Bé trai 2 tuổi thoát chết sau đuối nước

Ngày 12/06/2014 15:13 PM (GMT+7)

Sau gần 4 tiếng hôn mê trước khi được chuyển tới cấp cứu tại BV tuyến trung ương và không được sơ cấp cứu đúng cách khi được vớt lên khỏi ao nước nhưng bé trai 2 tuổi vẫn may mắn thoát chết.

Người lớn chủ quan để bé 2 tuổi tự chơi và ngã xuống ao

Bệnh nhi là bé P.M.L, 2 tuổi ở Phú Xuyên, Hà Nội. Dù còn nhỏ tuổi nhưng do gia đình bận làm ăn nên để bé L thường xuyên tự tha thẩn chơi một mình. Hôm xảy ra tai nạn, cách đây gần 1 tháng, bé L cùng một bé khác lớn hơn một chút gần nhà tự chơi ở khu vực gần bờ ao. Hai bé vừa tự chơi được một lúc, đứa bé gần nhà chạy vào kêu  với bác của bé L là em bị ngã xuống ao. Nghe đứa trẻ kêu cứu, người bác vội vàng chạy ra nhưng đã không thấy cháu đâu mà chỉ thấy nước dưới ao gần khu vực hai trẻ chơi có chỗ sủi tâm và có vòng xoáy nước. Người bác liền nhảy xuống vớt cháu lên nhưng bé L đã bất tỉnh. Tai nạn xảy ra vào khoảng 18h30.

Không kịp thực hiện các biện pháp sơ cấp cứu, người nhà vội vàng bế bé đến trạm y tế xã rồi chuyển lên bệnh viện đa khoa huyện. Sau khi cho bé thở oxy, các bác sĩ tại bệnh viện đa khoa huyện chuyển tiếp bé đến cấp cứu tại khoa Nhi, BV Bạch Mai lúc 22h cùng ngày.

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Phong, Khoa Nhi, BV Bạch Mai (Hà Nội), bệnh nhi nhập viện trong tình trạng người tím tái, tang trương lực cơ, hôn mê, nhịp thở nhanh.

Không nên dốc ngược người bị đuối nước chạy vài vòng

Bác sĩ Nguyễn Hồng Phong, Khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, biện pháp dốc ngược người bị đuối nước lên chạy vài vòng với mục đích đẩy nước ra ngoài vẫn được nhiều người dân sử dụng khi sơ cấp cứu cho nạn nhân là không đúng. Bởi với trường hợp không tự thở được cách làm này không có tác dụng, thậm chí còn có thể các chấn thương nguy hiểm ngoài ý muốn cho nạn nhân như chấn thương cổ…

“Trong suốt quá trình từ lúc được người nhà vớt lên dưới ao đến khi nhập viện tại khoa bé đều rơi vào trạng thái hôn mê, không lúc nào tỉnh (thời gian hôn mê khoảng gần 4 tiếng bé mới được đưa đến cấp cứu tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai) nên bác sĩ nhận định chắc chắn bé đã có tổn thương não.

Tuy nhiên, bé vẫn có thể tự thở được, miệng, mũi bé sạch, không có dị vật nên lúc này các bác sĩ đặt ra nhiệm vụ quan trọng đầu tiên không phải là cấp cứu đường thở như các trường hợp đuối nước khác mà là vấn đề chống phù não. Bé được chỉ định cho thở oxy liều cao và dùng kháng sinh tốt nhất”, bác sĩ Phong cho biết.

Nguyên tắc vàng cần sơ cấp cứu khi đuối nước trước khi đưa đến viện

Bác sĩ Phong cho biết, “đến hẹn lại lên” mùa hè năm nào cũng báo động tình trạng đuối nước ở cả người lớn và trẻ em. Mùa hè năm nay, Khoa Nhi, BV Bạch Mai cũng đã ghi nhận vài trường hợp phải cấp cứu vì đuối nước, gần đây nhất là Khoa Nhi, BV Bạch Mai cũng mới tiếp nhận một bệnh nhi nhỏ tuổi bị trượt chân ngã dẫn tới ngạt nước tại bể bơi. Trường hợp của bé L kể trên là ca đuối nước nặng nhất tại Khoa trong mùa hè năm nay.

“Bé L đã rất may mắn khi thoát chết sau ca đuối nước. Tôi nói may mắn bởi vì ngay sau khi được vớt lên bờ người nhà bé đã không thực hiện các biện pháp sơ cứu, thời gian bé bị hôn mê kéo dài, bị phù não nhưng lại không được thực hiện các biện pháp cấp cứu đúng cách trước khi chuyển lên tuyến trung ương. Sau 1 tuần điều trị, sức khỏe của bé ổn định, phục hồi tốt và không để lại di chứng về não. Bé đã được xuất viện”, bác sĩ Phong chia sẻ.

Bé trai 2 tuổi thoát chết sau đuối nước - 1

Bé Đan là trường hợp "chết đuối trên cạn" đã được cứu sống (Ảnh Mai Hương)

Theo bác sĩ Phong, đối với các trường hợp bị đuối nước việc thực hiện các biện pháp sơ cấp cứu ban đầu rất quan trọng, có ý nghĩa rất nhiều đến hiệu quả điều trị và cơ hội sống của nạn nhân. Do đó, với các trường hợp bị đuối nước bác sĩ khuyến cáo cần phải thực hiện chặt chẽ nguyên tắc sơ cấp cứu sau.

Thứ nhất, với trường hợp bị đuối nước, sau khi đưa nạn nhân ra khỏi khu vực gây đuối nước (ao, hồ, bể bơi, chậu, thùng chứa nước …) người nhà cần phải kiểm tra ngay xem mũi, miệng nạn nhân có dị vật hay không. Trường hợp nếu có dị vật cần phải dùng thủ thuật Hemlich đẩy nước, dị vật ra ngoài khỏi mũi, miệng. Người bị đuối nước tại ao, hồ rất dễ bị dị vật như bùn, đất, sinh vật, lá, cành cây, bèo dưới ao hồ … chui vào trong mũi, miệng gây ngạt thở. Bác sĩ Phong chia sẻ, có trường hợp nạn nhân có cả con cá nhỏ chui vào trong mũi, miệng. Sau đó, người nhà có thể sử dụng biện pháp ép lồng ngực hoặc hà hơi, thổi ngạt cho nạn nhân và chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

 Tại các cơ sở y tế tuyến dưới, bác sĩ Phong cũng kiến nghị, với các trường hợp bị đuối nước các bác sĩ phải kiểm tra xem bệnh nhân có nguy cơ bị phù phổi hay phù não đã thực hiện các biện pháp cấp cứu đúng cách, kịp thời trước khi chuyển lên tuyến trên.

Các trường hợp đuối nước có thể bị phù phổi ngay lập tức, nếu không được cấp cứu kịp thời rất dễ dẫn tới tử vong. Do đó, bác sĩ cần kiểm tra đường thở của nạn nhân, nếu thấy không thể tự thở được phải tiến hành đặt nội khí quản.

Với các trường hợp có tổn thương co giật, tang trương lực cơ phải nghĩ ngay đến biến chứng phù não, bác sĩ cần cho bệnh nhân dùng thuốc an thần sau đó mới chuyển lên tuyến trên, tránh dùng thuốc chậm, não bị tổn thương nặng, bệnh nhân có nguy cơ bị di chứng về não dù có được cứu sống.

Bác sĩ Phong cũng lưu ý, có trường hợp trẻ bị đuối nước, sau khi được vớt lên bờ, trẻ tỉnh táo, có thể tự đi lại được nên nhiều người chủ quan cho rằng trẻ không bị tổn thương hay ảnh hưởng về sức khỏe. Tuy nhiên, trên thực tế, với trường hợp này không phải đã hết nguy hiểm, có nhiều trẻ bị rơi vào tình trạng suy hô hấp, nguy kịch đến tính mạng.  

Cách đây không lâu, khoa Nhi, BV Bạch Mai đã từng tiếp nhận và cứu sống một trường hợp bị đuối nước trên cạn. Bệnh nhi là bé Nguyễn Đăng Đan, ở Quế Võ, Bắc Ninh. Tai nạn xảy ra, sau buổi học chiều, trên đường về nhà gặp trời mưa to ướt hết quần áo, Đan và mấy bạn cùng lớp  rủ nhau ra mương nước tắm và chơi đùa. Do không biết bơi nên Đan Đan chỉ đứng chơi ở chỗ nông mà không xuống tắm như các bạn của mình. Chơi được một lúc, các bạn đùa nghịch kéo Đan và dìm xuống nước. Thấy Đan bị đẩy ra chỗ nước sâu, chấp chới không nên được, các bạn hoảng sợ vội chạy lên bờ gọi người lớn đến cứu. 

May mắn là gần đó các bác đang câu cá nên bác đã nhảy xuống mương vớt Đan lên. Được sơ cứu móc họng, ộc nước chỉ 5-10 phút sau cháu Đan tỉnh dậy, không có biểu hiện bất thường nên tự đi xe đạp về nhà. Tối hôm đó, Đan thấy khỏe mạnh, vẫn ăn tối và chơi đùa bình thường.

Tuy nhiên, đến tầm 21h cháu bắt đầu thấy mệt, sốt, ớn lạnh. Một lúc sau cháu bé ho, khó thở nhưng vẫn nói chuyện được. Gia đình đưa cháu đi đưa khám tại BV tư nhân gần nhà. Tuy nhiên, khi đưa đến viện này cháu Đan bỗng lịm đi, hôn mê không biết gì nữa. Nhận thấy tình trạng của cháu quá nặng, các bác sĩ tại BV tư nhân đã chuyển cháu Đan lên cấp cứu tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai.

Tại đây các bác sĩ chụp phổi thấy 2 phổi gần như mờ hoàn toàn, không thấy hình tim như bình thường. Khắp người bé tím đen.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, bệnh nhi được chẩn đoán phù phổi cấp, tổn thương do đuối nước. Do nước mương bẩn nên các vi khuẩn, chất độc trong nước đã phá hủy phổi của cháu bé chỉ sau vài tiếng, dẫn tới hội chứng suy hô hấp phổi tiến triển nhanh.

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhi các bác sĩ Khoa Nhi, BV Bạch Mai đã tiến hành cho thở máy. Sau 3h thở máy bệnh nhi có tiến triển tốt, có thể rút được máy thở.

“Trường hợp của cháu Đan y học gọi là chết đuối trên cạn. Với ca bệnh này nếu không được thở máy kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng. Nếu ngay lúc đó, gia đình đưa đi viện (dù bệnh nhi không có biểu hiện nặng) thì việc chữa trị đơn giản hơn. Các vi trùng, chất độc trong dòng nước ô nhiễm tràn vào phổi đã phá hủy phổi dần dần, khiến tình trạng phù phổi càng nặng hơn, phổi không trao đổi được khí. Điều này lý giải vì sao sau vài tiếng cháu Đan bỗng rơi vào tình trạng hôn mê, người tím đen, tính mạng bị đe dọa. Rất may, cháu bé cũng thoát khỏi lưỡi hái tử thần”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo, với trường hợp trẻ bị đuối nước ở hồ, ao, kênh, rạch … sau khi cấp cứu ban đầu, người nhà cần đưa ngay nạn nhân vào bệnh viện, kể cả khi bệnh nhân đã tự thở được. Bởi có tới 1/3 trường hợp gặp nạn có biến chứng phù phổi cấp tổn thương. Nếu không được cấp cứu kịp thời bệnh nhân rất dễ tử vong. Người bị đuối nước tại môi trường nước bẩn như ao, hồ, kênh rạch … càng phải chú ý, bởi nước bẩn rất dễ gây tình trạng viêm, nhiễm phổi.

Cách sơ cứu người đuối nước

Cấp cứu ban đầu là quan trọng nhất, quyết định sự sống còn của nạn nhân, nếu xử trí chậm, nạn nhân bị thiếu ôxy não, rất khó cứu sống sau đó.

Cấp cứu ngay ở dưới nước: Người cứu nắm tóc kéo đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, tát mấy cái thật mạnh vào má nạn nhân để gây phản xạ hồi tỉnh và thở lại. Nhanh chóng quàng tay qua nách đưa nạn nhân vào bờ hoặc gọi thêm người hỗ trợ đưa nạn nhân lên bờ.

Nhanh chóng tiến hành hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt ngay: khai thông đường hô hấp bằng cách đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ và nghiêng sang một bên, dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi mũi và miệng nạn nhân; đặt một khăn mùi soa hay miếng gạc qua miệng nạn nhân, dùng hai ngón tay cái và trỏ bịt mũi nạn nhân rồi thổi hơi trực tiếp vào miệng nạn nhân.

Nếu bị ngừng tim (bắt mạch quay không có) phải ép tim ngoài lồng ngực. Dùng 2 bàn tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim, tần số ép khoảng 100 lần/1 phút, ước lượng bằng cách đếm 1, 2, 3, 4... mỗi lần đếm là 1 lần ép tim. Nếu chỉ có một người cấp cứu thì thổi ngạt 2 - 3 hơi lại ép tim ngoài lồng ngực 10 - 15 nhịp. Nếu có hai người cấp cứu thì một người thổi ngạt, một người ép tim ngoài lồng ngực, nhưng cần làm kiên trì cho đến khi tim nạn nhân đập lại và thở trở lại.

Khi tỉnh lại, nạn nhân sẽ nôn ra nước, nên phải để nạn nhân ở tư thế: mặt quay sang một bên, kê gối dưới 2 vai, nới rộng quần áo, phòng cho nạn nhân không bị ngạt trở lại vì sặc chất nôn. Người cấp cứu chỉ bỏ cuộc khi đã hô hấp nhân tạo và ép tim được 2 tiếng mà không thấy nạn nhân phục hồi.

Nếu gặp trẻ nhỏ bị đuối nước, người ta thường vác dốc ngược trẻ trên vai, động tác dốc ngược nạn nhân chỉ có tác dụng khai thông vùng họng và miệng, vì vậy không nên thực hiện ở người lớn và không nên làm quá 1 phút ở trẻ em. Nếu cấp cứu có kết quả, nạn nhân thở lại, cử động giãy giụa, hay nạn nhân vẫn còn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở thì gọi xe cấp cứu hay dùng mọi phương tiện sẵn có chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế có trang bị hồi sức cấp cứu. Trên đường vận chuyển vẫn phải tiếp tục cấp cứu và giữ ấm cho nạn nhân.

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan