Bố mẹ không nhà, con ung thư xương giai đoạn 2

Ngày 30/06/2016 09:02 AM (GMT+7)

Lấy chồng được 13 năm, chị Vinh không mảnh đất cắm dùi, không có một thửa ruộng để canh tác nhưng hiện gia đình chị lại đang phải chạy vạy từng đồng để chữa căn bệnh ung thư xương cho con gái.

Gẫy chân mới biết con bị ung thư

Chúng tôi tìm về gia đình chị Nguyễn Thị Vinh đang ở nhờ tại tổ 30, phường Quang Trung, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Quanh khu vực này, không ai không biết gia cảnh khốn khó của gia đình chị Vinh cùng cô con gái Nguyễn Thị Hằng, học sinh lớp 7A, Trường THCS Trần Quốc Toản đang phải giành giật sự sống từ căn bệnh ung thư xương giai đoạn 2.

Nhớ lại chuyện khi phát hiện con gái bị bệnh, chị Nguyễn Thị Vinh kể: “Hôm đó vào ngày 23 tháng Chạp (gần Tết năm 2016), sau giờ ra chơi, cháu Hằng và một số bạn cùng lớp nô đùa, không may chân trái của cháu bị gãy. Hằng được nhà trường đưa vào Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển ở Uông Bí bó bột. Tuy nhiên, do gia đình bận công việc cuối năm nên không để ý mà cứ yên tâm sau bó bột chân cháu sẽ khỏi.

Sau đó, chân được bó bột có biểu hiện bất thường: Đau, nhức và bắt đầu sưng tấy. Dần dần, vết sưng từ chỗ gãy càng to và đỏ. Khi ăn Tết xong, gia đình đã đưa Hằng lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) khám, các bác sĩ ở đây kết luận cháu bị ung thư xương giai đoạn 2. Sau đó cháu được chuyển sang Bệnh viện K cơ sở 3 điều trị”.

Khi biết con mình bị bệnh, cả gia đình chị Vinh như chết lặng. Bao nhiêu tiền gom góp mà hai vợ chồng có được bấy lâu chỉ đủ cho con nằm viện đợt đầu.Giọng buồn rầu, anh Nguyễn Văn Thắng (46 tuổi, bố cháu Hằng) tâm sự: “Từ nhỏ đến giờ, cháu Hằng chỉ bị ốm qua loa, chứ không bị bệnh nặng thế này bao giờ. Khi bác sĩ cho gia đình biết, căn bệnh của cháu phải điều trị dài ngày rất tốn kém, nguy cơ phải cưa chân hoặc tháo khớp để tránh hoại tử, chúng tôi đau xót quá. Nhưng cháu phải truyền hóa chất để duy trì sự sống. Đến hôm nay, cháu truyền được 4 đợt, mỗi đợt cách nhau khoảng 10 ngày và tốn hàng trăm triệu đồng rồi”.

Bố mẹ không nhà, con ung thư xương giai đoạn 2 - 1

Em Nguyễn Thị Hằng ước mơ được cắp sách tới trường. Ảnh: Đức Tùy

Tiếp lời chồng, chị Vinh cho biết: “Sau khi truyền hóa chất, tóc cháu rụng nhiều, sụt cân, cơ thể gầy guộc, xanh xao cháu không ăn được cơm, một ngày chỉ ăn được vài thìa cháo. Cả đêm cháu kêu đau, không ngủ được. Chân trái của cháu ngày càng sưng tấy phù nề không đi lại được, phải có người chăm sóc. Cũng từ khi cháu Hằng bị ngã gẫy chân đến nay, gia đình đã phải làm đơn xin bảo lưu kết quả học tập của cháu. Nhiều lúc cháu thèm đi học, lấy giấy vở ra lại gấp vào. Nhìn thấy vậy, vợ chồng tôi lại khóc”.

Nhà ở nhờ, ruộng đi mướn

Ngồi trong căn nhà cấp bốn nóng bức của buổi chiều nhá nhem tối, anh Thắng tâm sự: “Bình thường gia đình tôi đã khó khăn rồi, bây giờ con mắc bệnh trọng nên cũng không biết lấy tiền đâu để cho con đi viện. Gia cảnh hai bên nội ngoại cũng không lấy gì khá giả. Anh em thì đông, ai cũng nghèo khó. Mỗi lần cho con đi bệnh viện là hai vợ chồng phải chạy ngược xuôi mượn tiền. Nếu như gia đình tôi có sổ đỏ sẽ mang thế chấp ngân hàng, nhưng đây là nhà ở nhờ”.

Theo tìm hiểu của PV, anh Thắng là con thứ 6 trong gia đình có 7 anh chị em. Do cuộc sống khốn khó, muốn đỡ đần bố mẹ già yếu, sau khi học xong THCS, anh nghỉ học đi làm thuê. Năm 1991, anh Thắng viết đơn tình nguyện nhập ngũ, đóng quân tại Tiên Yên, Bình Liêu thuộc đơn vị bộ binh. Hoàn thành nghĩa vụ trở về, anh tiếp tục đi làm thợ xây để mong có chút ít vốn liếng khi xây dựng gia đình.

Bố mẹ không nhà, con ung thư xương giai đoạn 2 - 2

Gia đình chị Vinh không biết lấy tiền đâu để điều trị bệnh ung thư xương cho con gái.

Gia đình chị Vinh cũng có hoàn cảnh khó khăn như bên chồng. Chị cũng là con thứ trong gia đình 6 chị em. Lúc nhỏ, chị thường đi vào các vỉa than để làm thuê kiếm tiền đỡ đần bố mẹ. Thấu hiểu được sự hoàn cảnh của nhau, tháng 1/2002, anh Thắng và chị Vinh quyết định làm đám cưới. Cuối năm ấy cháu Hằng chào đời như tiếp thêm động lực cho vợ chồng nghèo hăng say lao động để mong sau này, con cái bớt khổ, có cuộc sống an nhàn hơn.

Nhìn đứa cháu tội nghiệp đang bị bệnh tật hành hạ từng ngày, chị Nguyễn Thị Bình (bác ruột cháu Hằng) cho hay: Do gia đình đông anh em, bố mẹ già yếu mà bản thân lại không có nghề nghiệp, nên vợ chồng em gái tôi phải đi ở nhờ nhà chị chồng từ lúc về làm dâu, thuê 2 sào ruộng để trồng rau bán. Nếu như nhà có kinh tế thì cháu Hằng không phải khổ thế này. Chúng tôi là người thân, nhưng ai cũng khó khăn, không giúp được gì nhiều. Nhìn cháu héo mòn từng ngày, chúng tôi không sao cầm được nước mắt.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Phạm Văn Trung (tổ trưởng Tổ dân phố nơi vợ chồng chị Hằng ở) cho biết: Từ lúc cháu Hằng bị bệnh đến nay, cuộc sống của gia đình càng khốn khó, trong khi anh em họ hàng cũng không ai khá giả để giúp đỡ. Nếu không có được sự ủng hộ để giúp cháu Hằng chữa bệnh, tôi e gia đình chị Vinh sẽ kiệt sức.

“Biết tin cháu Hằng bị bệnh, tổ dân phố, khu dân cư và Trường Tiểu học Trần Quốc Toản đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà. Nhưng với số tiền ủng hộ ít ỏi đó vẫn chưa thấm vào đâu trong lộ trình điều trị bệnh tốn kém của cháu Hằng. Tôi những mong, các nhà hảo tâm dang rộng vòng tay giúp đỡ gia đình chị Vinh để cháu Hằng tiếp tục có cơ hội duy trì sự sống và thực hiện ước mơ được cắp sách tới trường”.

Ông Phạm Văn Trung (Tổ trưởng tổ 30, Khu 8, phường Quang Trung, TP Uông Bí)

Theo Đức Tùy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h