1/6: Tình yêu không tiếp nối...

Ngày 01/06/2013 14:52 PM (GMT+7)

Thế hệ cha chú chúng ta đã từng rất yêu trẻ, mến trẻ nên mới có biết bao tác phẩm nghệ thuật,nuôi dưỡng tâm hồn bao đứa bé. Nhưng tình yêu ấy đã không được nối dài, đã bị đứt quãng...

Hàng năm, cứ vào dịp 1.6, cả xã hội lại ào lên lo cho thiếu nhi, các cơ quan thì tặng quà, các khu phố thì tổ chức cho các cháu một bữa liên hoan kẹo bánh...

Có thể nói về đời sống vật chất cho trẻ em bây giờ đã khá hơn xưa, nhưng còn về sinh hoạt văn hóa tinh thần thì chắc chắn các bé không thể hơn được cha mẹ, ông bà chúng. Nghe thì có vẻ kỳ khôi, tại sao cuộc sống cơm áo được cải thiện, nhưng cuộc sống “phần hồn” của trẻ em thì lại bị lơ là, hầu như không mấy người quan tâm đến?

Cứ điểm mặt mà xem, suốt nhiều năm nay, điện ảnh, truyền hình bỏ quên đề tài thiếu nhi, sân khấu cũng vậy, sáng tác nhạc thì càng không, may chỉ có rối và xiếc, nhưng đề tài thì cũ mèm quanh đi quẩn lại dăm tiết mục cũ rích, vài con thú gầy còm.

Còn nhớ tuổi thơ của thế hệ 7x chúng tôi, mùa hè về, đứa thì được về quê, đứa thì sinh hoạt hè ở khu phố, ở các nhà thiếu nhi với các anh chị phụ trách, hát múa, tập võ, tập vẽ, tập đàn… bao nhiêu là chọn lựa. Kể cả những trưa nắng trốn nhà đi trèo sấu bắt ve cũng để lại biết bao kỷ niệm và làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho đám trẻ.

1/6: Tình yêu không tiếp nối... - 1
Cần dành cho thiếu nhi một đời sống tinh thần tương xứng
với sự no đủ vật chất. (ảnh minh họa)

Nhưng ngày nay trẻ con thì khác, nghỉ hè rồi là phần lớn bị nhốt trong nhà, không có chỗ chơi, không ai tổ chức phong trào cho mà sinh hoạt, không phim, không kịch, không có ca khúc mới. Nhìn vào danh sách ca khúc thiếu nhi cho lứa trẻ con sinh vào những năm 201x mới thấy, toàn là những bài hát có tuổi đời bằng tuổi ông bà chúng, sân chơi Đồ rê mí trên VTV năm nào cũng thấy các bé hát “Đưa cơm cho mẹ đi cày”, thời này là thời nào rồi mà các em vẫn cứ hát hoài ca khúc đó, làm sao chúng hiểu hết ngữ cảnh bài hát để mà có cảm xúc?

Thiếu nhi gần gũi nhất với các bài hát, đó là một cách giáo dục bằng nghệ thuật cực kỳ hiệu quả, hát một bài hát hay, tâm hồn chúng được nuôi dưỡng bằng giai điệu và ca từ, thế nhưng thời nay chẳng có nhạc sĩ nào còn để tâm viết ca khúc cho thiếu nhi. Thế hệ chúng tôi có nhạc sĩ Phong Nhã, Phạm Tuyên, Hoàng Long- Hoàng Lân, Hàn Ngọc Bích… thế hệ các em hôm nay chẳng có ai.

Nhớ lần mới đây đến trò chuyện cùng nhạc sĩ Phạm Tuyên, ông không giấu nổi nỗi buồn vì lo lắng khi thấy thế hệ nhạc sĩ trẻ không hề để tâm đến ca khúc thiếu nhi, để các cháu hát mãi những bài ông đã viết cách đây hàng nửa thế kỷ. Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ thì ngậm ngùi, mấy lần tổ chức trại sáng tác kịch bản sân khấu cho thiếu nhi rồi cũng phải giải tán vì chẳng có tác giả nào tham gia. Nghe thật là cám cảnh.

Điều đó phải chăng đã chứng minh một điều: Tình yêu dành cho lứa tuổi thơ đã không được tiếp nối từ thế hệ ông cha mình cho đến hôm nay? Thế hệ cha chú chúng ta đã từng rất yêu trẻ, mến trẻ nên mới có biết bao tác phẩm nghệ thuật, từ phim, kịch, sách cho đến ca khúc, nuôi dưỡng tâm hồn bao đứa bé. Nhưng tình yêu ấy đã không được nối dài, đã bị đứt quãng và không biết đến khi nào thì… mất hẳn.

Cần một sự vào cuộc của cả xã hội, cần một sự quan tâm của những vị lãnh đạo ngành văn hóa, phải có chính sách, tiền đầu tư, có sự động viên khích lệ kịp thời để lo cho thiếu nhi một đời sống tinh thần tương xứng với sự no đủ vật chất. Còn cứ bỏ lửng thế này, đừng trách vì sao mỗi ngày trẻ em lớn lên nhưng tâm hồn lại cằn cỗi đi.

Theo Mai An (Dân Việt)
Nguồn: