"Bản góa chồng" và những mảnh đời đau thương

Ngày 01/06/2013 16:21 PM (GMT+7)

Ngày trước, bước chân lữ khách hâm mộ tìm đến bản Trạm vì cảnh non nước hữu tình, vậy mà giờ đây nơi này mang biệt danh “bản góa phụ” sau “cơn bão vàng”.

Cuộc sống của những người dân bản Trạm (xã Xa Lý, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) bên dòng suối Luồng không còn mang dáng vẻ thanh bình mà phủ một mầu u ám. Ngày trước, bước chân lữ khách hâm mộ tìm đến bản Trạm vì cảnh non nước hữu tình, vậy mà giờ đây nơi này mang biệt danh “bản góa phụ” sau “cơn bão vàng”.  

Những đám tang liên tiếp

Cách trung tâm huyện Lục ngạn gần 60 km, phải chật vật chúng tôi mới vượt qua được đoạn đường vút lên lượn xuống đầy ở voi, ổ gà để mục sở thị “bản góa phụ” – bản Trạm (xã Xa Lý).

Trên đỉnh con dốc, cửa ngõ vào bản Trạm là quán tạp hóa lụp xụp, chỉ lèo tèo vài món hàng khô là của bà Vũ Thị Hương. Bước sang cái tuổi 68, bà đã mắt mờ tóc bạc, bước chân đi không vững nhưng vẫn phải “sắm vai” lao động chính trong gia đình. Sự khốn khổ ấy, bà Hương bảo cũng bắt đầu từ hai lần đứt từng khúc ruột khóc thương con.

Tai họa ập đến nhà bà bắt đầu vào một ngày giữa tháng 9/2000. Nguyễn Văn Ban, đứa con trai thứ của bà ăn uống kêu đau họng, ăn vào rồi nôn ra, mũi hay chảy máu cam. Gia đình bà tưởng đau họng thông thường nên đến thầy lang trong bản lấy thuốc về sắc cho con uống. Nhưng bệnh tình mãi không thuyên giảm, khi con bà đau quá, tối ngủ máu chảy ướt cả gối, bà Hương bán vội 4 con trâu để cho Ban đi xuống bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang khám, thì được giới thiệu lên bệnh viện K. Tháng 11 năm ấy thì Ban chết vì ung thư vòm họng. Gia đình bà chưa kịp nguôi nỗi đau, thì 6 tháng sau, người con trai cả của bà là Nguyễn Văn Giao cũng theo em trai về với tiên tổ vì ung thư đại tràng. Hai cái tang liên tiếp khiến ai cũng ngậm ngùi, đau đớn thay cho gia đình bà Hương. Nhắc lại, bà xót xa khóc nấc: “Thằng Ban lấy vợ được gần 6 năm mới có con, nó bị ung thư chết khi con nó còn chưa biết gọi tên bố”.

Cùng cảnh góa phụ như gia đình bà Hương ở bản Trạm này không hiếm. Hàng xóm của bà Hương là gia đình chị Vi Thị Bả (SN 1973) cũng phải cảnh “nhà mất nóc” . Chồng chị là Lý Văn Nam (SN 1977) cũng bỏ chị và hai đứa con thơ dại mà về với đất vì ung thư gan.  Nhớ lại ngày bất hạnh, những giọt nước lại lăn trên khóe mắt hằn vết chân chim. Anh Nam, chồng chị mồ côi cha mẹ từ nhỏ, anh lớn lên nhờ sự đùm bọc của những người dân bản tốt bụng. Biết gia cảnh anh khó khăn, và ít hơn mình mấy tuổi, nhưng chị vẫn đồng ý theo anh về làm vợ.

quot;Bản góa chồngquot; và những mảnh đời đau thương - 1
Chị Vi Bả mong cho cuộc sống các con mình sẽ khác. Ảnh: L.Nguyễn

Hai vợ chồng lặn lội rừng xanh núi đỏ, lấy măng đào sồi, đốt than cũng không đủ sống. Khi đó, cánh khai thác vàng trái phép từ Lạng Sơn, Thái nguyên, Lào cai kéo nhau bản Trạm tuyển công nhân để cày sới suối Thảo, suối Luồng tìm vàng. Anh Nam liền nhập vào đội quân làm thuê cho các bưởng vàng. “Làm gần 6 năm, chồng tôi ốm nặng nên bị chủ đuổi việc. Đi bệnh viện mới biết anh bị ung thư gan. Tháng 10/2011, anh mất”, chị Bả rơi nước mắt tua chậm những thước phim đời mình.

Nhưng bi kịch nhất ở bản Trạm, có lẽ là gia cảnh “ba chị góa”, cái tên mà những người dân thường gọi ba chị em bà Hoàng Thị Loan, Hoàng Thị Mai, Hoàng Thị Thọn nhà ở góc cuối bản Trạm. Chồng các bà là Hoàng Văn Định, Hoàng Văn Hội, Hoàng Văn Nghị  lần lượt ra đi vì bệnh gan, xuất huyết dạ dày và tràn dịch màng phổi.

Bây giờ dọc con đường bản Trạm hoang vắng không hiếm những cái tên, nghe đến chua chát não lòng. Đàn ông chết trẻ nhiều đến mức người dân phải thốt lên: “Bản góa chồng”. Theo số liệu mà PV thu thập được từ trưởng bản Hoàng Văn Mừng, thì ở “bản góa chồng” chỉ có hơn 100 hộ dân thì đã có đến xấp xỉ 30 gia đình có đàn ông chết trẻ.

Người ta bảo, bản Trạm là bản đàn ông phải đi trước đàn bà. Ngoài các bệnh chính là bệnh gan, dạ dày, ung thư, đàn ông trong bản còn chết vì đủ kiểu. Trường hợp của bà Lý Thị Cấy (SN 1970), có chồng là Hoàng Văn Thu đi đào vàng thuê ở suối Luồng, trên đường đâm xuống hố mà chết năm 2011. Còn chị Hoàng Thị Bít (37 tuổi) và bà Trần Thị Nhót (SN 1968) chồng cũng đi làm thuê cho các bưởng vàng bị ốm, do không được đưa đi khám chữa bệnh nên mất mà không biết nguyên nhân. Đến đâu, bản Trạm cũng thấy cảnh gia đình thiếu đi một trụ cột để nương tựa. Nhìn vào những mái nhà tranh hoang vắng và yếu ớt thiếu sự tu bổ, sửa sang bàn tay của một người đàn ông.

Anh Hoàng Văn Mừng, trưởng bản Trạm cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, bản trạm có gần 30 người phụ nữ trở thành góa phụ”.  

Đau thương vì “cơn khát” vàng

Bản Trạm hiện có 110 hộ với hơn 400 nhân khẩu. Cả bản có tới 53 hộ nghèo. Bà Hoàng Thị Hoa (70 tuổi), người đã chứng kiến bao cái chết thương tâm của con cháu trong bản xót xa bảo: “Ngày trước đâu có thế. 15 năm nay mới vậy. Dân bản nghèo, bữa ngô bữa cháo nhưng hạnh phúc chứ không tiêu điều hoang vắng thê lương như bây giờ. Suối Luồng nhiều vàng, bọn vàng tặc về đào bới. Vàng chúng lấy đi, còn bao nhiêu hậu quả dân bản này gánh hết”.

Thực tế, những năm ấy trình độ dân trí bản Trạm rất thấp, điều kiện kinh tế khó khăn. “Ngửi” thấy suối Luồng, suối Thảo có nhiều vàng, cánh vàng tặc khắp nơi đổ về tranh nhau khai thác. Tình trạng khai thác vàng  trái phép ở xã Xa Lý chia làm hai thời kỳ, bắt đầu từ năm 1984 đến năm 1992 và từ năm 2004 đến năm 2012 mới chấm dứt hẳn.

Các bưởng vàng thuê nhân công với giá cao nên gần như tất cả đàn ông, thanh niên trong bản Trạm đều bỏ rừng, bỏ rẫy đi xuống suối Luồng khoét suối, đào hầm tìm vàng cho chúng. Suối Luồng trong xanh là thế bỗng phút chốc đục ngầu, đỏ quạnh. Anh Mừng, trưởng bản Trạm nhớ lại: “Cả một con suối dài như một công trường xây dựng. Dòng suối bao mà đời dân bản dùng để sinh hoạt giờ ô nhiễm đến cá cũng không sống được. Hồi đó, đàn ông, thanh niên đi làm thì ăn ngủ luôn ngoài suối với chủ thỉnh thoảng mới về nhà một lần. Cánh chủ khai thác vàng còn dùng thủy ngân để lọc vàng. Mọi người không hiểu hết tác hại của nó nên vẫn vô tư sinh hoạt trên nguồn nước ô nhiễm”.  

Nỗi cay cực khi nghĩ đến tương lai

Ước mơ đổi đời từ vàng đâu chẳng thấy chỉ thấy tang thương đổ ập bản Trạm. Những người chồng chết đi, để lại những người phụ nữ với nỗi đau không có gì khỏa lấp với biết bao nhiêu cơ cực, khó khăn. Những nỗi đau xé lòng mà theo người dân bản thủ phạm chính là nạn khai thác vàng trái phép dẫn đến ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Anh Mừng thở dài: “Dân bản hiền lắm, họ chẳng than trách ai, cũng chỉ vì đói nghèo và không có trình độ nên mới vậy”.

quot;Bản góa chồngquot; và những mảnh đời đau thương - 2
Suối Luồng đang đợi các ngành chức năng Ảnh: L. Nguyễn

Có lẽ cũng bởi mang suy nghĩ vị tha ấy, nên giờ mang trong mình bệnh men gan cao, nay ốm mai đau nhưng vì hai đứa con bé bỏng chị Vi Thị Bả vẫn gắng gượng để bù đắp tình thương thiếu vắng cha cho con nhỏ. Chồng chị Bả chết, để lại cho ba mẹ con chị căn lều tềnh toàng và một đống nợ. Ngày nào người dân bản cũng thấy chị vượt rừng hơn 3km đưa đón con đi học mỗi ngày. Chị tâm sự với những giọt nước mắt: “Người mất, nhà chẳng còn gì nữa. Tôi chỉ mong cuộc sống của hai đứa con tôi sau này sẽ tốt đẹp hơn”.

Nhà chị Lý Thị Vang cũng vậy, chồng chết, cuộc sống của chị trở nên xáo trộn. 3 năm nay , tài sản trong nhà đội nón mà đi theo bệnh tật. Một mình chị Vang phải bươn trải, gánh gia đình trên đôi vai gầy guộc. Năm nay, hai con chị đều vào cấp 3. Cũng giống chị Bả, chị Vang cũng mong một đời mình tần tảo để tương lai các con mình sẽ khác.

Theo ông Lâm Văn Tám, Trạm phó trạm Y tế xã Xa Lý: “Trong nhiều năm gần đây, xã Xa Lý có rất nhiều người chết vì ung thư, gan, dạ dày, đặc biệt là bản Trạm”. Ông Tám cũng khẳng định nguồn nước ở suối Luồng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Giờ thì sau những đại tang, bản Trạm dẫn nước từ các con khe trong rừng về sinh hoạt, suối Luồng không còn bị vàng tặc đào bới hơn năm nay nhưng nước vẫn chưa hết đục. Hai bên bờ như bị sa mạc hóa, gốc sắn cây ngô cũng không sống được. Người chết thì cũng đã rồi, nhưng những người đang sống giờ luôn nơm nớp lo sợ không biết lúc nào sẽ ra đi vì bệnh tật...  

“Ai cũng bảo bản Trạm điêu linh. Vì nạn khai thác vàng mà thành “bản góa chồng”, thanh niên bản đến 20 người thành con nghiện. Dù bản còn nghèo đói nhưng con em trong bản hơn mười năm nay chưa có ai bỏ ước mơ con chữ. Rồi đời sống dân bản sẽ khác”, anh Mừng – Trưởng bản Trạm tâm sự.

Theo Lê Nguyễn (Gia đình & Xã hội)
Nguồn: