1.700 hộ dân HN hứng mùi hôi tanh sông Đáy

Ngày 24/03/2014 11:19 AM (GMT+7)

Sau mỗi lần mưa tạnh, nắng hửng lên, hơn 1.700 hộ dân ở xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ lại phải hứng chịu mùi hôi tanh từ sông Đáy.

70% người dân ở đây vẫn hàng ngày phải ăn, uống bằng nước bẩn, 2 năm có cả chục người chết vì ung thư vòm họng…

1.700 hộ dân HN hứng mùi hôi tanh sông Đáy - 1

Tuy khoan sâu 50m nhưng nước giếng vẫn có váng. Ảnh: Q.Thành

Cá chết, vịt sợ, người… ăn!

Con sông Đáy đoạn chảy qua địa phận xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ ngày một trở nên đặc quánh, nước sông đen như mực, dường như không một sinh vật nào có thể tồn tại dưới dòng nước bẩn ấy. Bà Nguyễn Thị Lành, người xã Văn Võ kể: “Ai mà thọc tay xuống lớp bùn ấy về rửa xà phòng cũng không sạch, mùi hôi tẩy cũng không đi”.

Bà Lành chỉ cho chúng tôi váng nước màu đen còn bám lại hai bờ sông khi nước rút đi rồi ngán ngẩm: “Nước sông này không dùng được vào việc gì. Kể cả lúa ngoài ruộng cho nước sông vào, ít hôm sau ngay lập tức có một lớp rêu trùm lên cây lúa, lúa cũng chết”. Con người tất nhiên không thể dùng loại nước đó để sinh hoạt bởi chỉ đem tưới cây thôi, cây cũng chết, tôm cá không còn lấy một con.

Ông Nguyễn Quốc Quýnh, Bí thư chi bộ xóm Nguyễn Trãi, thôn Võ Lao cho biết: “Dòng sông Đáy gần 20 năm trước, chúng tôi vẫn gánh nước về ăn uống, nước mát và ngọt như nước mưa, dùng để tắm giặt, phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Ấy vậy mà giờ nó trở nên đen ngòm, bốc mùi hôi tanh lan tỏa ra khắp cả xã, cá chết đằng cá, vịt ngan cũng tránh xa".

Ông Quýnh dẫn chúng tôi đi dọc đoạn sông, quả thật ngay cả vịt cũng không dám lội xuống nước sông bẩn ấy. Ông Quýnh nhẩm tính: “Trong 2 năm vừa rồi, xã có 10 người chết vì bệnh ung thư vòm họng. Những cái chết đó khiến ai cũng hoang mang lo sợ. Sợ nhưng không biết phải làm thế nào nữa vì bất lực”.

Theo thống kê của ông Quýnh, ở quê ông mới chỉ có 30% hộ dân dùng nước mưa để ăn uống, còn 70% còn lại vẫn phải ăn nước giếng khoan. Giếng khoan ở đây sâu đến 50m nhưng nước vẫn có váng và mùi tanh. Sở dĩ số gia đình ăn uống nước mưa ít như vậy bởi chỉ có những căn nhà mái ngói dài 5 gian như ông Quýnh mới hứng nước mưa được. Còn lại nhà nhỏ thì không ăn thua.

Xóm Nguyễn Trãi nằm ngay bờ sông, các hộ dân ở đây khoan giếng sâu đến 50m nhưng theo đánh giá của ông Quýnh: “Nó vẫn là nước sông thẩm thấu vào”. Điều rất nguy hiểm là người ta vẫn phải dùng nước đó để nấu ăn, đun sôi để uống. Hệ thống lọc nước của người dân Văn Võ cũng rất cầu kỳ. Nước được lấy từ giếng khoan, sau đó chảy qua 2 bể xi măng đựng đầy sỏi rồi sau cùng mới dùng để nấu nướng. Tuy nhiên, dù đã lắng qua bể lọc nhưng qua quan sát của chúng tôi nước vẫn còn váng và mùi tanh. “Biết làm sao được, vẫn phải ăn chứ”, ông Quýnh nói.

Mò mẫm tìm lối thoát

Dân Văn Võ không biết bao nhiêu lần viết đơn kêu cứu lên cơ quan chức năng nhưng vẫn “bặt vô âm tín”. Con sông Đáy hiền hòa thuở nào bây giờ không những không còn là nguồn sống của người dân xã Văn Võ mà nó còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của họ.

Vì sao nước con sông này ô nhiễm đến vậy? Người dân chẳng biết “quy tội” cho ai bởi dọc hai bờ sông Đáy không biết bao nhiêu nhà máy, xưởng chế biến đủ các loại mà chất thải của chúng đổ trực tiếp xuống lòng sông.

Phía UBND xã Văn Võ cho rằng hậu quả này là do đầu nguồn nước thải từ các làng nghề chế biến tinh bột sắn, dong riềng… ra sông Đáy rồi chảy về Văn Võ. Không chỉ Văn Võ mà các xã nằm dọc hai bên sông Đáy trên địa bàn huyện Chương Mỹ như Thượng Vực cũng phải hứng chịu hậu quả nặng nề. Được biết UBND xã Văn Võ đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, trong các buổi tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, song đến nay tình trạng này vẫn chưa được cải thiện.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những ngày gần đây mùi hôi thối từ sông Đáy càng nồng nặc hơn bởi nguồn nước cấp cho các địa phương sản xuất vụ xuân 2014 lấy từ sông Hồng qua trạm bơm dã chiến Bá Giang và được bơm chuyển tiếp qua trạm bơm Đào Nguyên, chảy qua cống Yên Nghĩa có chứa nhiều tạp chất trong nước vượt ngưỡng cho phép, có mùi khó chịu...

Chứng kiến cảnh đồng lúa quê mình đang phải “uống thứ nước độc” mà ông Quýnh không khỏi xót xa: “Rồi sẽ có một lớp rêu nhầy nhầy bám chặt gốc lúa, lúa khó lòng mà phát triển được. Nhưng, chẳng còn cách nào khác”.

Vùng quê yên bình đã không còn yên bình nữa khi người dân đối diện với nỗi lo chết chóc, bệnh tật. Trong khi mòn mỏi chờ đợi biện pháp xử lý của cơ quan chức năng, để bảo vệ sức khỏe bản thân mỗi khi ra đường người Văn Võ nhắc nhau... mang khẩu trang!

Theo kết quả phân tích mẫu nước của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chất lượng nước sông Đáy bị ô nhiễm cục bộ tại một số điểm tiếp nhận nước thải của cư dân sống dọc hai bên bờ sông.

Tại huyện Chương Mỹ, đoạn từ đầu cầu Mai Lĩnh đến Ba Thá, do ảnh hưởng của chất thải công nghiệp từ các làng nghề chế biến nông sản của các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, nhất là các cơ sở sản xuất, chế biến dầu nhớt tại đầu cầu Mai Lĩnh, quận Hà Đông, mức độ ô nhiễm khá cao.

Theo Quang Thành
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan