“Con muốn được đi học để biết chữ”

Ngày 20/04/2016 12:00 PM (GMT+7)

Đó là ước mơ giản đơn của cô bé Y Nui, 15 tuổi nhưng chỉ nặng 14 kg vì căn bệnh tim bẩm sinh. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, em từng bị bạn bè đồng trang lứa bắt nạt vì thân hình nhỏ bé… có những lúc Y Nui phát bệnh, tưởng chừng không thể vượt qua nhưng may thay, cuộc sống vẫn còn những điều kỳ diệu.

Mười lăm tuổi nhưng chỉ nặng hơn 14kg

Em tên Y Nui, người dân tộc thiểu số Rơngao ở Kon Tum, là một trong số những bệnh nhân vừa trải qua ca phẫu thuật tim miễn phí từ chương trình “Viết tiếp câu chuyện trái tim” từ các bác sĩ của bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng (BVHMDN). Khi chúng tôi đến đây, mục đích chính là để chia sẻ thông tin về chương trình từ thiện ý nghĩa của bệnh viện Hoàn Mỹ, tuy nhiên cô bé Y Nui với nụ cười tươi rói và hồn nhiên cùng câu chuyện của mình đã giúp chúng tôi nhận ra ý nghĩa trong thông điệp “Viết tiếp câu chuyện trái tim”.

Khó ai có thể tin rằng một cô bé đã 15 tuổi nhưng chỉ nặng hơn 14kg. Cơ thể em bé nhỏ đến mức lần đầu tiên gặp, tôi nghĩ em mới chừng 5-6 tuổi. Y Nui mắc căn bệnh suy tim bẩm sinh dẫn đến nhiều biến chứng trong hệ tuần hoàn và hô hấp, đặc biệt làm cơ thể em trở nên suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Khi hội chẩn, các bác sĩ cho biết, em được phát hiện quá trễ, nếu để lâu thêm một chút hậu quả rất khó lường, thậm chí tỉ lệ tử vong cho ca phẫu thuật lần này lên đến 30%. May thay, điều kì diệu đã xảy ra.

“Con muốn được đi học để biết chữ” - 1

Gia đình bé Y Nui đoàn tụ sau ca phẫu thuật được mong chờ 15 năm qua

Các bác sĩ của BVHMDN cho biết, họ tìm thấy ca bệnh này trong chuyến đi khám sàng lọc tim cho những người có hoàn cảnh khó khăn tại Kon Tum vào đầu năm 2015 theo chương trình “Viết tiếp câu chuyện trái tim” do bệnh viện phát động. Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hiền - Trưởng khoa Tim Mạch Lồng Ngực BVHMDN, người trực tiếp chẩn đoán và điều trị cho Y Nui, căn bệnh của em lẽ ra nên phẫu thuật từ năm em 1-2 tuổi. Thế nhưng vì nhiều nguyên nhân em đã phải mang căn bệnh này đến nay mới được điều trị. Ở tuổi 15, em Y Nui giờ đây đã có thể tự viết tiếp câu chuyện ước mơ của mình, điều mà trước đây cả gia đình em hằng mong ước.

“Tôi không biết chữ nên phải nhờ người khác viết thư cảm ơn bác sĩ”

Chị Tina, thư ký tim mạch tại bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, người nắm rõ  hoàn cảnh của bé Y Nui kể lại bằng giọng xúc động: Bố cháu không biết chữ, nhưng nằng nặc đòi viết mấy dòng cảm ơn bác sĩ đã cứu sống Y Nui. Ông đã nhờ bệnh nhân giường bên cạnh viết nguệch ngoạc mấy dòng chữ cảm ơn. Hoàn cảnh gia đình Y Nui vốn rất khó khăn, mình nhớ nhất là khi hỏi thăm em Y Nui bệnh từ lúc nào, là con thứ mấy, gia đình cũng chỉ biết cười và không nhớ nổi”

Ông A Pek, cha của Y Nui ôm đứa con gái vào lòng và kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh của gia đình. Vốn là những người dân tộc thiểu số, lại không được học hành, cuộc sống vô cùng khó khăn, ông A Pek và vợ mình không ý thức được hết căn bệnh nguy hiểm mà con gái mình mắc phải. Hằng ngày họ bận công việc trên nương rẫy và những đứa con cứ thế lớn dần trong nỗi cực nhọc đó.

Ông A Pek cũng không thông thạo tiếng Kinh để giao tiếp, cách ông gặp gỡ người lạ có vẻ rất rụt rè và sợ sệt nhưng ánh mắt hiện lên niềm vui khi ôm đứa con gái vào lòng sau khi được điều trị.

“Con ước mình được đi học và biết viết chữ”

Y Nui không được đi học do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nhưng em lại rất ngoan ngoãn và lễ phép. Từ nhỏ lại bị bạn bè xa lánh vì ngoại hình nhỏ bé của mình. “Nhìn các bạn đi học và chơi đùa với nhau, con thích lắm, con thích biết chữ và viết được tên của mình…”, Y Nui hồn nhiên kể về ước mơ của mình bằng nụ cười tươi rói.

Chị Tina nhớ lại: “Khi tôi cho em mẩu giấy và cây bút, dạy em viết một vài chữ cái đơn giản đầu tiên, tôi cứ nhớ mãi cái ánh mắt sung sướng và say mê của cô bé”. Vừa ngồi tập viết chữ, khi chúng tôi hỏi “con sợ gì nhất”, cô bé trả lời tỉnh rụi “Con sợ chết. Con sợ bị các bạn đánh, buổi sáng con lên rẫy với cha mẹ, con đeo theo cái gùi phụ cha đào khoai, lâu lâu con bị khó thở, con sợ mình chết. Con muốn được đi học để biết chữ”.

Hiện tại, các bác sĩ BVHMDN cho biết, bệnh tim của bé đã được phẫu thuật thành công. “Cả nhà Y Nui không có tiền mua thuốc thậm chí đi xe về nhà, thương em quá, anh chị em chúng tôi góp tiền của mình lại mua thuốc cho em và cho bố em tiền xe về. Tôi vẫn luôn tin, sẽ có một phép màu nào đó đến với cuộc đời Y Nui”, chị Tina xúc động chia sẻ khi nhớ lại lần cuối tiễn Y Nui ra xe về nhà.

“Con muốn được đi học để biết chữ” - 2

Bé Y Nui sau khi được phẫu thuật đã khỏe trở lại, luôn nở nụ cười trên môi và không ngừng nhắc đến ước mơ đi học của mình

Cuộc sống luôn có những điều kì diệu và những điều kì diệu thực ra được viết nên bởi những trái tim. Y Nui từ nay đã có một trái tim khoẻ mạnh nhờ tấm lòng của các bác sĩ tận tâm và giờ là lúc cô bé dùng trái tim mình để viết tiếp câu chuyện ước mơ của đời mình.

Tại hệ thống Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, dưới sự chỉ đạo của PSG. TS. Phạm Thọ Tuấn Anh - Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tim mạch Lồng ngực TP HCM, Giám đốc chuyên môn Tập đoàn, hội chẩn trực tuyến giữa các chuyên gia phẫu thuật trong hệ thống tại 3 đơn vị Tim mạch của các Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Hoàn Mỹ Sài Gòn và Hoàn Mỹ Cửu Long được tổ chức định kỳ thường xuyên, đã giúp kéo giảm tỉ lệ tử vong đối với các trường hợp bệnh tim nặng. Thống kê trung bình hàng năm các bệnh viện thuộc tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ thực hiện khoảng 1.100 ca mổ hở và can thiệp tim mạch. Thêm vào đó, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ còn tổ chức chương trình “Viết tiếp câu chuyện trái tim” nhằm tìm kiếm và điều trị bệnh nhân mắc bệnh tim có hoàn cảnh khó khăn. Trong năm 2015, chương trình đã khám sàng lọc cho hơn 20.000 người dân tại hơn 28 tỉnh thành trên cả nước.

Nguồn: [Tên nguồn].