Xả độc làm cá chết, Formosa bồi thường 500 triệu USD

Ngày 30/06/2016 15:53 PM (GMT+7)

Formosa đã nhận trách nhiệm gây ra tình trạng cá chết hàng loạt ở miền Trung, đồng thời cam kết bồi thường 500 triệu USD (11.500 tỷ đồng) sau sự cố môi trường.

18h25: Kết thúc cuộc họp báo

18h20: Cuối cùng Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, để không xảy ra sự cố như vừa qua, chúng tôi kiên quyết xử lý các cán bộ liên quan đến sự cố này sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật tùy theo mức độ vi phạm.

18h15: Câu hỏi 5: Cảnh báo sự nguy hiểm trong và sau sự cố hải sản chết?

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Ngay sau khi xảy ra, ngành y tế đã chỉ đạo xét nghiệm các mẫu hải sản. Liên tục làm xét nghiệm 3 tuần, và đưa ra kết quả xét nghiệm tới rộng rãi công chúng. Các cơ quan của Bộ Y tế hiện nay triển khai kế hoạch giám sát sức khỏe người dân ở 4 tỉnh này. 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám: Khi sự cố xảy ra, đã chỉ đạo lấy mẫu hải sản giám sát, khoanh vùng khu vực ảnh hưởng của 4 tỉnh tính từ bờ ra là 20 hải lý. Đồng thời chỉ đạo trong vùng ảnh hưởng này, các tàu khai thác sẽ được lấy mẫu hàng ngày, nếu thấy hải sản nhiễm độc sẽ lập tức tiêu hủy. Vùng ngoài 20 hải lý là vùng an toàn, và sản phẩm hải sản này sẽ được chứng nhận ngay tai bến. Tuy nhiên, để yên tâm vẫn lấy mẫu 2-3 lần/ngày.

18h15: Câu hỏi 4: Mức phạt 500 triệu USD là rất cao. Vậy dựa vào đâu để đưa ra mức phạt này?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Mục đích chúng tôi đặt ra 500 triệu USD là rất nhỏ, chúng tôi chưa đánh giá những tổn hại về kinh tế biển, du lịch, chúng tôi còn chưa đánh giá về những tổn tương tâm lý.

Xả độc làm cá chết, Formosa bồi thường 500 triệu USD - 1

Bộ trưởng Trần Hồng Hà

Chúng tôi thấy rằng, không cần phải biết là bao nhiêu mà là Formosa phải xử lý thật nghiêm công nghệ, xử lý xả thải để không bao giờ xảy ra sự việc như thế nữa.

18h10: Câu hỏi 3: Với những thiệt hại như vậy, cơ quan chức năng có khởi tố hay không?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Sau khi xảy ra sự việc này, Đảng và Nhà nước có thái độ quyết liệt rõ ràng, chỉ đạo cơ quan chức năng tập trung có biện pháp khắc phục ngay để ổn định đời sống nhân dân, quan tâm hỗ trợ nhân dân. Đồng thời cảnh báo vùng không an toàn để người dân ko sử dụng. 

Việc đấu tranh tìm ra thủ phạm, tỏ thái độ kiên quyết và xử lý nghiêm không loại trừ bất cứ tổ chức cá nhân nào. Tuy nhiên, VN đang xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, đang được bạn bè thế giới đánh giá cao và khẳng định sự kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài thành công là do môi trường đầu tư thuận lợi.

Việc Formosa nhận lỗi trước nhân dân Việt Nam và bồi thường thiệt hại, chúng ta có câu "Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại", chúng ta thể hiện chính sách khoan hồng, độ lượng trước nhà đầu tư vào Việt Nam khi họ đã biết nhân lỗi. Các nhà đầu tư cam kết thực hiện đúng pháp luật Việt Nam, nên sẽ bị xử phạt theo pháp luật nếu vi phạm.

Việc đưa ra khởi tố hay không còn phải cân nhắc, nhưng với việc biết nhận lỗi, mong muốn nhân dân Việt Nam thể hiện tinh thần cao thượng, độ lượng.

