Bộ Y tế hướng dẫn cách bảo vệ trẻ trong thời tiết lạnh giá

Ngày 24/01/2016 10:53 AM (GMT+7)

Với thời tiết lạnh giá như hiện nay, nên hạn chế đưa trẻ ra ngoài và cần phải giữ ấm cho trẻ đúng cách để trẻ không mắc bệnh.

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) vừa cho biết, trong thời điểm cận Tết Nguyên đán và thời tiết rét đậm, rét hại như hiện nay thường tạo ra sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm… gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt đối với những người sức khỏe yếu, sức đề kháng giảm hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh.

Đồng thời đây cũng là điều kiện môi trường thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) phát triển và lây lan như bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi), cảm, cúm, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu…

Trong dịp lễ, Tết, nhu cầu giao lưu, đi lại và tập trung đông người là cơ hội cho dịch bệnh có thể bùng phát và lây lan nhanh trong cộng đồng, vì vậy, mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh trong dịp tết.

Để phòng chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là thời điểm rét đậm, rét hại như hiện nay, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng, không để trẻ bị trì hoãn vì như vậy làm mất cơ hội tiêm chủng vắc xin phòng bệnh cho trẻ.

Bộ Y tế hướng dẫn cách bảo vệ trẻ trong thời tiết lạnh giá - 1

(Ảnh minh họa)

Trẻ không được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đúng lịch sẽ có khoảng trống thời gian nguy cơ cao mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do không có miễn dịch bảo vệ như bệnh ho gà, sởi, bạch hầu, lao, viêm gan B, viêm não Nhật Bản …

Đặc biệt, khi đưa trẻ đi tiêm chủng, trẻ phải được giữ ấm đúng cách, đi tất đảm bảo chân, tay trẻ đủ ấm, không để trẻ bị gió lùa. Trong trường hợp trời mưa phải đảm bảo trẻ không bị thấm nước mưa nhưng cũng không đùm trẻ quá kín bằng áo mưa, vải nilon dẫn đến không thoát được mồ hôi hoặc thiếu khí thở, đây là nguyên nhân trẻ dễ bị ngạt hoặc viêm phổi.

Đối với trẻ nhỏ rất dễ bị viêm đường hô hấp, dẫn đến viêm phế quản phổi, nguyên nhân do vi rút hoặc vi khuẩn, đây là bệnh rất nguy hiểm dễ dẫn đến biến chứng nặng và gây tử vong.

Ngoai ra, đối với các trẻ không đi tiêm chủng cần phải ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.

Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế đến những chỗ đông người.

Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm/sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm.

Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự