Bao giờ biển miền Trung hết chất độc khiến cá chết hàng loạt?

Ngày 02/07/2016 00:09 AM (GMT+7)

Chất Xyanua mà Formosa xả thải ra biển là chất kịch độc, rất khó xử lý, đặc biệt là ở môi trường biển rất rộng lớn.

Sau nhiều tháng ngày chờ đợi, cuối cùng Chính phủ cũng đã công bố nguyên nhân cá chết ở vùng biển miền Trung là do nước xả thải của nhà máy gang thép thuộc công ty Formosa có chứa nhiều chất độc hại. Nổi bật trong số những chất được các nhà khoa học tìm ra đó chính là Phenol, Xyanua, Hydroxit Sắt.

Để tìm hiểu về sự nguy hiểm của những chất độc hại xả thải ra môi trường này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), đồng thời cũng là người theo dõi rất kỹ những diễn biến xung quanh sự việc cá chết hàng loạt ở miền Trung.

Trước khi nói về các chất độc hại bị công ty Formosa xả thải ra môi trường, PGS Thịnh cho biết: “Tôi rất hoan nghênh và đánh giá cao kết luận của Chính phủ, cả những nhà khoa học Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, việc giám sát Formosa thực hiện các cam kết hiện giờ luôn phải được đưa lên hàng đầu và đừng để biển chết lần thứ 2”.

Bao giờ biển miền Trung hết chất độc khiến cá chết hàng loạt? - 1

PGS Thịnh cho rằng, Xyanua là chết kịch độc rất khó xử lý.

Quay trở lại vấn đề các chất độc được đề cập đến trong kết luận của Chính phủ chiều ngày 30/6, PGS Thịnh cho rằng: “Các chất trên đều là chất độc hại cả, nhưng đáng chú ý và nguy hiểm nhất đó chính là Xyanua. Đây là loại hóa chất cực độc có công thức hóa học là CN-, đồng thời đây cũng là chất độc rất khó xử lý”.

“Chúng ta phải hiểu rằng, công ty Formosa là một công ty có quy mô rất lớn và hệ thống xả thả ra môi trường cũng cực kỳ nhiều thì mới gây nên hiện tượng hải sản chết hàng loạt như vậy. Bởi vậy, việc xử lý ở môi trường biển hiện nay dường như là không tưởng.

Biển cả, đại dương mênh mông thế chứ có phải như một cái bể, một cái hồ đâu, nên khó để khoanh vùng xử lý. Nói về bao giờ biển sạch thì đành phải chờ thời gian các chất độc hại này loãng dần ra và bão hòa, lúc đó làm các xét nghiệm, đo đạc chuyên ngành mới trả lời được”, PGS Thịnh cho hay.

Theo PGS Thịnh, vấn đề khắc phục hiện nay phía Formosa phải làm và làm ở đây là họ phải xử lý ở ngay bên trong, còn các cơ quan chức năng phải là người giám sát. Chỉ khi nào qua các xét nghiệm, qua các thiết bị đo đạc thấy nước xả thải của họ an toàn thì mới cho hoạt động.

“Không chỉ có nhà nước giám sát công ty, mà để không tái diễn, để biển không chết thêm một lần nữa thì người dân sẽ phải giám sát cả phía cơ quan chức năng lẫn công ty xả thải. Một vấn đề nữa cũng rất đáng bàn, đó là chúng ta không chỉ giám sát Xyanua, phonel mà còn phải giám sát các chất độc hại khác, có như vậy mới đảm bảo được tính toàn diện và môi trường mời không ô nhiễm”, PGS Thịnh đề xuất.

Cuối cùng khi nói về chất kịch độc Xyanua đối với con người, PGS Thịnh chỉ ngắn gọn trả lời: “Khi đã ra môi trường nước rộng lớn như biển mà cá còn chết, san hô ở tầng đáy còn chết, thì con người cũng không ngoại lệ nếu tiếp xúc”.

Trước đó, trong cuộc họp báo công bố nguyên nhân dẫn đến sự cố xảy ra tại vùng biển miền Trung, các cơ quan chức năng thông báo những cam kết của Công ty Formosa về vấn đề này. Trong Formosa cam kết rất nhiều vấn đề liên quan đến việc xử lý hậu quả và hứa không tái phạm, nếu vi phạm thì sẽ chịu các chế tài theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Ngày 28/6/2016, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường, làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trong thời gian vừa qua; đồng thời cam kết:

1. Công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng.

2. Thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền tương đương trên 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD).

3. Khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, bảo đảm xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường theo yêu cầu của các cơ quan quản lý Nhà nước của Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh để không tái diễn sự cố môi trường như đã xảy ra.

4. Phối hợp với các bộ, ngành của Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung, bảo đảm phòng, chống ô nhiễm, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự để tạo niềm tin với người dân Việt Nam và quốc tế.

5. Thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết nói trên, không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước; nếu vi phạm thì sẽ chịu các chế tài theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cá chết hàng loạt ở miền Trung