18h05: Câu hỏi 3: Formosa là doanh nghiệp gây ra ô nhiễm thì việc Bộ Tài nguyên Môi trường cấp phép diễn ra như thế nào? Trách nhiệm của Bộ đến đâu?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Việc cấp phép phải dựa trên quy định pháp luật. Có 2 quy chuẩn, quy chẩn 40 đối với nước thải công nghiệp. Quy chuẩn 52 là quy chuẩn với xử lý nước thải gang thép. Như vậy, ngay từ đầu chúng ta cấp phép nhưng chưa tiên lượng được lượng nước thải đó lại lớn như vậy. Quy chẩn 52 không bao quát được. Nếu đúng ra phải kết hợp cả quy chuẩn 40 và 52 mới đúng. Chúng ta không có sự giám sát của địa phương và Trung ương khi tiến hành thực nghiệm.

18h: Câu hỏi 2: Vì sao sau gần 3 tháng mới có thông tin chính thức về nguyên nhân cá chết?

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Ngoài phần nguyên nhân như đã nói trên, chúng tôi cũng đã cố gắng nỗ lực hết mình, làm việc không kể ngày đêm để tìm nguyên nhân. Nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, đó là tìm kiếm dấu vết ở thực địa và đáy biển.

Có được kết luận ngày hôm nay, chúng ta ghi nhận năng lực của các nhà khoa học Việt Nam khi đã không ngừng nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân sớm nhất.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Qua sự việc này cho thấy nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong việc tìm ra nguyên nhân. Đồng thời, cho thấy sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong việc xử lý tổ chức vi phạm.

Công bố nguyên nhân muộn là do phải làm khách quan, khoa học và chắc chắn. Vì thế phải có quá trình điều tra, dựa trên chứng cứ khoa học. Kết quả điều tra là khách quan, dựa trên chứng cứ và không có tác động nào làm chậm nguyên nhân cả, mà chúng tôi phải dựa vào khoa học...

Chúng tôi tôn trọng sự quan tâm của người dân, nhưng lên án mạnh mẽ các tổ chức dựa vào sự kiện này gây nhũng đoạn thông tin, mất an toàn trật tự.

17h50: Cuộc họp báo tiếp tục với phần hỏi đáp

Câu hỏi thứ nhất: Việc xác định nguyên nhân cá chết được thực hiện như thế nào?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Qua clip vừa rồi cho thấy, việc xác định nguyên nhân phải khoa học, chặt chẽ, bài bản. Chúng tôi chịu nhiều sức ép, nhưng phải thực hiện đầy đủ các quy trình, không chỉ tìm ra nguyên nhân mà còn tìm ra ai là thủ phạm. Chúng tôi phải giải thích cái gì diễn ra và cơ chế gì khiến hải sản chết từ Hà Tĩnh đến Huế.

Thứ hai, chúng tôi phải xác định nguồn gây ô nhiễm. Nhiều nhà khoa học phải xuống biển để xác định nguồn gây ra ở đâu, đường đi như thế nào. Có những phân tích thí nghiệm phải mất nhiều thời gian mới có kết quả, thậm chí phải gửi ra quốc tế xét nghiệm để đối chứng. Việc làm khoa học thì phải làm đúng khoa học, phải lấy ý kiến phản biện một cách độc lập, khi thống nhất mới công bố.

Qua nghiên cứu chúng tôi thấy có một Hiđro sunfua (H2S) đi theo dòng hải lưu từ Hà Tĩnh vào Huế, chất này đi đến đâu lấy hết ô xi đến đó và gây hải sát chết hàng loạt. Chúng tối đã đi hàng trăm cơ sở và nhóm vào 3 công ty: Formosa, nhà máy điện Vũng Ánh và khu công nghiệp Hà Tĩnh, từ việc khoanh vùng chúng tôi phát hiện những lỗi trong quản lý và vận hành xử lý chất thải và kiểm soát chất thải. 

Từ đó, chúng tôi xác định chỉ có lò luyện cốc thải ra phenol, xianua ... Từ đó chúng tôi tiếp tục làm việc và cuối cùng đã kết luận chất độc là từ Formosa.

17h35: Sau phần báo cáo của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, cuộc họp báo đã phát video lời xin lỗi của Giám đốc Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa.

Video Lãnh đạo Formosa cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam

Xả độc làm cá chết, Formosa bồi thường 500 triệu USD - 2

17h30: 

Trong tháng 4/2016, tại ven biển 04 tỉnh miền Trung Việt Nam (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường, gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội, môi trường biển; ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội. 

Ngay sau khi có thông tin về sự cố, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp và thường xuyên là Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người dân vùng bị thiệt hại; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; bước đầu đánh giá thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường. Đồng thời, đã chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan khoa học, trên tinh thần thận trọng, khoa học, chính xác, khách quan và đúng pháp luật, xác định, làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố để có giải pháp xử lý.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các bộ ngành liên quan, huy động trên 100 chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành từ 30 cơ quan trong và ngoài nước đã tổ chức thu thập, phân tích dữ liệu, có sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế, đã xác định có nguồn thải lớn xuất phát từ khu vực Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, chứa độc tố như Phenol, Xyanua,… kết hợp với Hydroxit Sắt, tạo thành một dạng phức hỗn hợp (Mixel), có tỷ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển theo hướng Bắc - Nam từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan tổ chức rà soát các nguồn thải; thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước với sự tham gia của các cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành và đã phát hiện Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà tĩnh (FHS) có một số hành vi vi phạm; xác định  những sự cố xảy ra trong quá trình vận hành thử nghiệm của FHS đã dẫn đến nước thải từ Công ty xả ra biển có chứa các độc tố Phenol, Xyanua, Hydroxit Sắt vượt quá mức cho phép.

Từ các căn cứ nêu trên, các bộ ngành, cơ quan chức năng có liên quan đã thẩm định kỹ lưỡng, tham vấn các nhà khoa học trong, ngoài nước và kết luận: những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ô nhiêm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường tại 04 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trong tháng 4 vừa qua.

Với những chứng cứ khách quan, khoa học, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Tư pháp, Công an, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tỉnh Hà Tĩnh và các bộ ngành khác có liên quan đã nhiều lần làm việc với Tập đoàn Formosa Đài Loan, Công ty Formosa Hà Tĩnh.

Ngày 28/6/2016, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường, làm hải sản chết hàng loạt tại 04 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trong thời gian vừa qua; đồng thời cam kết: (1) công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng; (2) thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 04 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền tương đương trên 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD); (3) khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, đảm bảo xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh để không tái diễn sự cố môi trường như đã xảy ra; (4) phối hợp với các Bộ, ngành của Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung  bảo đảm phòng, chống ô nhiễm, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự để tạo niềm tin với người dân Việt Nam và quốc tế; (5) thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết nói trên, không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước; nếu vi phạm thì sẽ chịu các chế tài theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Xả độc làm cá chết, Formosa bồi thường 500 triệu USD - 3

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng 

Với nhận thức sâu sắc là sự cố môi trường nghiêm trọng vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất kinh doanh của người dân 04 tỉnh ven biển miền Trung, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục triển khai khẩn trương và đồng bộ các giải pháp: thực hiện ngay công tác bồi thường thiệt hại, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân theo đúng quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, sát thực tế, có sự tham gia, giám sát của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan báo chí; giám sát và yêu cầu Công ty Formosa Hà Tĩnh thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trách nhiệm đã cam kết; triển khai lắp đặt hệ thống giám sát môi trường biển tại 04 tỉnh, công khai thông tin chất lượng môi trường; triển khai việc xử lý và phục hồi môi trường biển bị ô nhiễm; tập trung phát triển kinh tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Tăng cường giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, không để kẻ xấu, các tổ chức phản động lợi dụng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội. Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những tổ chức, cá nhân sai phạm liên quan đến sự cố môi trường tại các tỉnh miền Trung.

Chính phủ đánh giá cao và cảm ơn sự quan tâm, đồng tình của nhân dân trong và ngoài nước, nhất là nhân dân 04 tỉnh miền Trung; sự nỗ lực, quyết tâm của các nhà khoa học; sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng; sự vào cuộc, phối hợp kịp thời của các Ban Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí; sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế trong suốt quá trình giải quyết sự cố môi trường. Đồng thời hoan nghênh thái độ và dư luận Đài Loan đã tỏ rõ quan điểm ủng hộ Chính phủ Việt Nam xử lý nghiêm sai phạm, yêu cầu phía Formosa hợp tác để xử lý vụ việc.

Qua sự cố môi trường nêu trên, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục nâng cao trách nhiệm, năng lực quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. Đây cũng là bài học cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, trong đó có pháp luật về bảo vệ môi trường.

17h15: Phát biểu mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết trong cuộc họp hôm nay sẽ có hai nội dung chính. Trong đó có nội dung thực hiện đúng cam kết của Chính phủ về việc trong tháng 6 sẽ công bố nguyên nhân hải sát chết bất thường tại miền Trung.

Xả độc làm cá chết, Formosa bồi thường 500 triệu USD - 4

Toàn cảnh cuộc họp báo

17h5: Cuộc họp báo chính thức bắt đầu. 

Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Chủ tịch Viện Hàn Lâm khoa học Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trưởng Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phạm Huy Đông.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ chủ trì cuộc họp báo.

Xả độc làm cá chết, Formosa bồi thường 500 triệu USD - 5

Rất đông phóng viên trong nước và nước ngoài dự buổi họp báo

Hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung đã gây hoang mang và bức xúc dư luận trong suốt 3 tháng qua. Đã có hơn 30 bộ ngành, địa phương như Bộ Tài nguyên Môi trường, Công an, Khoa học Công nghệ, Thông tin Truyền thông... cùng hàng trăm nhà khoa học vào cuộc điều tra đến nay mới có kết quả chính thức. 

Hiện tượng cá chết xuất hiện vào ngày 6 -7/4, hàng chục hộ dân nuôi cá bè khu vực vùng biển Vũng Áng xã Kỳ Lợi và các bè cá của các xã lân cận như Kỳ Hà, Kỳ Ninh, Kỳ Hải (TX. Kỳ Anh – Hà Tĩnh) đồng loạt chết nổi trắng bụng. Không chỉ cá nuôi trong lồng bè bị chết, cá tự nhiên trong vực này cũng chết bất thường.

Xả độc làm cá chết, Formosa bồi thường 500 triệu USD - 6

Người dân miền Trung đang hoang mang vì cá chết hàng loạt - Ảnh: NLĐO

Theo ước tính, khu vực này có 5 hộ dân nuôi cá lồng, số cá chuẩn bị thu hoạch và cá còn nhỏ chết khoảng gần 2 tấn, thiệt hại gần 550 triệu đồng.

Ngày 10-17/4, khoảng 70 tấn cá tự nhiên của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế cũng chết dạt bờ. Vụ việc này càng trở nên nóng hơn khi báo chí đưa tin về một đường ống nghi là hệ thống xả thải từ dự án Formosa “cắm” xuống đáy biển Vũng Áng.

Chiều 27/4, đại diện của 7 bộ gồm: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Y tế, Công an, Quốc phòng cùng Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, lãnh đạo 4 tỉnh ven biển đã có cuộc họp kín kéo dài 5 tiếng để truy tìm nguyên nhân cá chết ở miền Trung. Trong cuộc họp báo vào 20h tối 27/4 tại trụ sở Bộ Tài nguyên Môi trường (Hà Nội), Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và tảo nở hoa là hai nguyên nhân được khoanh vùng.

Xả độc làm cá chết, Formosa bồi thường 500 triệu USD - 7

Việc xả thải của các nhà máy tại dự án Formosa sẽ được giám sát chặt chẽ

Ngày 21/4, ngư dân Nguyễn Xuân Thành (36 tuổi, trú tại phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết anh tìm thấy một đường ống xả thải cắm sâu xuống lòng biển đang phun ra thứ nước vàng đục, có mùi hôi thối.

Ngày 23/4 tại Hà Tĩnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế tổ chức thảo luận đánh giá tình hình cá chết hàng loạt. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết đường ống xả thải ra biển của Formosa có trong thiết kế, có quy trình xử lý và được Bộ cho phép.

Ngày 24/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đã về kiểm tra tình hình và chỉ đạo nhanh chóng khắc phục hậu quả sau “cơn bão” cá chết tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Tại thôn Tây Hà, xã Kỳ Hà, TX Kỳ Anh, Phó Thủ tướng đã thăm hỏi, động viên các ngư dân bị thiệt hại. 

Ngày 25/4, trả lời VTC, ông Chu Xuân Phàm đã nói: "Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này. Nhiều khi mình phải lựa chọn, tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay muốn xây dựng ngành công nghiệp thép". Một ngày sau đó, Formosa họp báo, xin lỗi về những phát ngôn này song không công nhận có xả chất thải độc hại ra biển. Ngày 27-4, ông Phàm bị Formosa cho nghỉ việc.

Xả độc làm cá chết, Formosa bồi thường 500 triệu USD - 8

Lãnh đạo Formosa cúi đầu xin lỗi về phát ngôn gây sốc "chọn nhà máy hay chọn cá"

Xả độc làm cá chết, Formosa bồi thường 500 triệu USD - 9

Ông Chu Xuân Phàm phát ngôn gây sốc ngày 25-4

Tại cuộc họp báo tối ngày 27/4, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đến thời điểm hiện tại qua kiểm tra và thu thập chứng cứ chưa có bằng chứng để kết luận về sự liên quan giữa Formosa, các nhà máy và hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung.

Ngày 28/4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đi kiểm tra Formosa.

Ngày 1/5, tại cuộc làm việc với các địa phương bị ảnh hưởng do cá chết bất thường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ ngành, địa phương cần có trách nhiệm thảo luận với nhau để đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân hiện tại lẫn lâu dài, "không để xảy ra trường hợp tương tự về thảm họa môi trường".

Các Bộ trưởng được yêu cầu phải tìm giải pháp cụ thể, toàn diện để người dân ra khơi đánh bắt, giải quyết những vấn đề mà họ mong mỏi. "Trên tinh thần là không để người dân đói", Thủ tướng nói.

Ngày 2/6, Chính phủ thông báo đã xác định được nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung nhưng cần phản biện khoa học trước khi công bố.

Xả độc làm cá chết, Formosa bồi thường 500 triệu USD - 10

 Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung nhưng cần phản biện khoa học trước khi công bố.

"Các nhà khoa học đã tìm ra nguyên nhân cá chết. Cần có sự phản biện để có được kết quả chính thức trước khi công bố. Việc xác định cá nhân, tổ chức có liên quan phải có bằng chứng khoa học, cũng như điều tra các vi phạm của tổ chức, không loại trừ đơn vị, cá nhân nào. Phải có thời gian để tìm ra bằng chứng xác thực. Chính phủ lắng nghe cầu thị mọi ý kiến, có trách nhiệm công bố một cách rõ ràng”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu trong cuộc họp báo.

Sau gần 3 tháng xảy ra việc cá chết hàng loạt ở miền Trung, đúng 17h chiều nay, Chính phủ sẽ tổ chức họp báo công bố chính thức nguyên nhân gây cá chết hàng loạt ở miền Trung, sau phiên họp thường kỳ hàng tháng của Chính phủ.

Cuộc họp báo của Chính phủ chủ trì có sự tham gia Ban Tuyên giáo TƯ, lãnh đạo các Bộ TT&TT, TN&MT, KH&CN, Công an, Ngoại giao, Tư pháp, đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh...

Chúng tôi sẽ cập nhật trực tiếp nội dung cuộc họp báo tới quý độc giả.

Nhóm PV
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cá chết hàng loạt ở miền Trung