Bí ẩn dòng họ nuôi rồng ở thánh địa xứ Mường

Ngày 11/05/2013 08:21 AM (GMT+7)

Nước suối Kem từ bao đời nay ở xứ Mường Bi (Hòa Bình) vẫn chảy xiết bao quanh hang Rồng bí ẩn, ôm ấp trong mình những câu chuyện huyền bí về dòng họ … nuôi rồng khiến nhiều người dân vẫn chưa thể lý giải nổi.

Nước suối Kem từ bao đời nay ở xứ Mường Bi (Hòa Bình) vẫn chảy xiết bao quanh hang Rồng bí ẩn, ôm ấp trong mình những câu chuyện huyền bí về dòng họ… nuôi rồng khiến nhiều người dân vẫn chưa thể lý giải nổi.

Huyền thoại về Rồng

Đến nay, những người cao tuổi ở xóm Lầm, xã Phong Phú, Tân Lạc, Hòa Bình cho biết đó là dòng họ Bùi ở Mường Bi với câu chuyện nuôi rồng đã có từ hơn 100 năm nay.

Ngôi nhà của ông Bùi Văn Ểu, một trong những nhân chứng sống còn giữ lại những câu chuyện về rồng và dòng họ nuôi rồng ở xứ Mường Bi được bao bọc bởi những dãy núi trùng điệp, những con đường lầy lội, đất quên bám chặt bước chân người đi. Không chỉ là người thông tường địa lý và am hiểu văn hóa xứ mình, ông Ểu còn được cha ông truyền lại câu chuyện huyền bí về loài rồng huyền thoại chỉ có ở xứ Mường Bi. Dù không có tài liệu nào ghi chép, nhưng qua truyền miệng, ông Ểu khẳng định tính chân thực của những gì mình nói ra.

Tiếng gió của đại ngàn vẫn vỗ vào hai bên sườn núi, lùa vào từng khe cửa trong căn nhà ông nằm chênh vệnh giữa cánh đồng. Lời kể của ông chốc chốc lại bị cắt ngang bởi tiếng thở dài và sự ngập ngừng. Thỉnh thoảng, ông quay sang nói với tôi: “Nhiều người không tin vào câu chuyện này và coi đó chỉ là truyền thuyết, nên thực sự tôi cũng không muốn nhắc nhiều. Nói ra họ lại bảo mình  … hâm”.

Bí ẩn dòng họ nuôi rồng ở thánh địa xứ Mường - 1

Một góc suối Kem. (Ảnh: Giáo dục Việt Nam).

Sau rất nhiều câu chuyện tào lao về đủ thứ trên đời … ông Ểu mới chịu cởi mở hơn với tôi và hé lộ rằng gia đình còn thờ loài rồng huyền thoại hiện nay là ông Bùi Văn Mổng. Rồng con, tên thân mật mà các thành viên trong gia đình ông tự đặt cho con rồng huyền thoại, được những người dân sống trong vùng ai cũng biết. Dòng họ nuôi rồng và rồng con đã từng tồn tại ở Mường Bi năm xưa hiện nay theo lời ông Ểu vẫn được gia đình ông Mổng thờ tự và coi như con cháu trong nhà. Và họ cũng tôn trọng cả những sở thích lúc còn sống của thành viên này khi đồ thờ rồng chỉ có vài quả trứng gà hoặc trứng vịt. Tuy nhiên, ông Mổng không bao giờ cho bất kì ai vào trong nhà đến xem bàn thờ của rồng.

Chạm vào mạch cảm xúc, lời kể của ông Bùi Văn Ểu cứ thế tuôn ra. Ông kể, đôi mắt nheo nheo nhìn về hướng có con suối Kem ở phía xa xa của xứ Mường Bi.

Câu chuyện về loài rồng huyền thoại bắt đầu xuất hiện từ buổi mang bương ra suối Kem gùi nước của một người dân họ Bùi cách đây hơn 100 năm. Từ trước tới nay, người đàn ông này nổi tiếng trong bản làng bởi đức tính chăm chỉ, thật thà. Trong mỗi buổi đi làm, bao giờ ông cũng là người xong việc đầu tiên. Nhưng hôm đó, khi mọi người gùi nước về nhà, bóng người dân họ Bùi vẫn cặm cụi bên dòng suối. 

Gùi nước của người này múc mãi không đầy. Thấy sự lạ, người này mới tìm trong gùi có gì nặng nặng kéo xuống mới phát hiện chẳng hiểu ở đâu lại có một quả trứng quả trứng gà vô tình lọt vào gùi nước của mình. Người dân họ Bùi lấy làm băn khoăn lắm. Ban đầu người này định bỏ qua và tiếp tục công việc của mình nhưng nghĩ chỉ là quả trứng gà, có khi lại là điềm lành nên mang về và cho vào ổ gà ấp chung.

“Câu chuyện lẽ ra cũng chẳng có gì nếu như không có ngày 'nhân vật' kia được khai sinh cùng với tiếng kiêu quang quác đầy sợ hãi của gà mẹ. Một con rắn nhỏ vừa nở ra từ chính quả trứng hôm nào người họ Bùi mang về, đang nằm lọt thỏm giữa ổ gà chưa nở. Bản thân người họ Bùi lúc đó cũng hốt hoảng, hoang mang đầy sợ hãi sau khi thấy đàn gà quang quác chạy tán loạn khắp nơi vì con rắn nhỏ ấy”, giọng ông trầm hẳn xuống.

Nhìn thấy con rắn bò từ trong ổ trứng gà ra, người dân họ Bùi kia sau phút choáng váng định tìm cách xua con rắn đi, nhưng không hiểu nghĩ đi nghĩ lại thế nào ông lại để nuôi con rắn trong nhà. Không như những con rắn khác, điều đặc biệt là con rắn của nhà họ Bùi lại chỉ thích ăn trứng gà hoặc trứng vịt.

Rắn con cứ thế lớn lên trong ngôi nhà của người họ Bùi. Cho tới một hôm người này nằm mơ thấy có một người chỉ đường đi đào chiếc sanh bên dãy núi đá gần nhà về làm nhà mới cho chú rắn này. Bán tin bán nghi, người này thử làm theo đúng giấc mơ xem sao.

Đến nơi, đào đúng vị trí người trong giấc mơ chỉ, người họ Bùi kia giật mình khi thấy đúng là có một chiếc sanh đang nằm ở một vị trí rất gọn đẹp. Làm theo đúng lời chỉ dạy, người họ Bùi mang về và thả con rắn nhỏ vào. Tuy nhiên, sau khi thả con rắn vào thì mới có sự lạ. Con rắn nhỏ cũng với thức ăn như trước nhưng rắn lớn nhanh như thổi.

Chỉ một thời gian sau, con rắn từ lúc mới chỉ bằng con thạch sùng đã phổng bằng con thằn lằn, bằng con trăn rồi to như … cột nhà đến mức phải quấn cả lên xà nhà mới gọn được. Với kích thước to khác thường và tướng rất oai, con rắn nhỏ ngày nào giờ đã to lớn như một con rồng trong truyền thuyết. To lớn là vậy nhưng rồng con – tên mà người họ Bùi đặt để gọi con rắn trong nhà, lại rất hiền lành, cả ngày nó chỉ nằm trong nhà và đương nhiên chẳng bao giờ có biểu hiện tấn công con người dù là khách lạ tới nhà.

“Tiếng lành đồn xa” ngày càng có nhiều người tìm đến vì sự hiếu kỳ muốn được ngắm con vật lạ trong nhà người họ Bùi. Ai cũng nói người này tìm được linh vật quý. Nhưng với người họ Bùi, rồng con không giống bất kỳ con rắn nào mà ông từng gặp vì nó có tình cảm như con người đến mức người này coi nó như “con cả” trong nhà.

Liều thân cứu “cha”

Cuộc sống của rồng con và gia đình họ Bùi cứ thế trôi đi trong yên ả. “Nhưng rồi một ngày, nước dòng suối Kem bỗng mặn hơn bởi nước mắt của người dân xứ Mường Bi khóc thương cho sự ra đi của rồng con”, giọng ông Ểu bắt đầu trầm ngâm khi câu chuyện hướng về những sự cố xảy đến với gia đình người họ Bùi và sự biến mất bất thường của rồng con.

“Cuộc sống của nhà họ Bùi lúc đó cũng khá ổn định, không đói khổ như nhiều người dân trong vùng. Tuy nhiên, 'cha' của rồng con đã bị lôi kéo theo tiếng gọi của nàng tiên nâu và những nguồn thu lợi bất chính từ đi buôn bán thuốc phiện tận vùng Mộc Châu – Sơn La, để rồi kéo theo hàng loạt biến cố đến với gia đình. Tưởng kiếm được nhiều tiền nhưng cuối cùng tài sản của người họ Bùi kia cứ thế đội nón ra đi. Người 'cha' ấy cũng bỏ bằng rồng con ở lại nơi nó được tìm thấy và khai sinh. Dân làng đã hết lòng khuyên bảo nhưng sự cám dỗ của ma túy và những lợi nhuận từ những chuyến buôn xuyên biên giới đã có ma lực mãnh liệt với cha của rồng con. Từ ngày cha bỏ đi, rồng con chỉ nằm im trong chiếc sanh rồi thường xuyên bỏ ăn khi không thấy cha về”, ông Ểu kể.

“Nhưng đi đêm lắm có ngày gặp ma, cha rồng con bị bắt và nhốt trên núi không được về trong một lần đi buôn thứ cấm. Dân làng biết tin liền báo cho những người nhà của người họ Bùi kia và đương nhiên chuyện cũng đã đến tai rồng con”, ông Ểu kể tiếp chuyện.

Thấy cha gặp nguy nan, cả gia đình ai cũng đứng ngồi không yên, rồng con quyết định tìm về con suối Kem, nơi mình đã được người họ Bùi tìm thấy để ngược dòng suối ấy tìm đường cứu cha. 

“Hôm rồng con bỏ đi cứu cha, không hiểu trùng hợp thế nào nhưng lúc ấy khi thời tiết trên đất Mường Bi đang rất ôn hòa thì bỗng gặp một trận mưa to, gió lớn bất thường. Các cụ nhà tôi kể lại, cơn sấm sét kinh hoàng ấy chính là do rồng con tạo nên để tạo tâm lý  với bọn quan binh đã bắt người họ Bùi nhốt trên núi. Cứ thế ngược dòng suối Kem, rồng con bơi ngược lên thượng nguồn. Thấy rồng con xuất hiện với bộ dạng khủng khiếp, bọn quan binh sợ hãi bỏ chạy không còn một mống vì tưởng là quái vật. Rồng con đã nhân cơ hội ấy, tới cắn nát cũi giải cứu cho cha”, ông Ểu nhấp ngụm nước chè chậm rãi nói.

Sau khi cứu được người họ Bùi kia, cả hai theo đường Định Giáo (Hòa Bình) trở về nhà. Ban đầu, người họ Bùi bảo rồng con “thu nhỏ” lại để bảo vào một chiếc túi dễ cho việc di chuyển. Nhưng thấy cha vất vả trèo đèo, vượt suối, rồng con nói với cha cho mình xuống suối tự về để hai cho con cùng dễ di chuyển. Chiều theo ý rồng con nhưng người họ Bùi kia đâu biết, đó là lần cuối cùng ông được gặp rồng con.

Vượt rừng về tới nhà, nhưng người họ Bùi đợi mãi mà vẫn chưa thấy rồng con đâu. Đợi mãi, nhưng không thấy bóng con, trong lòng nóng như lửa đốt, người họ Bùi quyết định men theo dòng suối Kem đi tìm rồng con. Tuy nhiên, ông chết lặng người khi thấy xác rồng con nằm ngửa trên đỉnh thác Kem, trên cơ thể vẫn còn chiếc khuyên vàng trước đó đã đeo cho rồng con để dễ nhận biết. Ôm xác rồng con khóc nức nở, người họ Bùi vật vã không biết bao nhiêu ngày tháng vì ân hận.

“Người ta nói rằng, rồng con chết chính bởi chiếc khuyên vàng ấy khi trên đường trở về nhà nó gặp những con rồng khác và đã bị chúng cắn chết”, giọng ông Ểu như nghẹn lại.

Sau cái chết của rồng con, người cha đã lặn lội tìm chặt một cây Tụi Khụi (một loại cây ở Hòa Bình gọi theo tiếng Mường) to lớn và khoét làm quan tài, dùng dây tọ tẹ làm dây nịt quanh quan tài cho chắc. Xác của rồng con sau đó được mau táng cẩn thận ngay bên dòng suối Kem, tại chính nơi năm xưa người đàn ông họ Bùi bắt được quả trứng rồng mà cứ ngỡ là trứng gà. Người họ Bùi nghe nói vẫn đau khổ khôn cùng về cái chết của rồng con cho tới tận ngày nhắm mắt xuôi tay và giữ vỏ trứng của rồng con để lên ban thờ của gia đình.

“Quanh khu mộ của rồng con và trên chính mảnh đất nơi rồng con yên nghỉ đã xảy ra bao chuyện kỳ bí hết đời này sang đời khác. Từ những vệt trườn như của một con rắn rất lớn xuất hiện quanh nơi rồng con an nghỉ, rồi tới việc trên nấm đất được coi là mộ của rồng con chỉ mọc duy nhất hai loại cây là Tụi Khụi và Tọ Tẹ dùng làm quan tài cho rồng con, cho tới cái miệng hang rất to như hang của một con vật rất lớn xuất hiện dưới độ sâu hàng chục mét ở con suối Kem. 

Nói về cái hang rất lớn dưới lòng suối Kem chính mắt tôi thời trẻ từng nghịch dại làm theo lời bạn bè lặn xuống đó. Sức ép của nước khiến tôi chảy cả máu tai. Nhưng tôi đã phát hiện ra dưới lòng suối Kem có một cái hang rất lớn nhìn như hang rắn nhưng nó to lắm. Nơi đó cũng là nơi người dân họ Bùi kia năm xưa đã nhặt được quả trứng rồng con”, ông Ểu tiết lộ về cái hang bí ẩn dưới lòng suối Kem đến nay chưa ai dám xuống lần nữa.

“Có thể nhiều người không tin vào câu chuyện này nhưng với người dân ở xóm Lầm, xã Phong Phú, Tân Lạc, Hòa Bình thì đó là câu chuyện có thật 100%. Và Rồng con vẫn như đang sống cùng chúng tôi để bảo vệ dân làng. Những nương lúa xanh tươi, cuộc sống ấm no của biết bao gia đình cũng chính là hưởng từ cái phước từ bi và rất ân tình của rồng con đấy”, ông Ểu khẳng định.

(Theo Pháp luật & Cuộc sống)
Nguồn:

Tin liên quan