Bố bạo hành mẹ, con trai giấu dao dưới gối

Ngày 27/06/2013 16:38 PM (GMT+7)

"Tôi vô tình phát hiện cháu đã để sẵn dao dưới gối để đề phòng bố. Lúc đó tôi mới thật sự giật mình", một phụ nữ bị chồng bạo hành tâm sự.

Thời gian qua tình trạng bạo lực gia đình thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng. Mặc dù, dân trí ngày càng được nâng cao nhưng dưới nhiều mái nhà vẫn có những người phụ nữ cam chịu, chấp nhận nỗi đau đớn về thể xác, dày vò về tinh thần từ phía người chồng mỗi ngày. Không dừng lại ở đó, những hành động bạo lực ấy vô tình tiêm nhiễm vào đầu óc non nớt của con trẻ những suy nghĩ dại dột, thậm chí chúng sẵn sàng bạo lực trở lại với người hành hạ mẹ, nếu không có được sự quan tâm đúng mực của người lớn.

Hội thảo "Gia đình từ góc nhìn Ngôi nhà Bình Yên” diễn ra sáng 27/6 tại Hà Nội đã cho thấy được bức tranh toàn cảnh về tình trạng bạo lực gia đình ở Việt Nam. Ngôi nhà Bình yên được lập ra ngày 8/3/2007 để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em yếu thế thiệt thòi, là nạn nhân của bạo lực gia đình và bị buôn bán trở về. Mô hình này thuộc Trung tâm Phụ nữ và phát Triển nhưng địa chỉ nằm ngoài và được giữ bí mật để đảm bảo an toàn cho nạn nhân.

Bà Lê Phương Thúy – Trưởng phòng Tư vấn và Hỗ trợ phát triển Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho biết: “58% phụ nữ Việt Nam từng trải qua bạo lực. Trong 378 lượt người tạm trú tới Ngôi nhà Bình Yên có 231 phụ nữ, 147 trẻ em, phần lớn là trẻ em theo mẹ, một số trẻ có mẹ kém (do bố bạo hành,bé gái, bị xâm hại tình dục). Có nhiều phụ nữ chịu cảnh bị người chồng bạo lực nhưng hi sinh vì con, hạnh phúc gia đình nên quên đi quyền của mình. Thậm chí có người không dám ly hôn vì chồng dọa nếu ly hôn sẽ giết con. Ngoài ra, nhiều trường hợp bị bạo lực tình dục nhưng vì ngại ngùng nên không dám lên tiếng”.

Trong khuôn khổ hội thảo, 2 số phận từng tạm trú ở Ngôi nhà Bình Yên đã dám đứng lên chia sẻ về hoàn cảnh của bản thân mình. Mỗi người một câu chuyện, phận đời nhưng điểm chung là họ đã có một thời gian dài phải chịu đựng cảnh bị dày vò về thể xác hoặc tinh thần. Nhưng chính Ngôi nhà Bình yên đã giúp những con người đáng thương ấy vượt qua tất cả, sống vững vàng và thoát khỏi được cảnh bị hành hạ như cơm bữa.

Con trai giấu dao dưới gối để đề phòng bố

Câu chuyện của một phụ nữ năm nay gần 40 tuổi sống tại Hà Nội, khiến nhiều người giật mình về sự ảnh hưởng xấu của bạo lực gia đình tới suy nghĩ của con cái. Chị kể từng chịu đựng bạo lực trong vòng 15 năm. Con trai sinh năm 1997 ngày ngày chứng kiến cảnh bố đánh mẹ, chửi bới, bạo lực đã lâm vào tình trạng tổn thương về tâm lý nặng nề với biểu hiện rõ nhất là stress và tình trạng mất ngủ hàng đêm.

Người mẹ ấy chua xót kể lại nỗi đau phát hiện con gái khóc thầm mỗi đêm khi thấy bố đánh mẹ. Cháu chỉ biết rơi nước mắt trong im lặng mà không dám động đậy, vì quá sợ hãi. Chỉ bằng cảm nhận và sự quan sát cẩn thận, chị mới nhận ra con gái đang trải qua nỗi đau về tinh thần, khi chứng kiến cảnh gia đình vang lên tiếng cãi vã, đánh đập.

Chị nói: “Con trai tôi nói mẹ nằm trong, con nằm ngoài bảo vệ mẹ. Nhưng tôi vô tình phát hiện cháu đã để sẵn dao dưới gối để đề phòng bố. Lúc đó tôi mới thật sự giật mình vì bạo lực gia đình đã đẩy cháu vào tình trạng có thể bạo lực lại bố của mình”.

Các đại biểu tham dự hội thảo lặng đi khi nghe và chứng kiến những giọt nước mắt buồn tủi lăn dài trên má của chị. Qua phương tiện thông tin đại chúng, chị biết bản thân đang bị bạo lực gia đình thực sự. Người phụ nữ đáng thương tìm đến một vài nơi để “cầu cứu” nhưng rồi không nhận được sự giúp đỡ nào.

     Bố bạo hành mẹ, con trai giấu dao dưới gối - 1

Theo thông tin từ cuộc hội thảo, 58% phụ nữ Việt Nam từng trải qua bạo lực

Đến năm 2000, chị quyết định ra tòa ly hôn khi mới chỉ có 1 cháu trai. Thế nhưng, cuộc ly hôn cũng không êm đẹp khi phải chịu đựng sự giằng co trong 2 năm. Năm 2002, sau trận đòn chí tử, chồng “tống” chị và con lên taxi đưa về trả bên ngoài.

Và rồi sau tất cả những gì đã trải qua, sức chịu đựng có giới hạn khiến chị quyết định phải ra tòa ly hôn. Thậm chí, trong thời gian chờ đợi tòa án gọi, người phụ nữ đáng thương ấy vẫn phải sống trong cảnh trốn tránh vì sợ người chồng tìm đến. Sau khi thủ tục ly hôn hoàn tất, chị vẫn vẫn chấp nhận trốn tránh do sợ hãi.

Trong thời gian con trai học mẫu giáo, chồng cũ liên tục tìm đến tận trường, chờ đợi lúc chị đón con để van xin quay trở về và hứa hẹn sẽ thay đổi. Thế nhưng, bố mẹ đẻ và anh em trong nhà bên ngoại không đồng ý cho chị nối lại. Tuy nhiên, 1 năm sau ngày ly hôn, người phụ nữ ấy quyết định quay lại với chồng cũ nhưng không đăng ký kết hôn.

Thời gian cuộc sống gia đình êm ấm không kéo dài được bao lâu. Chứng nào tật đó, người chồng vũ phu rượu chè, trai gái... và giáng lên đầu người phụ nữ tội nghiệp những trận đòn oan nghiệt. Không chỉ có 3 mẹ con mà ngay cả những người thân bên ngoại cũng chịu cảnh bị dọa dẫm, phá phách từ người con rể tàn nhẫn. “Chồng tôi mang xăng dọa đốt nhà bố mẹ, ném đất đá, phá phách không cho bố mẹ ngủ”, chị chua chát kể.

Qua thông tin từ một người phụ trách công tác chăm sóc trẻ em địa phương, chị biết đến Ngôi nhà Bình yên. Nhân viên tư vấn giúp chị cảm thấy yên tâm hơn khi chắc chắn sẽ có một mái nhà để có thể thoát khỏi được tình cảnh cơ cực khi sống với chồng tàn ác. Trong thời gian sống tại Ngôi nhà Bình Yên, chị được trang bị kiến thức, kỹ năng sống và dần thay đổi được suy nghĩ bỏ chồng là điều rất ghê gớm. Còn con gái chị được chăm sóc đặc biệt, cháu tham gia lớp học mẫu giáo với sự hỗ trợ tâm lý, học kỹ năng sống và kỹ năng mềm cần thiết.

Trong 3 năm qua, chị vững vàng nuôi và dạy dỗ con từng bước trưởng thành. Giờ đây, các con chị đều là những con ngoan, trò giỏi và thay đổi nhận thức từ thù hận, ghét bỏ bố sang tha thứ và cảm thấy bố là người đáng thương.

Chị bày tỏ suy nghĩ rằng: “Tôi buồn vì nhiều phụ nữ vẫn cam chịu, họ chưa biết đến Ngôi nhà Bình Yên. Tâm nguyện của tôi là bằng chính cá nhân mình giúp đỡ chị em bị bạo lực đứng vững, tự tin chống lại bạo lực”.

Bạo lực gia đình, con trẻ thiệt thòi

Câu chuyện đáng thương của một bé gái 14 tuổi, dân tộc H’Mông đến từ Điện Biên cũng khiến nhiều người không khỏi xót xa. Tuy nhiên, nhà nghèo không đủ ăn nên bé gái không được đi học, ở nhà trông em, nấu cơm, rửa bát, quét nhà, nuôi lợn... Bố uống nhiều rượu, không chỉ lúc say mà lúc không say cũng đánh mẹ.

“Bố đánh mẹ bằng tay bằng chân, tay thì đấm mẹ, chân thì đạp mẹ, có ngày đánh 3-4 lần, bố đánh vào lưng mẹ bầm tím. Nhiều lần mẹ đau quá không đứng dậy được. Nhiều lần mẹ phải bỏ chạy, trốn sang nhà hàng xóm, bố tìm không được thì chửi người ta. Từ đấy hàng xóm không ai đến can nữa. Bố cũng đánh cả các con lúc không vừa ý bất cứ cái gì”, bé gái kể.

Theo lời bé gái đáng thương, bố đánh mẹ vì có một người đàn ông đã có vợ và 2 đứa con thích mẹ. Trong lúc đó, bố cũng có tình cảm với một người con gái chưa chồng và thường đến với cô này từ tối đến nửa đêm mới về. Hạnh phúc tan vỡ khi mẹ bỏ lại 4 đứa em, dẫn bé gái trên cùng sang Hà Giang và lấy một người đàn ông khác làm chồng.

Cháu bé kể lại: “Ở chung với bố mới tại Hà Giang cháu sợ lắm! Đã mấy lần ông ấy bảo cháu ngủ với ông ấy, đẻ cho ông ấy một đứa con gái một đứa con trai nhưng cháu nhất định không đồng ý. Cháu không dám nói cho mẹ biết”.

Một thời gian sau, cháu bé sang Trung Quốc, bà cô em bố đưa tới một nhà có 3 anh em trai và gả cho người thứ 3 hơn 10 tuổi. “Ở nhà này, người ta không cho cháu đi đâu. Anh mà cháu lấy thì suốt ngày ở nhà canh giữ. Cháu ở đó khoảng 2 tuần. Anh này tối nào cũng ép cháu phải quan hệ 3,4 lần nên cháu rất sợ. Có một người cùng quê  nhìn thấy bố mẹ và bà cô đưa cháu sang Trung Quốc nên báo công an, nói là mẹ nó đang đưa đi bán. Công an Việt Nam báo sự việc cho công an Trung Quốc. Sau đó, công an Trung Quốc tìm đến nhà chồng, đưa cháu về”.

Chính các cán bộ ở Hội phụ nữ huyện đã giới thiệu về Ngôi nhà Bình Yên và người mẹ đồng ý cho cô con gái tội nghiệp về xuôi học chữ. Sau biết bao cố gắng, giờ đây cô bé 14 tuổi đã đọc được một số chữ như con bê, con bò, bó cỏ... được đi khám sức khỏe, đi chơi công viên Thủ Lệ, chơi cầu lông, đá cầu, học nhặt rau, gọt khoai tây, vo gạo, nấu cơm....

Cô bé đáng thương bày tỏ: “Cháu mong muốn được học chữ để biết đọc biết viết, sáu đó được học nghề để có việc làm như các chị ở Nhà Bình Yên để tự nuôi bản thân”.

Anh Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bạo hành gia đình