Giờ chơi của con: Tưởng không quan trọng nhưng quan trọng không tưởng!

Ngày 03/10/2017 14:00 PM (GMT+7)

Bài phóng sự “Trẻ phải học từ sớm đến khuya” của báo Tuổi Trẻ đang được lan truyền nhanh chóng trong thời gian vừa qua đã phản ánh một thực trạng đáng buồn: trẻ em Việt Nam hiện đại đang bị nhồi nhét học hành và không còn thời gian để vui chơi.

Bài viết gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các bậc cha mẹ về một thế hệ mầm non phải chịu áp lực nặng nề từ việc học mà không có đủ thời gian vui chơi, dẫn đến những hệ quả xót xa về mặt tâm lý, thể chất.

Người trong cuộc nói gì?

“Mẹ ơi, hôm nay con học ở trường mệt quá rồi. Con muốn nghỉ học thêm một bữa được không? Mẹ chở con đi chơi nha?” – một cô bé năn nỉ mẹ bên ngoài cổng trường sau giờ tan học. Gương mặt của bé mệt mỏi, quần áo nhàu nhĩ sau một ngày học tập vất vả. “Không được, nghỉ học rồi không hiểu bài thì làm sao? Mới thứ Tư mà đòi đi chơi nữa? Phải cố gắng học hành chứ!” – mẹ bé nghiêm nghị nói với con, rồi quay sang tìm sự đồng cảm của các ông bố bà mẹ đứng gần đó: “Không biết học đâu ra cái thói lười biếng này nữa?”.

Một bà mẹ đứng gần đó dúi vội vào tay con trai của mình ổ bánh mì rồi trả lời: “Đúng rồi, con nít bây giờ là sướng lắm, nên phải siêng năng học hành! Bây giờ mà không lo học thì sau này khổ cho biết!” Cậu con trai cầm lấy ổ bánh mì của mẹ, ăn vội vàng vì cậu bé cũng đang sắp phải chạy qua một lớp học thêm.

Giờ chơi của con: Tưởng không quan trọng nhưng quan trọng không tưởng! - 1

Những gương mặt ngơ ngác nối nhau vào lớp học thêm sau giờ tan trường buổi chiều, rồi phờ phạc rời khỏi đây khi trời đã tối mịt, sau đó về nhà lại còn phải ngồi vào bàn học bài cho đến khuya (nguồn ảnh: internet).

Đây chính là khung cảnh thường thấy trước các cổng trường cấp một, cấp hai hiện nay. Những đứa trẻ nhai vội ổ bánh mì, gói xôi vì còn phải tiếp tục đến lớp học thêm. Nhiều bé mệt mỏi tranh thủ gục đầu lên vai bố, mẹ để nghỉ ngơi khi đang di chuyển trên đường. Thậm chí, hình ảnh các bé ngồi sau lưng bố mẹ với tay cầm quyển sách, tay cầm bút cũng không còn là chuyện hiếm thấy.

Việc trẻ em Việt Nam bị quá tải học hành và thiếu hẳn giờ chơi đang thực sự trở thành một thực trạng đáng báo động. Rất nhiều ông bố, bà mẹ Việt dù biết rằng việc vui chơi giúp ích cho sự phát triển của trẻ nhưng thường tặc lưỡi bỏ qua vì cho rằng việc học hành vẫn nên được ưu tiên hơn.

Giờ chơi của con: Tưởng không quan trọng nhưng quan trọng không tưởng! - 2

Việc trẻ em Việt Nam bị quá tải học hành và thiếu hẳn giờ chơi đang thực sự trở thành một thực trạng đáng báo động (nguồn ảnh: internet)

Hậu quả của thế hệ thiếu giờ chơi

Điều tra gần đây tại một số trường tiểu học và THCS tại Hà Nội và Đà Nẵng cho thấy, hơn 15% trẻ em gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần như tăng động giảm chú ý, trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi… Bên cạnh đó, một nghiên cứu của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cũng cho thấy một con số đáng báo động: trong số 5,000 trẻ em được khảo sát, có đến 22,1% bị thừa cân, 13,4% béo phì và 31,3% bị béo bụng.

David Whitebread, giảng viên cao cấp về tâm lý giáo dục ở ĐH Cambridge (Anh) cũng chia sẻ trong bài nghiên cứu có tên “The importance of play” rằng ngày nay nhiều bố mẹ đang cho con lạm dụng các trò chơi trên máy tính bảng và điện thoại thông minh. Nhiều bố mẹ chưa biết cách cân bằng giữa học tập và vui chơi, giữa chơi các trò chơi ngoài trời với bạn bè và chơi với thiết bị công nghệ, trong khi khoa học đã chứng minh rằng, giữa việc vui chơi của trẻ và sự phát triển trí tuệ cũng như trí thông minh cảm xúc của chúng có mối quan hệ vô cùng mật thiết.

Thông điệp gửi đến bố mẹ

Việc cho con trẻ thời gian để vui chơi lành mạnh, ra ngoài vận động thể chất là vô cùng quan trọng. Theo ý kiến của chuyên gia Meryl Davids Landau (tác giả cuốn sách Enlightened Parenting), bố mẹ nên dành ít nhất 3 giờ chơi hằng ngày cho trẻ để giúp trẻ phát triển cân bằng thể chất, trí tuệ, cảm xúc. Trung tâm Dinh dưỡng Tp.HCM thì khuyến khích cha mẹ nên cho con mình hoạt động thể chất khoảng 2 giờ đồng hồ mỗi ngày để hạn chế béo phì. Phụ huynh có thể cho con chơi thể thao, hoặc đưa trẻ đến những trung tâm vui chơi được đầu tư và thiết kế để phát triển về từ duy, thể chất cũng như trí tuệ cho trẻ.

Nguồn: [Tên nguồn].