Những điều cần lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh

Ngày 28/12/2016 08:00 AM (GMT+7)

Một số điều lưu ý nhỏ dưới đây mà Ths. BS Trương Nguyễn Thoại Nhân – Trưởng khoa Nhi, BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng chia sẻ, giúp các mẹ hiểu biết đúng đắn hơn, tránh những quan niệm sai lầm khi chăm sóc trẻ sơ sinh.

Không ít trường hợp bé sơ sinh phải nhập viện điều trị chỉ sau vài ngày chào đời bởi những lí do đơn giản mà các mẹ có thể phòng tránh được. Việc chưa trang bị những kiến thức cần thiết trong quá trình mang thai và chăm sóc cho trẻ nhỏ, cũng như tâm lí chủ quan của không ít bà mẹ đã dẫn đến tình trạng sức khỏe đáng lo ngại ở trẻ, thậm chí đã có những hậu quả đau lòng xảy ra. Kéo theo đó là những lo âu đi kèm, khiến các mẹ căng thẳng nhiều hơn sau quá trình vượt cạn khi chưa kịp phục hồi sức khỏe.

Mong ước con mình được sinh ra khỏe mạnh và phát triển bình thường là mong muốn lớn nhất của các ông bố, bà mẹ. Một số điều lưu ý nhỏ dưới đây mà Ths. BS Trương Nguyễn Thoại Nhân – Trưởng khoa Nhi, BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng chia sẻ, giúp các mẹ hiểu biết đúng đắn hơn, tránh những quan niệm sai lầm khi chăm sóc trẻ sơ sinh.

Những điều cần lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh - 1

Ths. BS Trương Nguyễn Thoại Nhân – Trưởng khoa Nhi, BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng

1. Nằm phòng tối sau sinh

Sau sinh, mẹ và trẻ không nên nằm trong phòng tối bởi điều đó sẽ khiến mẹ khó phát hiện vàng da sớm và những bất thường như mụn mủ da, thiếu máu…, cần nằm phòng có ánh sáng nhẹ vừa đủ, ấm áp.

Phòng tối và kín gây không khí tù đọng, tăng nguy cơ nhiễm trùng và việc thiếu ánh sáng mặt trời sẽ làm tăng nguy cơ thiếu vitamin D.

2. Mẹ kiêng ăn

Ngoài tinh thần thoải mái, bà mẹ cần chế độ dinh dưỡng cao, để bù lại năng lượng mất khi sinh nở và quá trình mang thai.

Chế độ ăn của mẹ cần đảm bảo dinh dưỡng tốt, đa dạng chủng loại bổ sung các nguyên tố vi lượng như sắt, calcium, chất xơ để có thể cung cấp cho trẻ qua nguồn sữa.

Những điều cần lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh - 2

3. Vệ sinh cá nhân

Vệ sinh cá nhân đóng vai trò quan trọng. Nếu mẹ không vệ sinh sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cho mẹ và bé. Tập quán kiêng tắm vì sợ bà mẹ bị lạnh là rất sai lầm. Bà mẹ nên tắm rửa bằng nước ấm, sau đó lau khô hoặc sấy nếu cần.

Rửa tay là biện pháp tuy đơn giản nhưng rất hiệu quả để phòng chống nhiễm trùng, đặc biệt nhiễm trùng sơ sinh. Bà mẹ, những người chăm sóc trẻ cần phải rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ. Tác nhân gây nhiễm trùng có thể lây qua trẻ từ tiền, điện thoại, bàn phím…

 4. Nằm than, xông, hơ

Đây là thói quen phổ biến với mục đích giữ ấm cho bà mẹ và em bé. Nằm than hoặc xông hơ theo cách cổ điển này rất dễ gây tổn thương não do ngộ độc bởi khí CO từ than. Ngoài ra, việc kiểm soát không tốt nhiệt độ có thể gây bỏng.

Có nhiều biện pháp giữ ấm bà mẹ và em bé hiệu quả và khoa học hơn như máy điều hòa, quạt sưởi, v.v….

5. Băng kín rốn - Đắp rốn theo kinh nghiệm dân gian

Nhiều người nghĩ rằng băng kín sẽ giúp bảo vệ rốn. Nguy hại hơn, có nơi vẫn còn đắp rốn với sái á phiện, thuốc lá… Băng rốn kiểu này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng rốn, hoặc làm trẻ chướng bụng, ngưng thở do ngộ độc á phiện. Băng kín rốn sẽ tạo môi trường tốt cho vi trùng phát triển gây nhiễm trùng và chậm rụng rốn. Vì thế, khi chăm sóc rốn nên để hở rốn không đắp gạc. Rốn sẽ mau khô, nhanh rụng, ít nhiễm trùng, ít tạo chồi rốn, dễ theo dõi, quan sát.

 6. Cắt lể ở thầy lang

Đẹn miệng hay tưa lưỡi là những bợn vảy ở niêm mạc miệng do nấm gây ra, xảy ra ở trẻ đang bú bình. Đẹn miệng gây đau, chán ăn. Sử dụng mảnh kim loại để cắt lể cho trẻ sẽ rất nguy hiểm và có thể gây chảy máu kéo dài nếu trẻ có rối loạn đông máu, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tại chỗ. Nấm miệng có thể điều trị an toàn và dễ dàng bằng cách sử dụng gạc mềm rà lưỡi nhẹ nhàng với kem Mycostatin, Daktarin oral gel chuyên dụng.

Thói quen cắt lể khi trẻ bệnh là một hủ tục cần tránh vì nó tăng nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt là viêm gan siêu vi, HIV, thậm chí còn gây chảy máu không cầm rất nguy hiểm. Cắt lể là hủ tục không có tác dụng gì cho việc điều trị bệnh cho em bé.

7. Thiếu sự theo dõi ở trẻ vàng da

Bình thường trẻ bắt đầu vàng da từ ngày thứ 3 và giảm hẳn sau 7-10 và không kèm dấu hiệu bất thường nào khác như sốt, nôn, bú giảm hay bỏ bú!

Những điều cần lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh - 3

Nếu trẻ vàng da sớm ngay 1- 2 ngày đầu sau sinh, hoặc vàng da quá rốn, vàng da tới lòng bàn tay, bàn chân, đặc biệt vàng da kèm bú kém, bỏ bú, gồng người,  trẻ cần được mang ngay đến cơ sở y tế để được theo dõi, chẩn đoán và điều trị.

8. Dễ dàng thay thế sữa mẹ bằng sữa bình

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh vì trẻ có thể hấp thu dễ dàng các chất dinh dưỡng và các nguyên tố vi lượng cần thiết. Cho trẻ bú mẹ, kể cả sữa non, giúp trẻ có dinh dưỡng tốt, có kháng thể phong phú để phòng bệnh. Bú mẹ còn giúp trẻ phát triển trí thông minh, thắt chặt sợi dây tình cảm giữa mẹ và bé.

Cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn, bú theo nhu cầu của bé, không cần thêm nước trong 6 tháng đầu.

Những điều cần lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh - 4

Bà mẹ cần hết sức lưu ý về chế độ ăn uống bồi dưỡng của mình, nghỉ ngơi tốt để có nguồn sữa tốt.

Động tác mút vú của trẻ giúp mẹ tăng cường bài tiết hormon sản xuất sữa vì vậy nên tránh vắt sữa rồi cho trẻ bú qua bình làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và làm giảm sản xuất sữa của mẹ.

Các kiến thức và kỹ năng cần thiết chăm sóc cho bà mẹ mang thai và trẻ nhỏ được cung cấp định kỳ tại các lớp học tiền sản. Lớp học được tổ chức định kỳ vào thứ 7 cuối mỗi tháng tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng với mục đích giúp các mẹ có được một hành trang tốt trong quá trình vượt cạn và chăm sóc trẻ nhỏ.

Để biết thông tin về lớp, các mẹ có thể liên hệ qua : 05113 991 451 hoặc 05113 650 565 hay Email : contactus.danang@hoanmy.com.

Nguồn: [Tên nguồn].