Buốt lòng bà mẹ trẻ có hai con tự kỷ

Ngày 23/04/2015 09:32 AM (GMT+7)

“Nhìn lên trời chim bay có cặp/ Ngó xuống nước cá lội đủ đôi/ Rưng rưng nghĩ lại thân tôi/ Nuôi con khuyết tật lẻ loi một mình”. Những câu thơ là tiếng khóc thầm của một phụ nữ nhiều bất hạnh. Hôn nhân đổ vỡ, chồng cũ gặp tai nạn qua đời, mình chị vật lộn với hai đứa con tự kỷ bẩm sinh.

Con tự kỷ, chồng có con với người phụ nữ khác

Nhắc đến hoàn cảnh éo le của mẹ con chị Lan Anh (Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội), người thân và hàng xóm xung quanh ai cũng thương cảm. Một phụ nữ có tài, có sắc nhưng lại gặp nhiều trắc trở. Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, năm 1992, chị lập gia đình và một năm sau đó sinh đứa con đầu lòng. Đến gần 3 tuổi, con trai chị vẫn không biết nói và có nhiều hành động lạ so với những đứa trẻ bình thường. Đi khám, nhận kết quả từ bệnh viện, vợ chồng chị như không tin vào mắt mình vì con trai mắchội chứng tự kỷ. Gia đình vốn không dư dả gì, lại phải dồn tiền đưa con đi khám hết chỗ nọ, chỗ kia nhưng cháu vẫn không có nhiều tiến bộ. “Nhìn con bụ bẫm, đáng yêu, tôi không bao giờ nghĩ con lại bị tự kỷ. Thương con nhưng không biết phải làm sao. Chỉ biết trách ông trời nỡ bất công với tôi”, chị ngậm ngùi.

Gia đình chị dồn hết hy vọng vào đứa con trai thứ hai chào đời sau đó 7 năm. Tuy nhiên, thế giới như sụp đổ trước mắt chị khi vừa sinh con chưa được bao lâu cũng là lúc chồng chị “dẫn về” một người phụ nữ và tuyên bố cô ấy đang có thai và sẽ cưới cô ấy làm vợ. Cuộc sống sau đó là chuỗi ngày chìm trong nước mắt đối với người phụ nữ bất hạnh này.

Quyết định ly hôn trong tủi nhục, ôm đứa con chưa đầy một tuổi về nhà ngoại trong nước mắt, nghĩ rằng hai mẹ con sẽ dựa vào nhau mà sống tiếp, có mẹ có con cũng an ủi được phần nào. Thế nhưng, số phận một lần nữa không mỉm cười với chị. Niềm hy vọng cuối cùng vụt tắt khi một lần nữa nhận kết quả từ bệnh viện, con trai thứ hai của chị cũng mắc chứng tự kỷ như đứa con đầu. Xin nghỉ làm, một mình ôm con đi chữa trị khắp nơi, hết bệnh viện, trung tâm đến tư nhân nhưng con chị vẫn không giao tiếp được bình thường, cả ngày chỉ thu mình một góc. Thất vọng, chán chường, suốt nhiều đêm liền chị ngồi khóc một mình, đã có lúc nghĩ quẩn muốn kết thúc cuộc đời nhưng vì thương con, chị phải nuốt nước mắt vào trong, gắng gượng tiếp tục cuộc sống.

Buốt lòng bà mẹ trẻ có hai con tự kỷ - 1

Hai anh em quấn quýt nhau trong lần chị Lan Anh đón cháu lớn về chơi với gia đình. Ảnh: Mai Nguyễn

Khi vết thương chưa lành, nỗi đau chưa nguôi, tin người chồng cũ qua đời trong một tai nạn như sét đánh ngang tai mẹ con chị. Chị đã khóc, khóc thương cho phận mình, cho người chồng quá cố và khóc cho cả đứa con trai lớn phải ở với người vợ hai của chồng.

Nỗi dằn vặt canh cánh trong lòng

Nhắc đến đứa con lớn, chị ứa nước mắt: “Ngày vợ chồng mới ly hôn, tôi hay về thăm con. Mỗi lần như thế, con hay khóc theo mẹ, lòng tôi đau như cắt, thương con mà không biết phải làm sao”. Không lâu sau ngày chồng cũ ra đi, nhà nội gửi cháu lên một trung tâm chăm sóc trẻ ở ngoại thành. “Tôi còn nhớ mãi cái ngày đầu tiên đến trung tâm thăm con, nhìn mặt mũi con lấm lem, quần áo xộc xệch, thân hình chỉ còn da bọc xương, tôi khóc cạn nước mắt”, chị nghẹn ngào. Chị khóc suốt dọc đường về, đến bữa, bưng bát cơm lên, nước mắt lại chảy ra vì nghĩ thương con: Sinh ra đã kém may mắn, không được bình thường như những đứa trẻ khác, giờ lại phải sống xa gia đình, không được quan tâm, chăm sóc chu đáo.

Bỏ ngoài tai lời can ngăn của gia đình nhà ngoại, chị quyết định đón con lớn về sống chung với chị và đứa thứ hai. Ba mẹ con chị thuê một căn nhà giá rẻ cách xa nhà ngoại. Tưởng chừng như có thể đoàn tụ với hai con, thế nhưng cuộc sống không hề dễ dàng như chị nghĩ. Đứa con lớn thường xuyên kêu khóc, cháu khóc cả đêm không chịu nín. Chị càng dỗ, cháu càng khóc to hơn. Có lúc cháu còn phá đồ đạc trong nhà. Căn phòng nhỏ luôn trong tình trạng bữa bãi và lộn xộn. Vài hôm liền, hàng xóm xung quanh phải sang “góp ý”. Áp lực nhiều phía, một thời gian sau chị đành gạt nước mắt đưa con lớn trở về trung tâm. “Phải đưa con quay lại trung tâm, lòng tôi đau như cắt vì nghĩ mình bất lực, sinh ra con mà không chăm sóc nổi cho con. Nỗi dằn vặt ấy cứ đeo đẳng mãi đến sau này”, chị rơm rớm nước mắt.

Hy sinh cả hạnh phúc riêng để chăm con

Con trai thứ hai của chị Lan Anh năm nay 15 tuổi. 15 năm mẹ con chị nương tựa nhau sống qua ngày. Ngày còn nhỏ, cháu hay bị bệnh đường ruột, thường xuyên bị đi ngoài, nôn trớ, nhiều đêm chị phải thức trắng để lo cho con. Cháu phát triển về thể chất nhưng nhận thức rất chậm. Có lần hai mẹ con đi chơi, nhân lúc chị sơ ý, cháu cắm đầu chạy về phía trước suýt nữa bị ôtô quệt phải. Sau lần hú vía đó, chị cũng hạn chế cho con đến những nơi đông xe cộ qua lại. Thế nhưng, cũng chẳng yên. Có lần để cháu ở nhà một mình, khi về nhà thấy con đang ngồi co ro trên đống kính vỡ, nước từ nhà tắm chảy lênh láng khắp sàn nhà, dây nối với điều hòa đứt làm đôi. “Mở cửa ra, thấy cảnh tượng như thế tôi hoảng quá, ôm con vào lòng mà khóc và tự hứa lần sau không dám để con ở nhà một mình nữa. Con có mệnh hệ gì thì tôi ân hận cả đời”, chị ngậm ngùi kể lại.

Mọi người thì mong chờ các dịp lễ, Tết để quây quần bên gia đình hoặc đi đây đi đó nghỉ ngơi nhưng với mẹ con chị Lan Anh thì ngược lại. “Nhiều lúc nghĩ tủi lắm, cũng muốn đưa con đi chơi nhưng cháu hay nghịch, lại có thói quen hay cướp và phá đồ của người khác. Nhiều khi, sang nhà hàng xóm chơi, thấy con nhà họ đang ăn cái gì là cháu xông vào cướp ngay. Ái ngại nhất là lần cháu nghịch làm vỡ gương xe máy của một nhà họ hàng vào đúng hôm mùng 1 Tết. Người hiểu thì thông cảm, người không hiểu họ nói những câu khó nghe lắm”, chị Lan Anh tâm sự.

“Nhiều khi buồn cũng muốn có người tâm sự nhưng con lại không thể nói được, không gọi mẹ được và không hiểu hết được những gì tôi nói. Nghĩ cực lắm. Thấy vậy, một số bạn bè thương cảm có “gợi ý” cho tôi việc tìm một bến đỗ mới nhưng tôi từ chối. Giờ tôi chỉ mong các con luôn khỏe mạnh, nghe lời, như vậy là tôi mãn nguyện lắm rồi”, chị chia sẻ.

“… Tôi nức nở khóc cho phận mình, ảnh anh ở đây nhưng người thì đi mãi. Hai con khi dẫn ra nhìn mặt bố lần cuối, con thấy đông người, sợ và khóc thét, khuôn mặt ngây ngô đâu biết bố đã đi mãi, không bao giờ về với chúng nữa. Con ơi, thế là hết một đời người, người chết là hết, khổ cho người sống... Tôi sợ một lúc nào đó sức khỏe của tôi yếu đi, rồi một lúc nào đó tôi sẽ về với cát bụi, hai con sẽ ra sao?”.

(Trích những dòng tâm sự chị Lan Anh viết sau khi người chồng cũ qua đời)

Theo Mai Nguyễn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot