Bác sĩ phẫu thuật: quyết định nhanh nhưng phải thành công

Ngày 04/11/2015 08:00 AM (GMT+7)

Gặp chị M. quay lại bệnh viện tôi đã không nhận ra chị khi trước đó chị như bóng ma dật dờ đang giành giựt sự sống từng ngày, vậy mà giờ đây chị khỏe khoắn, nhanh nhẹn, hồng hào.

“Một tháng sau khi mổ, chị Khin M.(47 tuổi, Campuchia) quay lại bệnh viện tái khám. Thú thật lúc đó tôi không nhận ra chị. Trước khi mổ, chị như bóng ma dật dờ đang giành giựt sự sống từng ngày, vậy mà giờ đây chị khỏe khoắn, nhanh nhẹn, hồng hào. Tôi và chị, không nói nhưng nước mắt cùng chực trào vì vui và hạnh phúc” – BS Lê Đức Tuấn, trưởng khoa ngoại tổng quát, bệnh viện FV chia sẻ cảm xúc của mình khi nhớ lại trường hợp của chị Mom.

Nghĩ bị trúng tà

Sau khi phẫu thuật cắt bỏ u xơ tử cung, bụng chị M. ngày càng to lên. Sinh và sống tại một vùng quê nghèo hẻo lánh, việc bụng chị Mom “bỗng dưng” to lên bất thường khiến mọi người đâm ra dị nghị. Người thương chị thì cho rằng: “Bị trúng tà rồi, phải đi thầy cúng thì bụng mới xẹp được”, người ghét chị thẳn thừng phán: “Làm chuyện bậy bạ với ai nên mới có bầu”. Nỗi đau thể xác vì căn bệnh không thấm vào đâu bằng những lời dị nghị của hàng xóm dành cho chị. Lưng đau nhức, người mệt mỏi, xanh xao, không ăn uống được, cộng với ánh mắt dè chừng của mọi người, sức khỏe của chị càng suy yếu. Chị gục ngã.

Từng nghe thông tin về đội ngũ bác sĩ bệnh viện FV rất giỏi, gia đình đánh liều đưa chị qua Việt Nam điều trị. BS Lê Đức Tuấn nhớ lại: “ Lúc mới nhập viện, bụng chị M. to như người có bầu chín tháng nhưng lại khó thở, người xanh mét, huyết áp tuột. Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, tôi đoán có một khối u trong bụng”.

Bác sĩ phẫu thuật: quyết định nhanh nhưng phải thành công - 1

Chị M. lập tức được hồi sức tích cực, truyền máu, đồng thời được chụp CT ổ bụng. Các bác sĩ phát hiện khối u khổng lồ nằm chiếm toàn bộ ổ bụng, chèn lên tử cung, đẩy các bộ phận khác ra phía sau. Đặc biệt, chỉ số hemoglobin của chị chỉ còn 5, chứng tỏ khối u đã chảy máu gây mất máu trầm trọng cho bệnh nhân. “Lúc nhìn thấy hình ảnh khối u, gia đình chị M. òa khóc nức nở, không ngừng hoảng hốt: khối u như vậy sao mà sống” – BS Lê Đức Tuấn cho biết.

BS phẫu thuật: quyết định nhanh nhưng phải thành công

Khi tiếp nhận bệnh nhân, gương mặt của tất cả đội ngũ y bác sĩ lúc đó hiện rõ nét lo lắng. Bên trong phòng bệnh, các bác sĩ hội ý làm cách nào cứu sống chị M. thì bên ngoài các y tá, nhân viên hộ lý tích cực theo dõi tình trạng bệnh chị M., động viên gia đình vượt qua nỗi sợ hãi.

BS Lê Đức Tuấn cho biết, trong quá trình làm việc tại nước ngoài và cả Việt Nam, tôi chưa từng tiếp nhận bệnh nhân có khối u lớn nhưng phát triển nhanh như trường hợp chị M. Lúc đó tôi thật sự lo lắng cho sức của bệnh nhân, nếu chẳng may khối u ăn sâu vào các bộ phận xung quanh, khối u chảy máu ồ ạt khi bóc tách thì bệnh nhân có thể chết trên bàn mổ; nhưng trong đầu luôn suy nghĩ phải làm cách nào mổ hoàn hảo nhất, vừa lấy được khối u, vừa cứu sống bệnh nhân. Nhớ lại quá trình làm việc, học tập với các Giáo sư người Pháp đã dạy rằng: “Kiến thức là một chuyện nhưng bản lĩnh trong phẫu thuật mới là quan trọng. Nếu có kiến thức mà không có bãn lĩnh, không dám đối đầu với những ca khó là thất bại”.

Theo nguyên tắc, khi phát hiện khối u thì phải chọc sinh thiết xem khối u lành tính hay ác tính. Nhưng vì khối u của M. quá lớn, lại mất máu quá nhiều, chọc sinh thiết sẽ nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Bác sĩ Lê Đức Tuấn đã quyết định mổ bán khẩn để ngăn chặn quá trình xuất huyết của khối u.

Bác sĩ phẫu thuật: quyết định nhanh nhưng phải thành công - 2

Ca mổ do bác sĩ Lê Đức Tuấn trực tiếp thực hiện dưới sự chỉ đạo của bác sĩ Gerard Desvignes. Khối u đã ăn vào các bộ phận xung quanh như mạch máu, ruột, tủy, dạ dày… nhưng vì không ăn sâu nên vẫn có khả năng tách ra. Ca mổ kéo dài bốn tiếng, không có biến chứng nào xảy ra, khối u nặng 11,5kg đã được loại bỏ ra khỏi cơ thể của bệnh nhân.

Khi nghe bác sĩ thông báo ca mổ thành công, toàn bộ người nhà bệnh nhân òa khóc nức nở, ôm chầm lấy các bác sĩ không ngớt lời cảm ơn. “Con cứ tưởng kể từ nay con sẽ mồ côi mẹ, cứ nghĩ đến cảnh mẹ không còn trên cõi đời này nữa là con mất hết ý chí học tập, sinh tồn. Các bác sĩ tại bệnh viện FV không chỉ cứu sống mẹ, mà còn cứu cả con và cả gia đình con” – Con gái của chị M. khóc nức nở khi nhắc về mẹ.

Theo BS Lê Đức Tuấn, khối u của chị Mom là dạng ung thư ác tính của mô mỡ, phát triển nhanh hiếm gặp. Lấy được khối u là một thành công lớn nhưng vẫn có khả năng tái phát rất cao, phải kết hợp với hóa trị để tiêu diệt các tế bào ung thư.

“Nhiều người cứ nghĩ, thời gian mổ càng ngắn chứng tỏ bác sĩ đó giỏi, nhưng không phải. Thời gian ngắn, dài không quan trọng, quan trọng nhất là kết quả cuối cùng của ca mổ. Bản lĩnh của bác sĩ phẫu thuật mà tôi nói là: Quyết định nhanh chóng, nhưng phải chính xác. Chúng tôi đã quyết định đúng khi mổ lấy khối u. Bằng chứng là một tháng sau quay lại tái khám, chị Mom rất khỏe, nhanh nhẹn, da dẻ hồng hào. ” – BS Lê Đức Tuấn bộc bạch.

Mộc Hoa.
Nguồn: [Tên nguồn].