Bài thuốc chữa vô sinh của người phụ nữ Vân Kiều

Ngày 06/04/2013 11:05 AM (GMT+7)

Bản thân bị hiếm muộn, không có con, nên chính bà là người khao khát hơn ai hết ước mơ làm mẹ.

Bà đã lặn lội khắp nơi chữa trị nhưng bất thành. Một lần tình cờ sang nước bạn Lào, bà được thầy lang đưa cho một cây thuốc lạ.

Tuy sau đó không đạt được mong muốn của bản thân, nhưng bà đã vô tình trở thành ân nhân của nhiều người phụ nữ mắc bệnh vô sinh như bà. Người phụ nữ có bài thuốc đặc biệt đó là Hồ Thị Tèn (SN 1950, tên thường gọi là Pỉ Dung), ngụ thôn Xi La, xã Xy, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị).
 
“Cơ duyên” với cây thuốc quý
 

Từ thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đi ngược theo hướng Tây vượt qua 150 cây số đường đồi núi, chúng tôi tìm gặp người phụ nữ Vân Kiều có biệt tài trong việc chữa dứt bệnh vô sinh ở phụ nữ. Trong căn nhà sàn đặc trưng của đồng bào nơi đây, một bà lão đang ngồi bên đống lửa, miệng ngậm điếu thuốc, thỉnh thoảng lại nhả những làn khói đen kịt. Thấy người lạ đến, bà nở nụ cười để lộ hàm răng đen, rồi ra hiệu mời khách vào nhà.
Vừa bắt đầu buổi nói chuyện, Pỉ Dung ra hiệu vui mừng, rồi nói: “Hôm nay, các cô tìm gặp tôi là may đó, vì trong nhà đang có thuốc chứ mấy ngày trước khách đến chữa bệnh đông quá, thuốc hái không kịp”. Khi thấy chúng tôi tỏ vẻ tò mò về “cây thuốc thần”, bà liền đi đến góc nhà rồi trở ra với hai củ lạ trên tay. Về hình dáng, thoạt nhìn nó giống củ gừng, có màu hơi vàng. Mân mê củ thuốc một lát, bà đưa lên miệng cắn ngang củ đó rồi nhai ngấu ngiến. “Ăn củ ni không chết mô mà sợ, cái bụng miềng tốt tính lắm chứ không muốn hại ai đâu. Miềng làm việc này chỉ muốn giúp những gia đình bất hạnh chưa có con cái thôi”, Pỉ Dung nói đại ý như vậy.

Bài thuốc chữa vô sinh của người phụ nữ Vân Kiều - 1

Pỉ Dung và bài thuốc lạ chữa vô sinh của mình.

Về nguồn gốc của cây thuốc thần kỳ, Pỉ Dung cho biết, cách đây hơn 20 năm, bà theo chồng về gầy dựng tổ ấm nhỏ. Nhưng nhiều năm sau đó, hơi ấm vẫn không lan tỏa được trong căn nhà của hai vợ chồng vì còn thiếu tiếng cười con trẻ. Nỗi thèm khát làm mẹ canh cánh từng ngày trong tâm trí người phụ nữ đang căng tràn sức sống. Không chịu đầu hàng số phận, ngày ngày, Pỉ Dung không quản đường xa khó khăn, lặn lội tìm gặp tất cả các thầy thuốc trong vùng nhờ chữa bệnh. “Hễ nghe ai mách nước ở đâu có thầy chữa bệnh giỏi là tôi liền tìm tới, nhưng đi khắp nơi vẫn không chữa được”, bà nhớ lại.

Trong một lần qua biên giới nước Lào, bà đã được vị thầy thuốc ở đây xem bệnh. Sau khi khám, vị thầy thuốc đưa cho bà một loại củ, dặn rằng về sắc uống sẽ chữa được bệnh. Lòng khấp khởi trở về quê nhà, bà sắt mỏng củ thuốc ra nấu uống nước hằng ngày. Thế nhưng, thêm một lần nữa, Pỉ Dung lại ngậm ngùi thất vọng, khi thuốc đã gần hết mà bụng vẫn chưa có chuyển động gì. Đúng lúc đó, trong nhà lại có đứa con dâu (Chồng Pỉ Dung có hai vợ, con dâu này lấy con trai của “bà bé” - PV) cưới về đã lâu mà vẫn chưa có con. Cô gái này có triệu chứng đau buồng trứng, không thể có con, nên bà đưa thuốc sang cho con uống thử. Nào ngờ chỉ 2 tháng sau, cô này đã vỡ òa cảm xúc khi được…biết mình sắp có con. Hiện, người đó đã 3 lần làm mẹ, việc sinh nở đều bình thường, sức khoẻ tốt đến mức “nó sinh xong mươi ngày đã lên rẫy trỉa lúa ào ào như trâu”, Pỉ Dung cười phá lên.

Buồn cho mình nhưng cũng mừng cho các con, bà tự động viên đó là cái số bắt mình phải thế. Nhặt nhạnh lại những nhành củ còn sót, bà âm thầm đi vào rừng sâu để trồng trên núi cao, phòng khi có người cần đến. Pỉ Dung cho biết, loại thuốc này được bà trồng ở trên rẫy. Người dân bản địa đặt cho nó là cây me. Loại cây này có giống đực và giống cái, nhìn qua giống củ gừng và củ nghệ ta vẫn hay dùng, cây đực có màu trắng, cây cái có màu vàng. Khi tạo ra loại thuốc phải trộn hai loại này với nhau (cả lá lẫn rể và củ).

Về phương thức sử dụng cây me để chữa bệnh, Pỉ Dung cho hay: Củ cây thuốc đó được rửa sạch, xắt lát, trong một ấm thuốc thì phải có cả củ đực và củ cái, sau đó chúng được trộn đều, đun lên lấy nước cho phụ nữ mắc bệnh uống hàng ngày như uống nước bình thường, khi nào nước nhạt thì thay xác cây mới. Có thể sử dụng cây me ở hai dạng tươi hoặc khô, tác dụng không thay đổi. Liều lượng mỗi lần dùng theo lời Pỉ Dung hướng dẫn là 3 chụm tay thuốc (người dân tộc thiểu số dùng tay ước lượng thuốc chứ không cân đong đo đếm cụ thể - pv) cho một ấm nước lớn. Kiên trì uống nước thuốc trong khoảng hai tháng, người phụ nữ hiếm muộn sẽ khỏi bệnh và có khả năng thụ thai như người bình thường.

Cứu tinh của những gia đình hiếm muộn


Chỉ với cây thuốc lạ, cách dùng đơn giản, thế nhưng Pỉ Dung đã giúp không biết bao người phụ nữ được thực hiện thiên chức làm mẹ. Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn xã Xy và các bản khác đều xem bà là vị cứu tinh của họ. “Phụ nữ không có con thường có triệu chứng quặn đau bụng từng cơn; có số ít trường hợp thi thoảng xuất hiện tình trạng ra khí hư ở vùng kín. Nếu không chữa trị kịp thời, người phụ nữ sẽ hiếm có cơ hội sinh nở”, Pỉ Dung nói. Do vậy, bà thường chữa dứt những bệnh liên quan đến phụ nữ như đau bụng kinh nguyệt, dạ con bị loét…

Người phụ nữ này cũng thật thà cho biết: Đối với các bệnh liên quan đến phụ nữ, nếu biết chữa trị kịp thời thì bệnh tình sẽ khỏi nhanh chóng, còn nếu bệnh lâu năm thì bà không dám chắc. Đối với những người đến đây xin thuốc, sau khi bốc đủ thang thuốc cho người bệnh xong, bà liền làm một lễ cúng để cảm ơn trời đã ban cho thuốc quý rồi mới đưa cho người bệnh. Trước khi ra về, bà căn dặn kỹ lưỡng những điều cần kiêng kỵ trong thời gian uống thuốc. “Người bệnh phải kiêng hành, tỏi, thịt bò… và thịt của những gia súc có lông màu trắng. Cũng trong thời gian này, người bệnh không được uống thuốc Tây”, bà căn dặn.

Khi đã giúp nhiều cặp vợ chồng trong bản làng và những vùng lân cận có con như mong muốn, bà mới áp dụng cách này cho những người dưới xuôi lên. “Lúc đầu, tôi chỉ chữa cho những người trong cái bản này. Mấy tháng trở lại đây, tôi mới bắt đầu chữa bệnh cho một số người từ rất xa tìm đến. Vì phải chắc chắn chữa được cho người đồng bào mình thì khi đó mới dám chữa cho người miền xuôi”, bà thật thà chia sẻ.

Mặc dù nắm giữ bài thuốc chữa bệnh vô sinh ở phụ nữ “quý ngàn vàng”, nhưng bà Pỉ Dung không bao giờ lấy đó làm cơ hội kiếm tiền, trục lợi. “Tiền thuốc, tôi tính vào tiền mình dày công chăm sóc, rồi lặn lội đi hái thuốc, chứ mình cũng không dám lấy nhiều”, bà khua chân múa tay để diễn đạt cho chúng tôi hiểu. Ngoài ra, bà cũng có một quy định riêng đối với những người đến lấy thuốc, đó là sau khi sinh con xong, người đó phải trở lại đây để làm lễ tạ ơn tổ tiên, đồng thời cầu cho đứa con đó luôn được bình an, mạnh khỏe. “Đó là đạo lý chung của con người mà, uống nước phải nhớ tổ tiên chứ”, bà vui vẻ nói.

Suốt mười năm trở lại đây, bà đã trở thành ân nhân của nhiều gia đình hiếm muộn con do bẩm sinh hay hậu quả của việc tránh thai. Trường hợp vợ chồng Hồ Văn Bình (30 tuổi) và Hồ Thị Păng (25 tuổi) ở thôn PgiăngXy, xã Xy là một minh chứng điển hình. Sau khi sinh đứa con đầu được 5 năm, vợ chồng anh quyết định dùng thuốc tránh thai để kế hoạch hóa gia đình. Việc dùng thuốc không đúng cách đã làm cho người phụ nữ này khó “đậu” thai lại. Vợ chồng đưa nhau đi chữa trị khắp nơi, thế rồi được bà con giới thiệu, họ tìm đến Pỉ Dung. Giờ thì gia đình anh Bình đang hạnh phúc với tiếng cười của cậu nhóc thứ 2 trong nhà, sau 3 tháng uống thuốc của bà lão đặc biệt này. Hay gần đây nhất là trường hợp chị Hoa ở xã Hướng Hiệp (huyện Đakrông), sau khi uống thuốc của bà cũng đã mang thai tháng thứ 7.

Rất cần được các cơ quan chức năng xem xét

Theo tìm hiểu của phóng viên, phần lớn những người đến chữa bệnh ở nhà bà Pỉ Dung đều thông qua sự giới thiệu của bạn bè, người thân. Còn đến nay vẫn chưa có cơ quan chức năng nào về địa phương để tìm hiểu, nghiên cứu loại cây này. Trước thực tế có rất nhiều phụ nữ vô sinh được bà chữa khỏi tại các huyện Đăkrông và Hướng Hóa, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, chuyên môn sớm vào cuộc để tìm hiểu chứng nhận cho bài thuốc này. Nếu loài cây này có công dụng thực sự như bà Pỉ Dung và người dân ở xã Xy (Hướng Hóa, Quảng Trị) cho biết thì chúng ta sẽ có thêm một loại dược liệu quý và nó cần được nhân rộng, phát triển.
Theo Kim Long (Gia đình và Xã hội)
Nguồn:

Tin liên quan