4 ngày sống trong cái lạnh thấu xương

Ngày 20/12/2014 08:51 AM (GMT+7)

“Những ngày sống trong hầm thủy điện là những ngày cả đời tôi và mọi người không bao giờ quên vì cái lạnh thấu xương và nỗi lo sợ bao trùm. Ai nấy đều lạnh co ro, run cầm cập".

Nằm trên giường bệnh của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng với vết băng ở đầu, anh Nguyễn Văn Quang, (19 tuổi, quê Hà Tĩnh) 1 trong số 12 công nhân bị mắt kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) xúc động nói: “Tôi và tất cả anh em bị kẹt trong hầm khi được cứu ra ngoài rất xúc động khi thấy một lực lượng cứu hộ hùng hậu cả trăm người với các phương tiện máy móc để giải cứu và nhờ đó 12 anh em công nhân chúng tôi đã trở về từ cõi chết”.

4 ngày sống trong cái lạnh thấu xương - 1

12 nạn nhân bị mắt kẹt sau gần 4 ngày trong hầm được lực lượng cứu hộ giải cứu an toàn ra ngoài

4 ngày sống trong cái lạnh thấu xương - 2

Sau khi thăm khám, các nạn nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng để theo dõi

Về thời điểm sống trong bóng tối, giá lạnh trong hầm thủy điện Đạ Dâng, anh Quang vẫn chưa khỏi bàng hoàng. Anh kể: “Sáng ngày 16/12, kíp của chúng tôi có 12 người đi trước và tôi đi cuối cùng trong số này. Ngoài ra, cách xa tôi hơn 100m còn có 3 người đi sau cũng vào hầm làm. Khi vào được khoảng 500 tôi đi sau cùng bỗng nghe rắc rắc, nhìn lên trần hầm thấy có dấu hiệu rạn nứt và sắp sập nên tôi định chạy ra ngoài đầu hầm. Tuy nhiên, lúc đó tôi khựng chân và quay đầu chạy hướng ngược lại. Chạy được 2, 3 bước chân thì khối đất đá khổng lồ từ trên đổ ầm ầm xuống. Nếu tôi chạy ra ngoài đầu hầm có lẽ đã bị khối đất đá này đè chết”.

Anh Nguyễn Văn Quân, anh ruột của anh Quang kể về lúc sập hầm: “Hôm đó, tôi đợi phía ngoài đầu hầm chính để lấy vật liệu bỗng nghe âm thanh phát ra rung động cả hầm. Chưa biết chuyện gì, sau đó những người trong hầm chạy ra thông báo hầm bị sập rồi. Tôi hô hoán rồi cùng một số công nhân lao vào nơi hầm sập dùng tay bới đống đất đá khổng lồ tìm kiếm em trai mình và những nạn nhân khác. Tuy nhiên, lúc này đất đá rơi xuống đầu, nhiều sợ hầm tiếp tục sập nên mọi người thoát ra ngoài.

4 ngày sống trong cái lạnh thấu xương - 3 

Nằm trên giường bệnh, anh Quang vẫn chưa khỏi bàng hoàng về những gì đã diễn ra

“Khi hầm sập, mọi người chạy tán loạn hướng về cuối hầm tránh xa khu vực sập. Sau khi trấn an tinh thần, mọi người tìm lại nhau. Ánh sáng duy nhất trong hầm là đèn pin của chiếc điện thoại của chúng tôi. Tuy nhiên, được một thời gian sau, pin điện thoại cũng hết chúng tôi phải sống trong bóng tối bịt bùng và lạnh rét", anh Quang nói thêm.

Về vết thương trên đầu, anh Quang cho biết: "Sau khi hết pin điện thoại, không có ánh sáng nên tất cả mọi người chỉ nói chuyện để định vị chỗ của nhau. Những ngày sau đó, mực nước trong hầm dâng cao, tôi và 11 người khác phải trèo lên chiếc xe công trình có trong hầm để tránh nước ngập. Do quá mệt mỏi nên tôi đã ngủ quên rồi té đập đầu vào thanh sắt nên toác đầu".

“Một phép màu”

“Cứ tưởng lúc đó sẽ không còn cơ hội sống nữa. Cả khu vực hầm toàn một màu đen. Nước trong hầm liên tục dâng cao có khi dâng lên đến tận ngực. Mọi người trong hầm nghĩ chắc khó có thể ra ngoài. Sau đó, chúng tôi mới biết, phía bên ngoài lực lượng cứu hộ đang khẩn trương triển khai cứu hộ, chạy đua về thời gian nên tinh thần anh em cũng đỡ hơn”, anh Quang nói.

Kế bên giường bệnh của anh Quang, ông Nguyễn Văn Duy (50 tuổi bác của nạn nhân sập hầm Hoàng Anh Văn (34 tuổi, quê Nam Định) nét mặt vẫn chưa hết lo lắng, ông Duy cho biết: “Nghe tin Văn gặp nạn nhưng gia đình ngoài quê xa nên ngày mai mới vào tới. Riêng tôi, sống ở Khánh Hòa nên khi nghe tin báo cháu gặp nạn sập hầm ở thủy điện thì lên liền. Giờ cháu thoát nạn mừng lắm".

Nằm trên giường bệnh, anh Văn tinh thần đã tốt hơn nhiều so với thời điểm ban đầu được đưa ra khỏi hầm. Anh nói: “Tôi cứ tưởng bỏ mạng nơi đó rồi nhưng có một phép màu đã xảy ra tôi và mọi người đã được cứu sống. Đến khi được đưa tới bệnh viện tôi mới dám tin là mình còn sống”.

4 ngày sống trong cái lạnh thấu xương - 4 

 Anh Hoàng Anh Văn, 1 trong số 12 nạn nhân sập hầm được cứu sống đang được các bác sĩ theo dõi.

“Những ngày sống trong hầm thủy điện là những ngày cả đời tôi và mọi người không bao giờ quên vì cái lạnh thấu xương và nỗi lo sợ bao trùm. Ai nấy đều lạnh co ro, run cầm cập. Tuy nhiên, sau khi được truyền sữa và dưỡng chất từ ống của lực lượng cứu hộ chúng tôi thống nhất mọi người hãy lạc quan và tin tưởng mình sẽ được cứu sống. Không được bỏ cuộc vì phía bên ngoài đang có cha, mẹ, anh, em và con của mình ngóng trông và đó cũng là động lực của chúng tôi. Để chống chọi với cái lạnh trong hầm, mọi người nói chuyện tiếu lâm và ca hát cho vui chờ lực lượng cứu hộ giải cứu và một phép màu đã xảy ra chúng tôi đã được cứu sống”, nạn nhân Huỳnh Anh Tuấn nói.

Túc trực bên giường bệnh của anh Tuấn, ông Nguyễn Văn Ty bác của anh Tuấn vui mừng nói: “Lúc thấy cháu được lực lượng đưa ra ngoài, tôi đã khóc. Khóc vì hạnh phúc vì cháu mình đã được cứu sống. Giờ tôi chỉ mong nó mau bình phục để đưa về quê. Ba mẹ cháu ở quê đang mong con từng ngày. Gia đình tôi và tất cả những gia đình có nạn nhân bị mắt kẹt trong hầm cảm ơn rất nhiều lực lượng cứu hộ đã không quản ngại ngày đêm để cứu người”.

Các nạn nhân kẹt gần 4 ngày trong hầm đã hồi phục

Chiều ngày 19/12, toàn bộ công nhân bị mắt kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng đã được đưa ra ngoài và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng điều trị sau hơn 80 giờ sống trong giá lạnh, bóng tối và sợ hãi. Hiện sức khỏe của các nạn nhân đã ổn định nhưng đang được các bác sĩ theo dõi sát sao. Riêng trường hợp của anh Nguyễn Văn Quang bị chấn thương đầu đã được chụp CT nhưng may mắn anh chỉ bị thương ngoài da.

Bác sĩ Vũ Thị Hồng Lê – Trưởng khoa nội B, Bệnh viện Lâm Đồng cho biết: “Lúc nhập viện 12 bệnh nhân đều ở trạng thái hoảng loạn do bị kẹt trong hầm thủy  điện gần 4 ngày vừa đói, lạnh và sợ. Tuy nhiên, sau khi điều trị các nạn nhân đều đã trở lại bình thường. Có trường hợp bệnh nhân Đặng Thị Hồng Ngọc tinh thần vẫn chưa ổn định nên được theo dõi kỹ hơn”.

Theo Dương Thanh – Duy Hậu (Dân Việt)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot