Thủ khoa và những câu chuyện ồn ào năm 2015

Ngày 25/12/2015 00:09 AM (GMT+7)

Thủ khoa nhà nghèo, thủ khoa nhưng thất nghiệp khi ra trường, thủ khoa trượt công chức… là những câu chuyện được nhắc nhiều trong năm 2015.

Những gương mặt tiêu biểu

Trong đợt xét tuyển đại học năm 2015, đã có nhiều gương mặt thủ khoa ghi dấu ấn về thành tích cũng như những nỗ lực không ngừng vượt qua số phận và hoàn cảnh. Trong số đó phải kể đến thủ khoa Kiều Quốc Sang (xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh). Thi khối B Sang đạt 29,25, trong đó Toán và Hóa 10 điểm, sinh học 9,25 điểm. Cậu là một trong bốn thí sinh cao điểm nhất cả nước và đứng đầu tỉnh Quảng Ngãi. Cậu đã nộp hồ sơ xét tuyển vào trường Đại học Y dược TP HCM.

Thủ khoa và những câu chuyện ồn ào năm 2015 - 1

Kiều Quốc Sang (Ảnh Nhật Long)

Vào năm lớp 1, bỗng dưng cậu cảm thấy đau buốt ở chân, không thể đi lại được. Bác sĩ cho biết, cậu bị dịch tràn qua khớp. Dù gia đình đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng do không có đủ kinh phí nên bệnh không khỏi, một chân bị teo dần.

Thầy giáo Nguyễn Hồng Danh (Hiệu trưởng trường THPT Ba Gia) cho biết, đây là học sinh đầu tiên của trường đạt số điểm thi cao nhất cả nước. Mặc dù Sang học giỏi nhưng cậu rất khiêm tốn, được bạn bè yêu quý. Ngoài việc học, cậu phụ cha mẹ việc cắt cỏ cho bò, đồng áng… Được biết, khi biết Sang đạt điểm cao, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi thông tin sẽ hỗ trợ gia đình 10 triệu đồng. Ngoài ra, tỉnh Đoàn Quảng Ngãi cũng trao tặng học bổng 1 triệu đồng từ Qũy Bảo trợ và phát triển tài năng tỉnh…

Cũng có thể kể đến thủ khoa Hoàng Nghĩa Bính, HS lớp 12T1, trường THPT Lê Viết Thuật, Vinh, Nghệ An đỗ thủ khoa trường Sỹ quan Lục quân 1 với 26 điểm (Toán 8.5, Lí 8.5, Hóa 9 điểm).

Bính sinh ra trong một gia đình thuần nông, bố em đau ốm từ khi em còn nhỏ. Mới ngoài 40 nhưng ông Hoàng Nghĩa Nhâm (bố Bính) trông như đã gần 60, chỉ ở nhà làm việc vặt, hôm nào khỏe thì đi chăn dắt con bò, chị Trần Thị Thảo (mẹ Bính) đi phụ hồ kiếm tiền, trang trải cuộc sống và chi tiêu học tập cho 2 anh em Bính.

Thủ khoa và những câu chuyện ồn ào năm 2015 - 2

Thủ khoa Hoàng Nghĩa Bính (Ảnh Trần Đăng)

Ước mơ lớn nhất của Bính trước sau vẫn là tha thiết mong muốn được học tập và trưởng thành trong môi trường quân ngũ, được trở thành một sỹ quan giỏi của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thủ khoa thất nghiệp

Câu chuyện về sinh viên thất nghiệp luôn gây nên những tranh cãi từ trước đến nay, thế nhưng, chuyện thủ khoa cũng nằm trong số này lại càng khiến nhiều người bất ngờ.

Thủ khoa và những câu chuyện ồn ào năm 2015 - 3

Ảnh Internet

Có thể kể đến trường hợp của Chu Thị Yến, nữ thủ khoa cả đầu vào và đầu ra của khoa Điện - Điện tử, trường đại học Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, suốt 3 tháng, Yến gửi hồ sơ đi gần chục nơi mà không có kết quả. Gia đình khó khăn, thậm chí cô tân thủ khoa đã phải tính đến việc bỏ công sức 4 năm học đại học để về quê làm lao động phổ thông.

Trước đó, năm 2013 có trường hợp của Lê Văn Ngọ - thủ khoa đầu ra trường Đại học Giao thông Vận tải với số điểm trung bình 8,77 nhưng không tìm nổi việc làm. Ngọ đã từng tự nuôi sống bản thân bằng một công việc tay chân với mức lương chỉ 1,5 – 2 triệu/tháng. Sau đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã quyết định nhận cử nhân này về làm việc tại Viện khoa học công nghệ GTVT.

Bên cạnh đó, còn có rất nhiều thủ khoa và sinh viên sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc làm những công việc với mức lương thấp hơn cả… công nhân.

Ông Ong Xuân Minh - Giám đốc Công ty Cổ phần Nguồn Nhân Lực Siêu Việt trả lời với Dân Việt rằng, nguyên nhân nằm ở chính bản thân các bạn sinh viên quá thụ động trong tìm kiếm cơ hội. Đa phần các bạn chỉ biết gửi hồ sơ xin việc bằng những cách truyền thống và chờ người quen giới thiệu. Thậm chí có trường hợp cử nhân giơ biển xin việc ngoài đường.

Ngoài ra, ảo tưởng với bằng cấp, “kén cá chọn canh”, không chịu làm trái ngành hay ngại những việc nhỏ cũng khiến các tân cử nhân bỏ qua nhiều cơ hội tốt để học hỏi. Mới một hai tháng không xin được việc, hoặc chỉ gửi 10, 15 bộ hồ sơ không đạt kết quả đã nản chí và lựa chọn những công việc tạm bợ, là biểu hiện của thiếu kiên định và bản lĩnh sống.

“Thị trường tuyển dụng vô cùng rộng lớn và nhiều cơ hội. Đừng đổ lỗi cho nền giáo dục hay xã hội, hơn ai hết các bạn sinh viên hãy học cách tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của chính mình. Xã hội khắc nghiệt mới có thể đào thải những nhân tố thụ động và kém năng lực”, ông Minh nhấn mạnh.

Thủ khoa trượt công chức

Vào đầu năm, Sở Nội vụ TP.Hà Nội công bố kết quả kiểm tra, sát hạch tiếp nhận công chức thi trượt trong kỳ tuyển dụng công chức TP.Hà Nội năm 2015 khiến nhiều người… giật mình. 

Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, 30/63 thí sinh thuộc diện được đặc cách xét tuyển đã không qua được kỳ sát hạch. Điều đáng nói, trong số 30 người không đạt, 5 người có bằng thạc sĩ loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài các ngành: Kinh tế, quản trị kinh doanh, quản trị tài chính, kỹ thuật hóa học và ngữ văn. Số còn lại đều là thủ khoa xuất sắc trong nước, cử nhân bằng giỏi nước ngoài. 

Thủ khoa và những câu chuyện ồn ào năm 2015 - 4

Ảnh minh họa

Nội dung kiểm tra, sát hạch công chức bao gồm kiến thức về công vụ, công chức; kiến thức quản lý nhà nước chuyên ngành; vận dụng kiến thức chung và kiến thức quản lý nhà nước chuyên ngành vào thực tiễn công tác ở vị trí việc làm nếu được tiếp nhận; kỹ năng thuyết trình, tổng hợp và soạn thảo văn bản. 

Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, mỗi cơ quan có một cách thi riêng. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước muốn tuyển đối tượng nào vào làm việc? Nếu muốn tuyển những người chỉ học thuộc hết các luật công chức không khó. Những người muốn thi qua các môn công chức, công vụ chỉ cần bỏ ra một tuần học thuộc lòng. Như vậy, Hà Nội cho đỗ thì không thể có chất lượng nhân sự tốt. 

GS Giang cũng cho biết, ông không tin thi các môn công chức, công vụ để đánh giá năng lực người này tốt, người kia tệ. Theo ông, những thủ khoa tốt nghiệp bao giờ cũng có nền tảng học vấn, phương pháp tiếp cận vấn đề khoa học. Do đó, thay vì “đánh đố” thí sinh học thuộc điều, luật, hãy đưa ra tình huống để họ ứng xử. 

“Từng ngồi trong hội đồng tuyển dụng, tôi biết, muốn đánh trượt ai có khó gì. Người ra đề thi sẽ chủ động đưa ra hàng rào đánh đố thí sinh. Giám khảo cũng biết chắc chắn thí sinh không qua, sau đó họ giải thích. Mà cách giải thích muôn đời đúng”, GS Giang bày tỏ. 

Ông nói: “Khi tuyển dụng, rất cần sự thật tâm: Muốn tuyển ai? Tôi không tin thủ khoa lại dốt nát và trượt nhiều như thế”.

Tào Nga (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan