'Buôn thần, bán thánh' hoành hành tại chùa Keo

Ngày 20/02/2014 08:33 AM (GMT+7)

Phớt lờ quy định, năm nay lễ hội chùa Keo vẫn rầm rộ nhiều hoạt động như xem bói, xem quẻ, rút thẻ, viết sớ và ăn xin dưới mọi hình thức, "moi tiền" du khách ngay từ cổng ra vào chùa đến tận khu vực phủ mẫu...

5 bước chân, 1 bàn viết sớ và xem tay

Vừa xuống xe, chúng tôi đã bị níu kéo và mời chào ngay từ cổng vào và tình trạng này kéo dài cho đến tận cửa chính chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Cứ trung bình khoảng 5 bước chân thì gặp một bàn treo biển viết sớ cúng lễ. Nghe lời mời chào viết sớ hết 10.000 đồng, sau khi đi qua 2 bàn từ cổng vào, ông bạn cầm tay tôi kéo vào một bàn có ghi tổng hợp "Chuyên viết sớ cúng lễ + giải thẻ + xem tay + xem tướng" mà rỉ tai tôi rằng "vào đây xem cái  quẻ đầu năm xem sao...?

Buôn thần, bán thánh hoành hành tại chùa Keo - 1

Khi thầy bói đang bận ăn cơm, bà chủ quán phi tiêu ở bàn bên đon đả mời chúng tôi đến thử phi tiêu lấy lộc đầu năm. Nhưng cô bạn đi cùng tôi không muốn thử vận may đó mà nhất quyết chỉ xem bói.

Khi thầy bói về bàn, vừa ngồi xuống, thầy cầm ngay cây bút, không để chúng tôi kịp nói điều gì, ông này hỏi liền một mạch, vừa hỏi vừa ghi: Họ tên? tuổi? họ tên bố? họ tên mẹ? họ tên anh, chị, em? và vợ con?... Thầy bói ghi câu trả lời của chúng tôi vào 3 miếng giấy màu vàng, cho vào 3 phong bao cũng màu vàng.

Quay vào nhà trong bê ra một mâm nhựa, bên trên có 1 bó hoa, 1 gói bánh, 1 bó hương, 1 chai nước lọc và 1 lô tiền vàng mã, rồi "thầy" đưa cho một người đàn ông trạc 40 tuổi bê vào chùa dù chúng tôi chẳng đặt mua. Rồi "thầy" bảo chúng tôi đứng lên vào chùa làm lễ cùng một thầy cúng vì ông chỉ là người viết sớ...

Buôn thần, bán thánh hoành hành tại chùa Keo - 2

Sau khi bước vào chùa, người thầy cúng bắt đầu bê ra 3 mâm nhựa, với lễ vật như nhau được đặt ở 3 nơi, ông thầy cúng bảo thắp hương rồi lạy 3 lạy và đứng nghe ông khấn một tràng dài. Cứ thế chưa đầy 20 phút đã qua 3 cửa đền, ra ngoài hóa sớ, lễ vật.

Đưa mâm lễ đến vị trí hóa vàng, thì có một người đàn ông cầm que củi ra đảo lửa và xin lộc "cho ông ít tiền để ông chăm lửa được tốt hơn". Thầy cúng lúc này cũng đòi tiền "con cho ông xin tiền cúng".Bạn tôi hỏi tiền cúng hết nhiều không, thầy cúng trả lời "cũng tùy thôi con ạ! thường thì cứ 50.000 đồng- 100.000 đồng/lần/người...?!".10.000 đồng/quẻ bói.

Sau màn ghi sớ làm lễ, chúng tôi vào trong khu vực phủ mẫu để chiêm ngưỡng không gian đẹp của ngôi chùa cổ với kiến trúc bằng gỗ lim. Vừa bước chân vào khu vực cho chữ của các thầy đồ thì gặp ngay ông cụ tóc đã điểm bạc hỏi xin lộc "con cho ông xin lấy 100.000 tiền lộc, ông năm nay đã 80 tuổi rồi...!". Vừa nói, cụ ông này vừa chìa ngay tấm ảnh có chụp cảnh chùa ra, thấy thế cô bạn tôi mừng tuổi ông cụ 10.000 đồng và không quên nói lời chúc thọ cụ, cụ tỏ vẻ không hài lòng nhận tiền xong quay ngoắt đi.

Buôn thần, bán thánh hoành hành tại chùa Keo - 3

Đi qua một vòng, chúng tôi gặp cặp vợ chồng trẻ đặt quẻ xem bói, nhưng muốn có kết quả khách quan hơn bèn chia nhau ra mỗi người ngồi với một "thầy". Hai người phụ nữ trung tuổi ngồi cạnh nhau để xem tay cho hai vợ chồng đang muốn biết mình sinh con trai hay con gái đầu lòng. Sau khi phán năm nay sẽ sinh con gái, "thầy" không quên nhắc vợ chồng người này hãy quay lại đáp lễ "thầy" nếu đúng.

Hai vợ chồng vâng dạ rồi đứng lên đáp lễ mỗi người 10.000 đồng.Bạn Nguyễn Văn Hải (một du khách người Nam Định) bức xúc: "Tôi đến chùa đầu năm, cũng chỉ muốn cầu mong sự bình an, thanh thản và sự vui vẻ cho cả 1 năm, nhưng sau khi bước chân đến chùa Keo, tôi mới thấy thật thất vọng với nhiều loại hình hoạt động như bói toán, người hành khất, những trò chơi vô bổ mang tính sát phạt nhau chỉ biết nhằm vào túi tiền của du khách. Cứ cái đà này không biết rồi nơi cửa chùa Keo sẽ biến thành cái gì nữa...". 

Lễ hội chùa Keo xã Duy Nhất (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), với tục thờ thiền sư Dương Không Lộ, theo xuân thu nhị kỳ đã có sức cuốn hút mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp cư dân trong vùng. Hàng năm, lễ hội được tổ chức vào hai kỳ: Hội xuân được tổ chức từ ngày mùng 4 Tết Nguyên Đán, Hội thu được tổ chức vào các ngày 13-14-15 tháng 9.

Hội vui xuân chùa Keo xưa, ngoài lễ Phật là các cuộc đua tài giải trí gắn với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp, trong đó, đáng chú ý là ba trò thi: Bắt vịt, nấu cơm và ném pháo. Các lễ thức trong 3 ngày hội tháng 9 của chùa Keo vừa mang tính lễ hội nông nghiệp, đua tài giải trí, vừa mang tính chất của một lễ hội lịch sử mà cả xâu chuỗi các hành động. Hội là một bản diễn xướng lịch sử về hành trạng của Quốc sư Dương Khổng Lộ, trong đó những sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian hòa quyện vào các nghi thức tôn giáo.

Theo Hoàng Giáp (Đời sống & Pháp luật)
Nguồn:

Tin liên quan