Bảo vệ, trông xe bệnh viện phải học cách ứng xử với người bệnh

Ngày 18/06/2015 11:58 AM (GMT+7)

Bộ trưởng yêu cầu các bệnh viện không chỉ tập huấn cho các bác sĩ, nhân viên y tế mà ngay cả nhân viên hành chính, bảo vệ trông xe cũng cần phải được tập huấn kỹ năng ứng xử, giao tiếp với người bệnh.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chính thức phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Kế hoạch này nhằm thay đổi nhận thức, thái độ, phong cách phục vụ người bệnh của cán bộ y tế, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người bệnh; đồng thời nhằm tạo điều kiện tốt để giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ y tế Việt Nam,

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu toàn bộ ngành y tế thực hiện 8 hoạt động cụ thể đó là: Tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp cho cán bộ y tế; Thành lập các đơn vị chăm sóc “khách hàng”; Quy định trang phục của cán bộ y tế;  Tiếp tục thực hiện “đường dây nóng”; Duy trì, củng cố hòm thư góp ý; Triển khai Đề án “Tiếp sức người bệnh trong bệnh viện”; Xây dựng phong cách, thái độ, phục vụ văn minh, thân thiện, không có tiêu cực; Ký cam kết và thực hiện các nội dung cam kết.

Bảo vệ, trông xe bệnh viện phải học cách ứng xử với người bệnh - 1

Bảo vệ cũng cần phải học cách ứng xử đúng mực với người bệnh. Ảnh chụp tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội).

Về vấn đề tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp, Bộ trưởng yêu cầu các bệnh viện không chỉ tập huấn cho các bác sĩ, nhân viên y tế mà ngay cả nhân viên hành chính, bảo vệ trông xe cũng cần phải được tập huấn. Trước hết, cần phải tập huấn theo các tình huống giả định, các mẫu ứng xử với từng đối tượng người bệnh khác nhau, tại từng địa điểm khác nhau trong bệnh viện mà Bộ Y tế xây dựng.

Ngoài ra, trong kế hoạch này Bộ trưởng đặc biệt quan tâm đến việc tiếp nhận và xử lý những phản ánh và thắc mắc của người bệnh và người dân tới các cơ sở y tế. Bởi vậy, việc tiếp tục triển khai, kiên toàn và hoàn thiện đường dây nóng là rất cần thiết. Do đó, các bệnh viện tuyến trung ương, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị trong toàn ngành phân công công chức, viên chức trực điện thoại “đường dây nóng” 24/24h.

Về việc xây dựng phong cách, thái độ phục vụ văn minh, thân thiện, không có tiêu cực, Bộ Y tế yêu cầu các khoa, phòng, bệnh viện quán triệt khẩu hiệu: “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, Bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, Bệnh nhân về dặn dò chu đáo”. Bộ Y tế yêu cầu lãnh đạo các đơn vị cần phải tăng cường các giải pháp nhằm  khắc phục những hành vi ứng xử không tốt của cán bộ y tế đối với người bệnh như thờ ơ, cáu gắt, hách dịch, cửa quyền, có biểu hiện gợi ý nhận tiền, quà, gây phiền hà cho người bệnh…

Bảo vệ, trông xe bệnh viện phải học cách ứng xử với người bệnh - 2

Tất cả các nhân viên y tế sẽ phải ký cam kết thực hiện kế hoạch này.

Ngoài những yêu cầu trên, Bộ trưởng Bộ Y tế còn triển khai một số các hoạt động khác như: triển khai bộ phận chăm sóc “khách hàng”, quy định về hòm thư góp ý, tiếp sức người bệnh trong bệnh viện. Đặc biệt là việc triển khai quy định về trang phục y tế nhằm giúp người bệnh và nhân dân biết các chức danh chuyên môn nghề nghiệp của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở khám, chữa bệnh…

Để thực hiện được kế hoạch trên, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu cán bộ y tế ở tất cả các cấp ký cam kết và thực hiện các nội dung như: nhân viên y tế trong các khoa phòng cam kết với Trưởng khoa, phòng; Trưởng các khoa, phòng ký cam kết với Giám đốc bệnh viện; Giám đốc bệnh viện trực thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố ký cam kết với Giám đốc Sở Y tế; Giám đốc bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế ký cam kết với lãnh đạo Bộ Y tế; Giám đốc các Sở Y tế ký cam kết với lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố.

Tất cả các hoạt động này sẽ được triển khai thực hiện ngay từ tháng 6/2015 và sẽ được thanh tra, kiểm tra thường xuyên từ tháng 8/2015.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan