Bi hài cưới dịp Tết và tục "trả nợ miệng"

Ngày 06/02/2014 07:55 AM (GMT+7)

Ngày 26 Tết vẫn còn những cánh thiệp hồng được gửi tới, gia chủ không còn mừng mà khuôn mặt đã biến sắc theo cái tục “nợ miệng” ngàn đời của làng quê. Cưới hỏi dịp tết cũng thật nhiều chuyện bi hài.

Văn hóa nông nghiệp lúa nước và văn hóa làng xã người dân Việt nói chung và người dân quê nói riêng rất coi trọng tình cảm chòm xóm. Hễ nhà nào có cưới, tân gia, hay thậm chí là ngày kị của ông bà tổ tiên thì cũng muốn bà con chòm xóm cùng chung vui với gia đình, phải mời cho bằng được họ đến, bằng không sẽ giận cả năm không gặp, thậm chí cả đời.

Ấy vậy mới có chuyện 25, 26 tết rồi mà người dân vẫn chưa chuẩn bị sắm tết. Thay vào đó là để dành tiền để đi “ăn” đám. Câu chuyện bi hài này chúng tôi ghi được ở một làng quê ven biển thuộc huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).

Bi hài cưới dịp Tết và tục quot;trả nợ miệngquot; - 1

"Nợ miệng" bao đời nay đã trở thành tập tục ở nhiều nơi (Ảnh minh họa)

Gia chủ được mời không có sẵn tiền trong nhà đành ra chuồng gà bắt lấy con gà nào to nhất, ước lượng cho đủ tiền rồi “cắp nách” ra chợ. Thế là đủ một cái “đám”. Người quê, không lương, không thưởng nhưng họ hào phóng lắm, một cái đám cưới chí ít cũng đi 150.000, người thân cận thì còn nhiều hơn nữa. Cái tháng mà người ta vẫn thường hay gọi là “Năm hết tết đến”, một tháng đâu chỉ 1, 2 cái đám cưới. Nếu cộng tất cả các loại “đám” lại cũng độ đôi chục rồi. Tính sơ sơ cũng bẵng đi vài ba triệu đồng trong 1 tháng.

Rồi hết bó rau, con cá cũng đội nón “đi chợ cùng bà” cho đủ cái “đám”. Ăn không giám ăn, mặc không đủ mặc nhưng không thể bỏ sót đám nào được, không đi người ta giận chết. Người nào có đôi ba chục đồng lương hưu thì còn đỡ, chứ người dân quê chỉ trông vào vài ba sào ruộng thì “chết thật”.

Chị Nguyễn Thị T. than từ tháng 10 lại nay đã đi “đám” hết hơn 7 triệu đồng rồi. Nhưng bí nhất là vào dịp tết đến chưa biết lấy tiền đâu sắm tết thì đúng vào ngày 26 này có cái đám cưới con ông bạn chí cốt, không đi không nỡ. Tình làng nghĩa xóm ấy, cha ông cũng từng bảo “bán anh em xa mua láng giềng gần” nhưng năm thì đã hết, tết thì đã đến mà cứ lo chạy tiền đi “ăn” như vậy thì tội quá.

Cái nợ nào thì có thể trả được chứ cái “nợ miệng” thì đến chết cũng không trả hết. Tết nghèo thì ta vui theo lối của tết nghèo, nghèo tiền nghèo bạc nhưng không nghèo tình nghèo nghĩa. Năm nay sắm cỗ bánh chưng và vài ba cân thịt nhưng tình làng nghĩa xóm vẹn tình.

Vẫn biết cái tình, cái nghĩa là trường tồn, là bản sắc nơi mỗi làng quê. Nhưng những phong tục cưới hay như ngày đám... với cỗ bàn ê chề, thậm chí kéo dài tới hai, ba ngày thì cũng nên sớm được cải tiến.

Theo Phan Dương (Dân Việt)
Nguồn:

Tin liên quan