Bão số 5 tấn công Quảng Ninh – Thái Bình

Ngày 01/08/2013 15:41 PM (GMT+7)

Tâm bão số 5 sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thái Bình, không loại trừ Nam Định. Bão cũng sẽ ảnh hưởng và gây mưa lớn ở các tỉnh nằm trong vùng ảnh hưởng, đặc biệt là các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Yên Bái.

Đổ bộ trong ngày 3/8

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn trung ương cho hay, lúc 13h ngày 1/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 113,4 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 15 km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 13h ngày 2/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển ven bờ phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.      

Trong khoảng 24 đến 48h tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 13h ngày 3/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.      

Trong khoảng 48 đến 72h tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km.      

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.

Từ đêm mai (2/8), vùng biển vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.

Bão số 5 tấn công Quảng Ninh – Thái Bình - 1

Đường đi của bão số 5 lúc 13h ngày 1/8 (Nguồn; TTDBKTTV)

Từ sáng 3/8, vùng ven biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Từ ngày 3/8, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3 – 5m.       Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương nhận định: “Tối 2/8 vịnh Bắc bộ bắt đầu có gió lớn, đến sáng 3/8, các vùng ven bờ biển sẽ có gió to cấp 6, cấp 7. Do vậy, mọi công tác chuẩn bị phòng chống bão yêu cầu xong trước 7h sáng 3/8”.

Nói rõ hơn về trọng tâm và thời gian bão đổ bộ, ông Tăng cho hay: “Trọng tâm bão đổ bộ sẽ là các tỉnh Quảng Ninh – Thái Bình, không loại trừ Nam Định. Nếu bão vào sớm sẽ là trưa 3/8, muộn là thì vào khoảng 6h – 7h chiều 3/8”.

Thời gian bão đổ bộ có thể rơi vào lúc triều cường từ khoảng 2h – 3h chiều 3/8. Tâm bão mạnh kết hợp với triều cường nên sẽ có sóng cao, nước dâng. Do đó, phải đặc biệt chú ý mấy huyện đảo là Vân Đồn, Bạch Long Vĩ sóng biển có thể cao 3 – 5 m.

Mưa bão sẽ tập trung trong khoảng 1 ngày rưỡi từ ngày 3/8 – 4/8. Đặc biệt, lượng mưa được dự báo khoảng từ 100 mm – 300mm, cá biệt sẽ có những nơi mưa to tới 400 mm.

“Mưa lớn trong thời gian ngắn nên cường độ sẽ rất lớn, tâm mưa là rìa phía bắc của cơn bão tức là vùng Đông Bắc và trung du Miền núi phía Bắc”, ông Tăng nói. Đây là vùng có những tỉnh đã chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản trong đợt mưa lũ vừa qua.

8 tàu ở Hoàng Sa đang trong tình thế rất nguy hiểm

Để tiếp tục chỉ đạo kịp thời công tác ứng phó với bão, trưa ngày 1/8, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương tiếp tục họp khẩn với các bên liên quan.

Theo báo cáo của Bộ Quốc Phòng, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị Hải quân, Cảnh sát biển, Quân khu Thủ đô… duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng tình huống ứng phó bão đổ bộ vào. Tính đến 13h ngày 1/8, Biên phòng các tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 36.634 phương tiện với 170.641 người biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.

Tuy nhiên, hiện, ở Hoàng Sa có 12 tàu của tỉnh Quảng Ngãi, ở đảo Hải Nam có 3 tàu Quảng Ngãi, đảo Đá Lồi cũng có. “Đây là nội dung cần quan tâm, bên Lãnh sự Ngoại giao liên hệ với Trung Quốc tạo điều kiện cho các tàu trên vào”, Đại diện Bộ Quốc phòng nói.

Về việc liên hệ với phía Trung Quốc cho các tàu Việt Nam vào trú tránh bão, hiện Bộ Ngoại giao đã liên hệ với Trung Quốc về 4 tàu ở Hải Nam. Sau khi có công hàm lại nhận được thông tin 4 tàu đã vào Đá Lồi. Hiện thông tin chưa khớp nhau, nên Bộ Ngoại giao sẽ khẩn trương làm rõ số hiệu các tàu, vị trí để tiếp tục đề nghị phía Trung Quốc.

Nhận định về thời gian ảnh hưởng của cơn bão, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, tối nay (1/8) bão đi qua Hoàng Sa, do vậy từ giờ đến chiều phải rất cẩn thận trong công tác kêu gọi tàu thuyền ở đây, trong đó có nhiều việc khẩn cấp phải làm.

Đối với chống bão trên biển, Bộ trưởng đề nghị Bộ Ngoại giao ngay sau cuộc họp có ý kiến liên hệ với Trung Quốc cho phép 8 tàu ở Hoàng Sa, 3 tàu ở Hải Nam được cập bờ.

Bão số 5 tấn công Quảng Ninh – Thái Bình - 2

Neo tài tránh bão (Ảnh minh họa, nguồn: Dân Việt)

“Đây là những tàu ở vùng tâm bão đi qua với gió giật cấp 11, 12 nên không thể nào chống chịu nổi. Các ngư dân này nếu không được lên bờ sẽ nguy hiểm đến tính mạng, Bộ Ngoại giao phải nhấn mạnh dứt khoát với phía Trung Quốc để ngư dân được lên bờ, còn tàu để lại cũng được. Đề nghị bộ Ngoại giao hết sức lưu ý, khẩn trương cấp cứu 8 tàu ở Hoàng Sa”, Bộ Trưởng nói.

Ngoài ra, lực lượng Biên phòng cần giữ liên lạc để làm rõ tình huống và diễn biến của 8 tàu trên bởi các ngư dân đang trong tình huống rất nguy hiểm.

Đối với vịnh Bắc bộ Biên phòng và Tổng cục Thủy sản sử dụng các phương tiện tiếp tục kêu gọi tàu thuyền.

Chống bão trong đất liền, Bộ trưởng chỉ đạo các lực lượng liên quan tiếp tục vận hành việc tiêu nước đệm đã tiến hành từ sáng nay (1/8).

Văn phòng ban chỉ đạo liên hệ với các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Yên Bái cần đặc biệt lưu ý vì mưa sẽ lớn hơn ở vùng phía bắc tâm bão đi qua.

Bộ trưởng cứ 2 đoàn công tác, một đoàn đi Hải Phòng – Quảng Ninh. Đoàn này cần lưu ý, có hai nơi xung yếu là kè trước cửa ủy ban nhân dân huyện Đồ Sơn hôm trước đã vỡ, cần kiểm tra xử lý, nếu không được phải báo cho bà con di tản. Thứ hai là vùng đê Cát Hải cũng đã bị tràn, sạt, cần có phương án đề phòng và sơ tán dân.

Bộ Trưởng cũng đề nghị Bộ Giao thông nhắc lại các công ty vận tải biển đặc biệt Vinashin, Vinalines neo tàu cẩn thận, nếu để xảy ra tình huống tàu trôi đâm làm sập cầu sẽ phải chịu trách nhiệm.

Ở Quảng Ninh cần lưu ý đê biển đã gia cố nhưng phải kiểm tra. Ở đây có nhiều lồng bè nuôi thủy sản, bà con hay tiếc của ở trên lồng bè lúc sóng to gió lớn rất nguy hiểm. Tàu thuyền du lịch cũng nhiều cần phải kiểm soát.

Đoàn thứ hai đi Thái Bình – Nam Định cần lưu ý kiểm tra và gia cố lại những đoạn đê đã bị sạt lở đợt trước.

Thu Hoài
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan