilon, nhà lưới… Cử 150 cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, kiểm tra sản xuất RAT; thường xuyên thanh tra, kiểm tra kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV từ cơ sở.

Cụ thể, kiểm tra đột xuất 3.996 lượt cửa hàng, công ty, chi nhánh công ty trên địa bàn phát hiện 563 trường hợp vi phạm, phạt tiền 457 triệu đồng, thu giữ 1044,36 kg(lit) thuốc chờ tiêu huỷ.

“Lúc nào chúng tôi cũng quan tâm đến an toàn thực phẩm. Hà Nội làm khác với địa phương khác. Với nông dân phải quan tâm tới lợi ích của nông dân, gắn liền giá trị sản xuất với an toàn thực phẩm. Chúng tôi không tuyên truyền sản xuất rau an toàn để bán giá cao, không để nông dân hi vọng rồi thành ảo vọng”, ông Hồng bày tỏ.

Thật giả lẫn lộn

Lãnh đạo Chi cục BVTV khẳng định, người tiêu dùng Hà Nội đang được hưởng rau an toàn, ít nhất là 400.000 tấn/năm qua chợ đầu mối, 20.000 tấn bán qua siêu thị. Nhưng người dân đang thiếu niềm tin do không thể phân biệt bằng cảm quan, chỉ phân biệt được khi có tem nhãn nhận diện của các doanh nghiệp.

Nhưng cái khó ở đây là có rất ít doanh nghiệp tham gia do lợi nhuận thấp, rủi ro cao, theo đó là bất cập: gíá thuê cửa hàng, nhân công bán hàng, quảng bá rất cao, vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, rau dễ thối hỏng, hư hao gắn liền với hệ lụy số cửa hàng ít, sản phẩm kém đa dạng, giá bán cao, số lượng tiêu thụ ít, không tiện lợi (xa nơi ở, phải gửi xe, bán vào thời điểm đi làm) dẫn tới phá sản.

Rau sạch tắc đầu ra, rau bẩn ở tỉnh đổ về, Hà Nội ngậm ngùi ăn - 2

Su hào củ khá to sắp cho thu hoạch nhưng người trồng vẫn phun thuốc cho xanh lá. Ảnh chụp tại vùng rau toàn Vân Nội, Đông Anh.

Đồng thời Hợp tác xã nông nghiệp hầu như không có vai trò tiêu thụ rau an toàn cho nông dân. Chính vì thế, chỉ có 5% rau an toàn cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ, điểm phân phối, bếp ăn tập thể và hệ thống siêu thị. Còn lại 92,5% rau an toàn chưa có tem, nhãn nhận diện truy xuất nguồn gốc tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu dân cư...

Theo ông Hồng, do chưa có chính sách xây dựng hạ tầng xã hội cho kinh doanh rau an toàn như: chợ đầu mối, chợ dân sinh, bố trí điểm bán hàng hoặc hỗ trợ thuê cửa hàng khiến người tiêu dùng không tiếp cận được với rau an toàn còn người sản xuất chưa bán được rau an toàn theo đúng giá trị.

Đáng ngại hơn là, sản lượng rau của Hà Nội đạt gần 600.000 tấn/năm, mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô (nhu cầu rau xanh khoảng 1 triệu tấn/năm), còn lại 40% cung cấp từ các địa phương khác như: Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Lào Cai, Hòa Bình,...

Nhưng hiện nay, các địa phương chưa tiến hành lấy mẫu để phân tích dư lượng thuốc BVTV trên rau.

“Hiện nay lẫn lộn rau an toàn và không an toàn, lẫn lộn rau giữa các tỉnh với rau Hà Nội. Nếu không có chính sách tiêu thụ, rau an toàn không ra được cửa hàng, hệ thống bán lẻ thì dù có nói thế nào người dân cũng không tin, 20 năm nữa Hà Nội cũng không có rau an toàn”, ông Hồng lo ngại.

Chính vì thế, ông Hồng cho rằng tại Hà Nội ít nhất mỗi tổ dân phố có một cửa hàng bán rau, có địa điểm, có chính quyền, đoàn thể, người tiêu dùng kiểm soát.

“Cứ để kệ doanh nghiệp thì đến bao giờ người tiêu dùng mới tiếp cận được rau an toàn, người sản xuất mới chứng minh được rau của mình là an toàn. Muốn chứng minh phải qua doanh nghiệp, người tiêu dùng”, ông Hồng kiến nghị.

Mặt khác, ông cho rằng các tỉnh cũng phải công bố thông tin dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau để người tiêu dùng biết.

“Hiện nay rau các tỉnh cũng đổ về Hà Nội nhưng không thể kiểm tra, kiểm soát khiến chúng tôi cũng bức xúc. Kiểm tra tại các chợ đầu mối dù chúng tôi có phát hiện vi phạm, vượt ngưỡng nhưng cũng không thể điều chỉnh được”, ông Hồng cho hay.

Theo Diệu Thùy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan