Sự thật về loại nấm “tan cửa nát nhà”

Ngày 28/11/2014 14:41 PM (GMT+7)

Thời gian gần đây, nhiều người truyền tai nhau về một loài “nấm” có những công dụng ngoài sức tưởng tượng dành cho chuyện vợ chồng.

Loại “nấm” này đã có lúc đội giá lên tới cả triệu đồng một cân. Tuy nhiên, sự thật về công dụng của nó dường như đã bị thổi phồng quá mức và nhiều thương lái đang trục lợi trong việc bán sản phẩm.

Quảng cáo “trên trời”

Loài “nấm” mà người ta truyền tai nhau và đang được bán khá phổ biến ở Hà Nội có hình thù khá giống bộ phận sinh dục của đàn ông và thường được quảng cáo với cái tên “nấm ngọc cẩu”. Các thương lái bán “nấm ngọc cẩu” với nhiều loại giá khác nhau. Theo khảo sát của PV, hiện thị trường Hà Nội có nơi bán 180.000 đồng/kg, có nơi bán 400.000 đồng và chỗ bán cao nhất là 500.000 đồng/kg.

Theo quảng cáo của những người bán, đây là loại nấm cực kỳ hiếm có, chỉ mọc trên những đỉnh núi cao của các tỉnh như Yên Bái, Hà Giang... Ban đầu, loài nấm này được tìm thấy trên đỉnh Tây Côn Lĩnh (Hà Giang), được những người Dao đỏ dùng từ nhiều năm trước. Theo quảng cáo về loại nấm này, vì công dụng của nấm quá mạnh nên nếu chỉ vợ hoặc chồng uống thì có nguy cơ “tan cửa nát nhà”. Muốn an toàn cho hạnh phúc gia đình thì chỉ có cách vợ chồng cùng phải uống. Theo họ, loại nấm này tăng nhu cầu tình dục nam hoặc nữ quá mạnh, nếu chỉ 1 trong 2 vợ chồng uống sẽ xảy ra “tình dục ngoài luồng”.

Chính vì những lời quảng cáo có cánh như trên mà nhiều người đã lùng sục mua bằng được “nấm ngọc cẩu” về ngâm rượu. Ban đầu, nhiều người lên tận các tỉnh miền núi để mua. Tuy nhiên, hiện nó đã được các thương lái nhanh nhạy chuyển về bán rất nhiều ở Hà Nội.

Sự thật về loại nấm “tan cửa nát nhà” - 1

“Nấm ngọc cẩu” được bán rất nhiều ở các phiên chợ vùng cao. Ảnh: P.V

Một quảng cáo đã đính kèm rất nhiều công dụng cho “nấm” có hình thù đặc biệt này: “Nấm ngọc cẩu được sử dụng trong các bài thuốc làm bổ máu, bổ thận, kích thích đường tiêu hóa, thông tiểu, chữa nhức mỏi tay chân, đau lưng, di tinh, liệt dương, đặc biệt tốt cho phụ nữ phục hồi sức khỏe sau khi sinh… Người Dao đỏ dùng củ nấm này để chữa hậu sản. Những phụ nữ sau khi sinh, sức khỏe suy kiệt, chỉ cần dùng củ nấm này sắc nước uống vài lần là khỏe như thường, lại leo núi, lên nương phăm phăm.

Theo các lang y người Dao, ngoài việc tăng cường sức khỏe thì củ nấm còn làm mất cả nám da, tàn nhang, tiêu những khối u lành trong cơ thể. Sở dĩ có được tác dụng thần kì đó là do củ nấm có tác dụng mạnh trong tăng cường nội tiết tố estrogen. Nội tiết tố chính là “nhựa sống” giúp duy trì sức sống cho chị em phụ nữ.

Phụ nữ lớn tuổi, hàm lượng nội tiết tố được sinh ra càng ít đi, vì thế, bệnh tật sinh ra và đặc biệt là ham muốn chuyện vợ chồng cũng giảm. Không chỉ phụ nữ, với đàn ông, loài nấm này chính là thần dược. Loài nấm này có tác dụng bổ dương cực mạnh. Thậm chí, nhiều người hỏng hẳn chức năng sinh lý, sử dụng nấm này bồi bổ, vẫn có thể trở lại cường tráng như xưa”.

Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương chưa bao giờ sử dụng

Sự thật về loại nấm “tan cửa nát nhà” - 2

Chúng tôi đã liên hệ với bác sỹ Hoàng Sầm – Chủ tịch hội đồng Viện Y học bản địa Việt Nam hỏi về công dụng và giá trị của “nấm ngọc cẩu” hay còn có tên gọi khác là củ dó đất hoặc tỏa dương. Theo bác sỹ Hoàng Sầm, qua nhiều năm nghiên cứu cho thấy các cây thuộc họ dó đất có một số tác dụng đối với chuyện “chăn gối”. Tuy nhiên, nó cũng không hơn gì một số vị thuốc như ba kích, bạch tật lê, dâm dương hoắc – vốn là những vị thuốc được biết đến với tác dụng tăng cường sinh lý.

Theo bác sỹ Hoàng Sầm, việc nói “quá sự thật” về dó đất chỉ có hại cho sự đa dạng quần thể thiên nhiên Việt Nam. Viện Y học bản địa Việt Nam đã có vùng khoanh nuôi bảo vệ loại cây này và thường thu mua với giá 30.000 đồng/kg tươi hoặc 110.000 đồng/kg khô.

Bác sỹ Nguyễn Thị Nhuần – Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết, nhiều năm làm nghề nhưng bà chưa từng được nghe về công dụng của loài “nấm ngọc cẩu”. Tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương chưa bao giờ sử dụng loại dược liệu này.

Theo bác sỹ Nguyễn Thị Nhuần, dân gian có nhiều cây dược liệu để chữa bệnh. Tuy nhiên, việc uống các vị thuốc Đông y thì đều phải có chỉ định từ các thầy thuốc. Mỗi cơ thể người khác nhau nên không có công thức chung nào trong việc uống các loại thuốc kể cả từ cây cỏ. Việc uống bừa bãi không theo liều lượng hoặc có thể uống nhầm sẽ dẫn tới những hậu quả không tốt cho sức khỏe.

Đối với cây “tỏa dương”, các tài liệu của cố GS. TS Đỗ Tất Lợi – một danh y tài năng trong việc dùng các cây thuốc dân gian chữa bệnh cũng chỉ ghi rất ngắn gọn về công dụng của loại cây này như sau: "Nhân dân dùng vị tỏa dương làm thuốc bổ máu, kích thích ăn ngon miệng, còn dùng chữa nhức mỏi chân tay, đau bụng, hồi phục sức khỏe cho phụ nữ sau khi sinh nở. Dùng dưới dạng thuốc rượu...".

Rớt giá thảm hại

PV Báo GĐ&XH  đã liên hệ với một cán bộ Sở Y tế Hà Giang để hỏi thêm về “nấm ngọc cẩu” và được biết: Thực ra “nấm ngọc cẩu” chỉ là cách gọi chứ đó chỉ là một loài cây ký sinh, không phải nấm. Đây là loại cây dược liệu dân gian vẫn thường được đồng bào dân tộc bán nhiều. Tuy nhiên, trước đây  người sử dụng không nhiều.

Cách đây vài tháng, “nấm ngọc cẩu” bắt đầu được săn lùng ở Hà Giang và có lúc nó lên đến hơn 1 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, đến nay thì người bán khai thác rất nhiều và đã rớt giá ghê gớm, hiện “nấm ngọc cẩu” được bán tại Hà Giang chỉ còn khoảng 50.000 đồng/kg.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, “nấm ngọc cẩu” còn có tên là củ dó đất hoặc tỏa dương. Tên khoa học là Balanophoraceae. Là loại cây có hình dạng như cây nấm, màu đỏ nâu sẫm, được cấu tạo bởi cán hoa lớn, trên mang hoa dày đặc, có mo bao bọc, màu tím, có mùi hôi. Cán hoa nạc và mềm, sần sùi, không có lá. Tỏa dương thường mọc và sống ký sinh trên rễ những cây gỗ lớn trong rừng sâu ẩm thấp... ở các vùng rừng núi phía Bắc.

Theo Hoàng Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot