8 người chết sau ăn cỗ đám ma: Vì sao phụ nữ, trẻ em không uống rượu vẫn ngộ độc?

Ngày 17/02/2017 14:37 PM (GMT+7)

Trong các trường hợp ngộ độc, có nhiều phụ nữ và 1 trẻ em không uống rượu. Vì thế, để biết chính xác nguyên nhân cần phải chờ kết quả xét nghiệm các mẫu thực phẩm, vật phẩm còn lại.

Ông Đồng Xuân Linh, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Phong Thổ cho biết, tính tới thời điểm này các nạn tử vong và nhập viện đều bị ngộ độc, tuy nhiên, nguyên nhân thì không phải tất cả do ngộ độc methanol.

Ông Linh lý giải, trong số những bệnh nhân đang được điều trị tại trung tâm, hầu hết nam giới đều uống rượu, nhưng có 6 phụ nữ và 1 trẻ em không uống rượu nhưng vẫn bị ngộ độc.

Các nữ bệnh nhân Giàng Tả Mẩy (53 tuổi); Tô Si Son (25 tuổi); Phu A Gồ (27 tuổi); Nù Tả Mẩy (58 tuổi); bệnh nhi Hờ Ơ Seo (7 tuổi) cũng khẳng định chưa từng uống rượu.

8 người chết sau ăn cỗ đám ma: Vì sao phụ nữ, trẻ em không uống rượu vẫn ngộ độc? - 1

Nạn nhân vụ ngộ độc đang được điều trị tại BV Lai Châu.

Riêng về công tác xét nghiệm, điều tra nguyên nhân, tính đến thời điểm này mới có kết quả kiểm nghiệm các mẫu rượu từ viện Kiểm nghiệm Quốc gia và Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai.

Theo kết quả xét nghiệm từ Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, có 8 mẫu có nồng độ methanol trong máu cao hơn cho phép. Thậm chí có trường hợp có nồng độ methanol lên tới 326 mg/dL. Chỉ có 1 trường hợp là nữ được xét nghiệm âm tính với methanol và 1 ca có mức nồng độ thấp hơn 20mg/dL.

Còn Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã lấy mẫu rượu tại địa điểm trên để kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, hàm lượng methanol là 970 mg/l cồn 1000, 556.000 mg/l cồn 1000 và 475.000 mg/l cồn 1000. Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm Đồ uống có cồn (QCVN 6-3:2010/BYT) và Tiêu chuẩn quốc gia về Rượu trắng (TCVN 7043:2013) hàm lượng methanol trong rượu không lớn hơn 100 mg/l cồn 1000. Như vậy, kết quả kiểm nghiệm hàm lượng methanol vượt ngưỡng nhiều lần.

Cũng liên quan đến vấn đề cấp cứu và điều trị cho các nạn nhân, một cán bộ trong đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai được điều động lên hỗ trợ Bệnh viện tỉnh Lai Châu cho biết, những bệnh nhân nặng đã qua cơn nguy kịch. Những bệnh nhân nhẹ vẫn tiếp tục được theo dõi đề phòng xuất hiện những biến chứng và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Trước đó, ngày 10/2, tại gia đình ông Phù Văn Lèng (SN 1957, ở bản Tả Chải) đã mời nhiều người đến nhà ăn uống. Tối cùng ngày, ông Lèng có triệu chứng đau đầu, buồn nôn và tử vong. Sau khi ông Lèng qua đời, gia đình đã tổ chức hậu sự, dân bản đã đến ăn cơm, uống rượu theo phong tục của địa phương vào các ngày 11, 12, 13/2.

Ngay trong ngày 13/2 (sau khi ăn uống xong), nhiều người có dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, giãn đồng tử. Đến tối 13/2, 6 người dân trong bản đã tử vong, ngoài ra còn có 15 người khác được đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ngộ độc thực phẩm