Bi kịch cựu nam sinh Hà Nội có 3 tấm bằng quốc tế

Ngày 18/06/2017 10:00 AM (GMT+7)

Từng đi du học, mang ba tấm bằng quốc tế về nước xin việc nhưng không được, khiến Bằng trở nên bất mãn và rồi bi kịch cứ thế nối tiếp.

Thỏa nguyện ước mơ

Nguyễn Văn Bằng (SN 1985, ngụ thôn Đoài, xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) là con thứ hai trong gia đình. Bố mẹ chia tay khi Bằng mới chập chững tập đi. Mẹ đưa Bằng về nhà ngoại tá túc. Bố lấy vợ hai rồi cũng không đoái hoài gì đến đứa con bé bỏng. Bằng lớn lên bằng tình thương của mẹ, sự bao bọc của ông bà.

Bi kịch cựu nam sinh Hà Nội có 3 tấm bằng quốc tế - 1

Nguyễn Văn Bằng trước vành móng ngựa

Mẹ con Bằng được ông ngoại cho miếng đất nhỏ góc vườn, dựng tạm căn nhà cấp 4 để ở. Nhưng đến năm 3 tuổi, trong một trận sốt cao, Bằng bị teo mất tay phải. Nhà có hơn 1 sào ruộng, hai mẹ con Bằng nương tựa nhau sống qua ngày. Ở tuổi đi học, biết phận thiệt thòi, Bằng chăm chỉ học hành, bỏ mặc những lời chê cười của đám bạn. Suốt thời gian đi học, Bằng đều đạt danh hiệu khá, giỏi. Nhưng những bằng khen, cậu học trò không khi nào trưng lên. Mẹ hỏi, Bằng chỉ trả lời: “Nhà mình nghèo, giấy khen treo lên cũng chẳng để làm gì”. Một tay bị teo, Bằng không giúp gì được cho mẹ ngoài việc chăm mấy con gà. Tính cách Bằng hiền lành, ngoan ngoãn nên được mọi người yêu mến.

Học hết lớp 11, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, người mẹ khuyên con nên ở nhà phụ giúp bà. Đáp lại, Bằng nói: “Một tay con teo rồi, không làm được ruộng. Mẹ cho con đi học sau này mới có hy vọng đổi đời”. Trước sự khẩn khoản của Bằng, người mẹ đành làm việc gấp bội để có tiền cho con ăn học.

Không phụ lòng mong mỏi của mẹ, Bằng đỗ vào Khoa Quản trị kinh doanh một trường đại học có tiếng ở Thủ đô. Ngày con mang giấy nhập học về, hai mẹ con ôm nhau khóc mừng. Đang học năm thứ hai, Bằng nỗ lực giành được học bổng du học ở nước ngoài. Trước cơ hội ngàn năm có một, có thể thay đổi tương lai, Bằng phân vân lo lắng, bởi nhà nghèo lấy đâu tiền ra nước ngoài học, chi phí ăn ở không hề nhỏ, kinh tế gia đình lại khó khăn.

Trở về nhà với gương mặt buồn rầu, người mẹ gạn hỏi mãi, Bằng mới tâm sự việc giành được học bổng. Ở xã, chưa có ai đạt được thành tích như vậy, nên mẹ Bằng hãnh diện lắm. Bà chấp nhận bán mảnh vườn được gần 200 triệu đồng để con thỏa nguyện ước mơ.

Du học hai năm, Bằng trở về mang theo ba tấm bằng quốc tế. Khắp thôn xóm ai cũng khen mừng cho người mẹ nghèo có con học hành thành tài. Chàng trai háo hức với những kiến thức, tấm bằng có được, cậu tâm sự với mẹ sẽ xin vào một công ty nước ngoài, khi có nhiều tiền sẽ xây nhà cho mẹ. Nhưng mọi việc không “xuôi chèo mát mái” như Bằng nghĩ. Dù đã “rải” rất nhiều hồ sơ, phỏng vấn ở nhiều doanh nghiệp, nhưng nam thanh niên vẫn không nhận được hồi âm.

Bất ngờ phát bệnh

Thời gian chờ việc, nhiều người bàn tán “bằng nước ngoài mà không xin được việc” khiến Bằng chán nản, sống thu mình hơn. Nhiều khi nghe con tâm sự nhà không có tiền khó xin được việc, mẹ Bằng cũng rất chạnh lòng. Một cánh tay của Bằng teo cơ nên người ta chê, người mẹ chỉ biết ôm con khóc động viên.

Sau nửa năm thất nghiệp, tính cách Bằng bỗng trở nên lầm lì, xa cách. Nhiều khi mẹ hỏi nhưng Bằng không trả lời, một lúc sau lại nói “con đang tính toán”. Nhiều lần Bằng bỏ nhà đi lang thang, mẹ Bằng phải bỏ công việc để tìm kiếm. Về đến nhà, Bằng trèo lên nóc, đập phá đồ đạc. Tưởng con bị “ma ám”, mẹ Bằng vay mượn tiền mời “thầy” về cúng bái, nhưng không khỏi. Dỗ dành con uống thuốc, nhưng bà thất vọng khi Bằng vứt đi.

Đầu tháng 6 vừa qua, TANDTP Hà Nội đưa bị cáo Bằng ra xét xử về tội “Giết người”. Mẹ bị cáo nhà ở xa, phải xuống Hà Nội từ chiều hôm trước, buổi tối bà ngủ nhờ trên ghế đá bệnh viện đối diện tòa. Nhắc tới chuyện con trai, bà sụt sùi: “Nhà tôi thuộc hộ nghèo, bao nhiêu đất đai bán hết để con theo đường học hành. Cứ nghĩ rằng, sau này con thành đạt, ai ngờ nên nông nỗi này”. Tại phiên tòa sơ thẩm hôm đó, do có nhiều tình tiết chưa được làm rõ, nên HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa, chưa rõ ngày mở lại.

Bằng luôn phủ nhận việc có bệnh nhưng thường đập phá đồ, đang thắp hương lại rút ra cắm ngược. Không còn cách nào khác, người mẹ đưa con đến bệnh viện tâm thần điều trị. Căn nhà dột nát không có gì giá trị, bà vay tiền hội phụ nữ chữa bệnh cho con. Sáng chủ nhật hàng tuần, người mẹ già đạp chiếc xe cọc cạch đến thăm con nhưng trưa mới tới nơi. Gặp con được hai tiếng ngắn ngủi, bà lại lầm lũi ra về.

Sau hai năm, thấy bệnh thuyên giảm, Bằng nói mẹ xin về đi làm trái ngành một thời gian. Người mẹ sau một hồi phân vân cũng đồng ý, không ngờ sau đó xảy ra bi kịch.

Xuất viện, Bằng xin vào công ty bảo vệ. Nam thanh niên được phân công trực ở siêu thị trên phố Ngọc Khánh, quận Ba Đình từ 20h - 7h sáng hôm sau. Trong ca trực, Bằng thường mang theo con dao gọt trái cây.

Hôm đó, ngày 26/5/2014, Bằng muốn xin nghỉ vì mẹ ốm, nhưng tổ trưởng nói không có người thay thế nên phải làm tiếp. Tâm lý Bằng bồn chồn lo lắng. Đến khoảng 23h45 cùng ngày, Bằng thấy anh Mai An Ninh (SN 1977, ngụ ngõ 36 Ngọc Khánh) ngồi chơi cùng hai người bạn trên dây xích sắt trước cửa siêu thị đung đưa đã hai lần đến nhắc nhở: “Các anh không được ngồi trên dây, đứt dây đấy”.

Anh Ninh đáp: “Đứt dây thì bọn tao đền”. Đi vào trong khoảng 2 phút, Bằng bị anh Ninh chửi và dùng tay phải đấm vào đầu. Né người, Bằng rút dao nhọn ở cạp quần đâm vào bụng đối phương. Thấy đối thủ vẫn lao vào đấm đá, Bằng đâm liên tiếp vào ngực, tay và cổ anh Ninh. Gây án xong, Bằng tới Công an phường Giảng Võ đầu thú. Còn nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Viện Pháp y tâm thần T.Ư sau đó có kết luận, Bằng mắc bệnh tâm thần phân liệt thể Paranoid. Hiện, bệnh ở giai đoạn tái phát, bị can mất khả năng nhận thức điều khiển hành vi. Mẹ Bằng bộc bạch, trong gia đình không ai có tiền sử bệnh lý thần kinh. Còn Bằng có thể vì quá ham học, sau này bất mãn không xin được việc làm, nên căng thẳng đầu óc mà phát bệnh.

Theo Đỗ Quyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An ninh hình sự