Bạo hành con tàn nhẫn có thể bị tước quyền nuôi con

Ngày 29/06/2014 16:26 PM (GMT+7)

Đây chính là thông tin mới nhất được ông Nguyễn Hải Hữu - Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH) trao đổi với PV liên quan tới vấn đề “Chấm dứt bạo lực với trẻ em”.

Theo đó, nếu cha mẹ có những hành vi bạo lực nghiêm trọng, bạo lực trong thời gian dài với con thì ngoài việc áp dụng luật xử phạt hành chính, Luật hình sự, cha mẹ còn có thể bị tước quyền nuôi con. 

Mới đây Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vừa công bố có gần 75% trẻ em Việt Nam bị bạo hành. Ông nghĩ gì về con số này?

- Theo tôi, số liệu của UNICEF không sai nhưng chúng ta phải hiểu đúng về con số này. UNICEF đánh giá 75% trẻ em bị bạo hành là đối với nhóm trẻ em từ 2-14 tuổi, tức là trong vòng 12 năm, số trẻ em này đã từng bị đối xử với hành vi mang tính bạo lực, tức là không phải hành vi diễn ra trong một năm.

Bạo hành con tàn nhẫn có thể bị tước quyền nuôi con - 1

Ông Nguyễn Hải Hữu - Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH)

Thực tế, một năm ở Việt Nam có 3.000-4.000 (thống kê của Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em) vụ xâm hại, bạo lực trẻ em, tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em vẫn còn ở mức rất cao.

Hiện nay, Chính phủ và Quốc hội đánh giá đây là vấn đề khá bức xúc. Chúng ta hình dung một năm 3.000-4.000 vụ có nghĩa là mỗi ngày có hàng chục vụ xâm hại, bạo hành trẻ em. Tuy nhiên, không phải vụ việc xâm hại, bạo hành nào cũng được báo cáo và thống kê. Chỉ những vụ được báo chí nói tới hoặc tố giác có nhắc nhở của chính quyền địa phương, phạt hành chính hoặc truy tố hình sự thì mới được thống kê.

Vậy, theo ông đâu là nguyên nhân khiến tình trạng bạo hành với trẻ em vẫn phức tạp?

- Theo tôi, nguyên nhân chính là do chính quyền địa phương và bản thân những người làm bố mẹ chưa nhận thức đúng về vấn đề bạo hành trẻ em vì vậy đã không đưa ra được vấn đề có ứng xử cho phù hợp.

Nhiều người cho rằng mình là bố mẹ thì có quyền dạy con bằng roi vọt hoặc bạt tai. Thậm chí ngay ở thành phố, có những bà mẹ cho con ăn không được là đánh con. Vấn đề là nhận thức của chúng ta về các hành vi bạo lực với trẻ em chưa đầy đủ, đôi khi do áp lực của công việc hàng ngày, do quá nhiều việc vất vả nên họ xao nhãng trẻ, không có nhu cầu tiếp cận với các phương pháp dạy con khoa học.

Có ý kiến cho rằng, pháp luật hiện nay chư đủ mức răn đe, nên không thể ngăn chặn được bạo lực trẻ em? Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?

- Ý kiến như vậy là chưa chính xác bởi hiện nay ở Việt Nam, ngoài Công ước trẻ em (Liên Hiệp Quốc) thì chúng ta còn có Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Nghị định xử phạt hành chính liên quan Bảo vệ chăm sóc trẻ em. Trong Luật hình sự cũng có những nội dung cụ thể về vấn đề truy tố với cá nhân tổ chức vi phạm quyền trẻ em. Tất cả những văn bản trên luật, dưới Luật đều quy định rất cụ thể và xử lý nghiêm khắc về các hành vi xâm hại, bạo lực với trẻ em.

Vấn đề ở đây không phải là chúng ta thiếu Luật mà vấn đề là việc thực thi luật pháp còn chưa nghiêm. Cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em vừa thiếu vừa yếu nên không có người theo dõi giám sát và bảo vệ các cháu. Trong khi đó, gia đình, xã hội vẫn chưa lên tiếng mạnh mẽ, không giám tố cáo bạo lực trước cơ quan chức năng. Điều này vô hình chung đã làm nhờn luật, khiến Luật mất tác dụng.

Ông có nói một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng bạo lực ở trẻ em gia tăng chính là gia đình xao nhãng trẻ. Vậy tới đây trong Dự thảo Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em sửa đổi sẽ điều chỉnh vấn đề này như thế nào thưa ông?

- Đúng vậy, đây là một trong số những hành vi có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ.

Ví dụ ở Anh một ông bố đưa con về mà không đưa về nhà ngay mà đến đầu nhà rồi thả con xuống bãi cát chơi. Cảnh sát đi qua thấy bé chơi một mình, hỏi con nhà ai, rồi sẽ dán giấy phạt 100 USD về tội xao nhãng. Hiện trong dự thảo luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi của Việt Nam cũng đã đưa hành vi “xao nhãng” với trẻ em vào quy định, trình Quốc hội vào tháng 12 tới. Nếu được Quốc hội thông qua năm 2015, thì hành vi vi phạm này sẽ được các văn bản dưới luật quy định xử lý.

Với trường hợp đặc biệt, nếu chính bố mẹ là người có hành vi bạo lực, bạo hành nhiều lần có tính chất nghiêm trọng thì trẻ được quyền tách ra để đưa vào chăm sóc ở trung tâm Bảo trợ xã hội địa phương. Dự thảo Luật sửa đổi ở chương “chăm sóc thay thế” cũng đã bàn tới vấn đề này.

Xin cảm ơn ông!

Theo Minh Nguyệt
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot