40 năm mòn mỏi chờ một đám cưới

Ngày 30/04/2014 12:35 PM (GMT+7)

“Hết chiến tranh, anh sẽ về để cùng em tổ chức đám cưới nhé” - lời nói của người yêu với cô thanh niên xung phong (TNXP) Phùng Thị Huệ mãi mãi không bao giờ thành hiện thực.

Nhưng 40 năm qua, bà vẫn ở vậy, chờ người chồng chưa kịp tổ chức đám cưới như một lời nguyện ước trăm năm...

Lời hẹn ước và mãi mãi không về

40 năm mòn mỏi chờ một đám cưới - 1

Bốn mươi năm qua bà Phùng Thị Huệ vẫn đợi người yêu trở về. Ảnh: P.B

Những ngày cuối tháng 3, trời mưa như trút nước. Dòng sông Lam nước cuộn đục ngầu. Trong căn nhà vắng lặng bên ven bờ sông, bà Phùng Thị Huệ (SN 1950, trú xóm Hội Tiến, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) nâng tấm ảnh của liệt sĩ Đặng Xuân Thọ - người chồng chưa một lần tổ chức đám cưới với mình, bất giác hai dòng nước mắt của bà Huệ cứ tuôn rơi.

Cẩn thận lau những vết bụi mờ trên di ảnh của liệt sĩ Đặng Xuân Thọ, bao nhiêu kỷ niệm thời đôi mươi như ùa về với người đàn bà đã ngót nghét tuổi 65. “Cách đây hơn 2 tháng là 41 năm ngày giỗ của anh Thọ. 41 năm đó tôi vẫn ở vậy thờ anh, coi như người vợ thờ chồng. Nhiều người nghĩ hạnh phúc phải có nhà cao, cửa rộng, vợ đẹp, con khôn. Tôi cũng mong như thế lắm, nhưng mỗi người có một tình yêu, quan niệm hạnh phúc khác nhau. Với tôi, hạnh phúc có khi chỉ đơn giản là được yêu và giữ trọn nó trong tim mình”, bà Huệ trải lòng.

Khi mới 18 tuổi, người con gái miền gió Lào nắng cháy này tình nguyện gia nhập Đoàn Thanh niên xung phong 557, C18N5, vượt suối trèo đèo theo dãy Trường Sơn vào phía Nam Bình Trị Thiên chiến đấu. Suốt 4 năm ở chiến trường ác liệt, cô TNXP Phùng Thị Huệ nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình, tình cảm chân thành của Đặng Xuân Thọ - một đồng đội, đồng hương ở cùng đơn vị.

40 năm mòn mỏi chờ một đám cưới - 2

Di ảnh liệt sĩ Đặng Xuân Thọ.

Thời gian trôi đi, hai trái tim cùng hòa nhịp yêu thương lúc nào không hay. Họ đã trao nhau lời thề sắt son, cùng hẹn ước khi về quê sẽ tổ chức đám cưới, cùng xây dựng hạnh phúc gia đình. “Những ngày ở TNXP, sau giờ lao động, tôi và anh cùng các đồng đội vẫn thường đàn hát cho nhau nghe để quên đi mệt mỏi, quên đi sự ác liệt của chiến tranh. Chuyện tình của chúng tôi bạn bè đều biết và được ủng hộ, vun vén. Nhưng vì gia đình hai bên chưa biết nên chúng tôi bảo nhau, gắng giữ vài năm nữa, khi về quê hãy tính chuyện lâu dài”, bà Huệ nhớ lại.

Cuối năm 1970, khi hoàn thành xong nhiệm vụ được giao, đội TNXP huyện Nghi Xuân trở về địa phương. Nhưng niềm vui về một đám cưới như hẹn ước chưa kịp thực hiện thì bà Huệ nhận được tin cha mẹ ở nhà đã “nhắm” cho một người chồng. Bà Huệ chỉ biết khóc, nói với cha mẹ đã có người yêu. Giận con, không muốn nhìn mặt con, nhưng biết tính con đã quyết, cha mẹ chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm chiều con gái.

Rồi thời gian ở quê cũng chẳng được bao lâu, anh Thọ phải vào chiến trường miền Nam ác liệt. “Đó là năm 1971. Ngày tiễn đi, anh bảo nếu 5 năm nữa anh không về, em hãy lấy chồng, sinh con đẻ cái. Còn nếu chiến tranh kết thúc, anh còn sống, anh hứa sẽ về nhanh để tổ chức đám cưới. Vừa khóc, tôi vừa động viên anh hoàn thành nhiệm vụ được giao, rồi tôi bảo dù có điều gì xảy ra, anh vẫn là chồng em, cha của những đứa con. Dù chiến tranh có 5 năm, hay 10, 20 năm em vẫn chờ anh về”.

Chiến tranh loạn lạc nhưng những cánh thư giữa một tiền tuyến, một hậu phương vẫn ngọt ngào những lời yêu thương chân thành và lời hứa sẽ về để làm đám cưới. Hơn hai năm trời, 21 lá thư chứa đầy tình yêu thương bây giờ vẫn được bà Huệ cẩn thận để trên bàn thờ cùng tấm di ảnh của ông Thọ. “Anh ấy viết thư hay lắm. Lá nào cũng đều ép hoa hồng và lời nhắn đợi anh về em nhé. Nói như thế thì ai mà quên được”, bà Huệ cười hiền hậu.

Sẽ mãi đợi anh về...

40 năm mòn mỏi chờ một đám cưới - 3

Căn nhà bên ven bờ sông Lam của bà Huệ. Ảnh : P.B

Một chiều đầu năm 1973, trong khi bà Huệ đang đi bộ từ TP Vinh về ngang chợ Giang Đình (Nghi Xuân), thì một người quen chạy ra thông báo có giấy báo tử gửi về. Hai giấy báo tử, hai nỗi đau làm nát lòng bà vì cả em trai Phùng Thanh Bình, cả người yêu Đặng Xuân Thọ đã mãi mãi ra đi và nằm lại ở chiến trường miền Nam.

Cầm tờ giấy báo tử, bà đã khóc ngất đi. Thương con gái, gia đình chỉ biết động viên: Thôi thì chiến tranh, mất mát là điều đều có thể xảy ra. Thời gian dần nguôi ngoai, bố bà Huệ đã động viên bà tìm một người khác. Nhưng bà như vô cảm mỗi khi nghe tiếng bố mẹ giục lấy chồng. Thậm chí, nhiều khi bà phải lấy cái chết ra để ngăn cản ý tưởng đó của gia đình. Với bà, Đặng Xuân Thọ là mối tình đầu tiên và cũng là sau cuối. Bà quyết định sống đời lẻ bóng để giữ trọn tình yêu khi nét đẹp, sự chín chắn của người phụ nữ đang tuổi thanh xuân. Một căn nhà xập xệ được dựng ven bờ sông Lam, là nơi mà bà xác định sẽ thờ tự cho người “chồng” đã khuất suốt cuộc đời mình.

Người yêu hy sinh nhưng bà xem đó là chồng mình, có điều bà còn trăn trở, hài cốt của “chồng” đang ở chốn nào khi mà manh mối trên tờ giấy báo tử chỉ ghi ngắn gọn: “Báo ân liệt sĩ Đặng Xuân Thọ, hy sinh ngày 26/1/1973 tại mặt trận phía Nam, thi hài mai táng gần khu vực riêng của đơn vị gần mặt trận”?

Không thôi khắc khoải, năm 1976, khi 26 tuổi bà quyết định đi tìm mộ ông - Liệt sĩ Đặng Xuân Thọ. Trong gần 40 năm, bước chân bà mải miết khắp các nghĩa trang từ Khe Sanh, Việt Lào, đến Đường 9, men theo dãy Trường Sơn bạt ngàn… Đi dăm ba tháng, hết tiền, lại trở về quê chạy chợ, buôn cá. Tích cóp được chút ít, bà lại tiếp tục lên đường. “Mấy chục năm, tôi đã đi bộ cả vạn cây số khắp mọi miền. Thân gái dặm trường, nhiều lúc một mình nơi rừng vắng, trời tối không ra được, phải mắc võng nghỉ lại, thấy cũng sợ. Nhưng nghĩ đến anh đang nằm cô quạnh nơi nào đó rừng hoang, nước độc tôi lại như thêm động lực”, bà nhớ lại.

Bà Huệ bảo, cứ đến dịp ngày giỗ, ngày tết, ngày Thương binh - Liệt sĩ, sau phần hương khói ở nhà, bà lại đạp xe lên nhà người yêu để thắp hương cho anh. Mỗi năm, cứ đến ngày 30/4, ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày thống nhất đất nước, bà lại dọn dẹp bàn thờ thật sạch để đốt cho anh nén nhang, như muốn nói với người chồng chưa kịp cưới rằng, đó là ngày Giải phóng miền Nam, ngày thống nhất đất nước: Nếu anh không vì Tổ quốc mà ngã xuống thì ước nguyện của chúng mình đã thành sự thực.

“Mặc dù chưa một ngày làm dâu chính thức nhưng gia đình anh Thọ xem tôi như con cái trong gia đình. Mỗi dịp giỗ, tết, tôi đều được mọi người giao quyền quyết định mâm, lễ. Đó cũng là điều mà mình thấy trân trọng lắm”, bà Huệ tâm sự.

Ánh mắt nhìn xa xăm ra dòng sông Lam cuồn cuộn bà bảo, có nhiều đêm mưa bão, trong căn nhà bên ven bờ sông, nghe tiếng sóng vỡ bờ lại nhớ người yêu da diết. “Những lúc như vậy, tôi lại giở sổ ra ghi lại đôi ba dòng cảm xúc. Có những đêm khóc thầm, tôi dậy thắp hương, cầu mong vong hồn anh linh thiêng thì báo mộng để tôi biết đường tìm hài cốt về nhà”, bà Huệ lần giở cho tôi xem cuốn nhật ký của mình và tâm sự.

Cuộc sống thường ngày của bà là chạy chợ kiếm tiền. Sáng dậy từ sớm và lúc về đã khuya. Tất bật với công việc để quên đi những hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời, bà cứ ở vậy thờ người “chồng” chưa một lần được tổ chức đám cưới và dành thời gian còn lại để đi “tìm” mộ ông. Rồi, niềm vui như vỡ òa. Ngày 22/8/2010, sau nhiều tháng năm ròng rã, bà tìm được mộ người yêu tại địa bàn xã Hậu Mỹ (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Ngày đưa người chồng chưa cưới về, bà khóc như ngày nhận được giấy báo tử. “Ngày anh về, không bằng da, bằng thịt, không phải về để thực hiện lời hứa “sẽ cưới em” mà anh về bằng nắm tro lạnh”, bà xúc động.

Nhưng với bà, như vậy là cũng đã mãn nguyện. Bà có thể nở nụ cười hạnh phúc và yên tâm để có những giấc ngủ ngon. Vậy là sau bao năm xa cách, liệt sĩ Đặng Xuân Thọ đã về được với quê hương, được gần gia đình, gần người vợ đã từng hẹn ước. Giờ đây, mỗi khi nhớ người yêu, bà lại có thể ra mộ tâm sự, thắp cho anh nén nhang, như để anh biết: Em vẫn chờ một đám cưới...

Theo Phùng Bình
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan