Bi hài chuyện người đàn bà muốn chia tay thì phải chia tiền

Ngày 04/10/2017 08:04 AM (GMT+7)

Chị H. cho biết khi ly hôn với anh M., chị đã được chia một nửa tài sản. Năm 2010, 2 người tái hợp và tổ chức đăng ký kết hôn lại, giờ muốn chia tay thì.....

Đến năm 2011, vợ chồng lục đục nên chị mua nhà đất, đưa con ra ở riêng. Nay 2 người đang làm thủ tục ly hôn lần thứ 2, anh M. lại buộc chị phải chia cho anh 1/2 tài sản chị đang đứng tên.

Chị H. (ngụ xã Suối Nho, huyện Định Quán) bức xúc.

Mình yêu nhau đi

10 năm hạnh phúc bên nhau, chị H. và anh M. đã tạo lập được khối tài sản tiền tỷ. Vì “cơm không lành, canh không ngọt”, vào năm 2005 cả 2 đưa nhau ra tòa ly hôn. Quá trình giải quyết ly hôn tại tòa, anh M. đồng ý chia cho chị H. 1/2 tài sản chung của vợ chồng và chị được quyền nuôi dưỡng 3 con (chị không yêu cần anh M. trợ cấp theo quy định của pháp luật).

Sau 3 năm mỗi người một khoảng trời riêng, chị H. được anh M. thỏ thẻ: “Mình yêu nhau đi” nên dẫn 3 con quay về mái nhà xưa. Đến năm 2010, 2 người đến UBND xã Suối Nho đăng ký kết hôn lại.

Cảnh vợ chồng bất đồng quan điểm sống lại tái diễn. Đến năm 2011, chị H. quyết định dẫn 3 con ra ngoài mua đất, cất nhà để sinh sống. Đầu năm 2017, nhận thấy cuộc tái hôn lần 2 giữa vợ chồng không thể tiếp tục duy trì, chị H. và anh M. lại dắt nhau ra tòa ly hôn.

Để hôn nhân giữa 2 người chấm dứt mau lẹ như lần trước, anh M. yêu cầu chị H phải “cưa đôi” số tài sản (nhà và đất) do chị tạo lập khi dẫn các con ra ngoài sinh sống. Anh M. lập luận rằng vào năm 2010, giữa 2 người là vợ chồng hợp pháp. Vào năm 2011, dù chị H. mua đất, cất nhà mang tên chị, nhưng pháp luật vẫn xem đó là tài sản vợ chồng tạo lập được trong quá trình hôn nhân nên giờ chia tay chị phải chia cho anh 1/2 tài sản là đương nhiên.

Chị H. bức xúc trình bày trong quá trình kết hôn lần 2, chị và anh M. không làm thủ tục xác lập khối tài sản riêng của mỗi người có được trước hôn nhân vào khối tài sản chung của vợ chồng. Vì tài sản của ai người đó giữ và đứng tên quyền sử dụng nên việc anh M. đòi chia tài sản do chị tạo lập, đứng tên là phi lý.

* Chia tài sản hay không?

Với tình huống pháp lý của chị H., luật sư Ngô Văn Định (Hội Luật gia tỉnh) cho rằng việc anh M. yêu cầu tòa án giải quyết phân chia tài sản giữa anh và chị H. khi ly hôn sẽ được tòa án thụ lý. Bởi, khối tài sản nhà và đất chị H. chuyển nhượng từ người khác vào năm 2011 dù chị đứng tên, nhưng pháp luật xem đó là tài sản được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân nên phải xem xét. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc anh M. sẽ được chia 1/2 số tài sản này.

Luật sư Định giải thích thêm, để được hưởng một phần trong khối tài sản nhà, đất chị H. mua vào năm 2011, anh M. phải chứng minh được tài sản này được tạo dựng được bằng tiền chung của vợ chồng trong quá trình hôn nhân. Để chứng minh điều đó, anh phải có các giấy tờ, căn cứ pháp lý xác đáng chứ không thể nói miệng.

Còn phần chị H., để bảo vệ được tài sản của mình, chị cũng phải chứng minh với tòa rằng nhà và đất chị mua vào năm 2011 được tạo lập từ tài sản riêng của chị có được trước hôn nhân, chứ không phải được tạo lập từ tài sản chung của vợ chồng trong quá trình hôn nhân. “Việc quyết định chia hay không chia tài sản của chị H. đứng tên cho anh M. là do tòa án. Phán quyết của tòa đều căn cứ vào các chứng cứ pháp lý hợp pháp do các bên cung cấp và theo quy định của pháp luật” - luật sư Định nhấn mạnh.

Theo luật sư Lưu Hồng Khanh (Hội Luật gia tỉnh), tình huống pháp lý của chị H., ông gặp khá nhiều trong quá trình cùng đoàn công tác của Hội Luật gia tỉnh đi tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân tại các địa phương trong tỉnh. Dù pháp luật quy định rất rõ, để minh bạch tài sản, tránh phát sinh tranh chấp về sau, vợ hoặc chồng đều có quyền xác lập tài sản riêng của mình có trước hôn nhân, hoặc trong thời kỳ hôn nhân.

Luật sư Khanh cho biết thêm, vì tâm lý, đạo đức và cũng vì không hiểu biết pháp luật nên các cặp vợ chồng rất ít khi đến các cơ quan có thẩm quyền xác lập tài sản riêng của mình có trước hoặc trong thời kỳ hôn nhân. Vì không xác lập rõ đâu là khối tài sản riêng của vợ (hoặc chồng) có trước hoặc trong thời kỳ hôn nhân trong khối tài sản chung của vợ chồng nên khi ly hôn, việc giải quyết phân chia tài sản giữa vợ chồng thường phức tạp, kéo dài.

Luật sư Lưu Hồng Khanh nhấn mạnh theo quy định của pháp luật, trong trường hợp vợ (chồng) không có chứng cứ chứng minh tài sản đang tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì đó là tài sản chung. Việc phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn do vợ chồng thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì các bên yêu cầu tòa án giải quyết.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật, sự đóng góp nhiều hay ít của vợ hoặc chồng trong việc tạo dựng nên khối tài sản chung, lý do ly hôn (chồng hoặc vợ ngoại tình)..., tòa án sẽ định ra mức phân chia cho từng người.

>> Xem thêm: Vụ kiện oái oăm: Cha kiện con gái đòi tiền trúng số độc đắc

Theo Thành Nhân
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h