Các bệnh viện đã sẵn sàng trực cấp cứu dịp Tết Nguyên đán

Ngày 07/02/2016 07:09 AM (GMT+7)

Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả các bệnh viện đã hoàn thành kế hoạch trực tết, nhằm đảm bảo tốt nhất việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại các bệnh viện lớn lãnh đạo bệnh viện không chỉ thực hiện việc sắp xếp lịch trực cho từng bộ phận mà còn chỉ đạo chăm lo cho các bệnh nhân đón tết ngay tại bệnh viện. Mục đích của việc làm này là giúp cho các bệnh nhân không cảm thấy “cô đơn” và tủi thân khi đang phải chống chọi với bệnh tật.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, PGS. TS. Trần Minh Điển (Phó Giám đốc BV Nhi TW) cho biết, dự kiến trong đợt nghỉ Tết năm nay bệnh viện sẽ có gần 1.000 bệnh nhi đón Tết Nguyên đán tại bệnh viện, đây đều là những bệnh nhân nặng không thể cho điều trị ngoại trú. Bởi vậy, vì vậy ngoài công tác đảm bảo chữa trị cho các bệnh nhân đang điều trị tại BV, công tác trực cấp cứu cũng luôn sẵn sàng 24/24 giờ.

Về việc chăm lo đời sống tinh thần cho các bệnh nhi, Ths. Dương Thị Minh Thu, (Trưởng phòng Phòng Công tác xã hội, BV Nhi Trung ương) cho biết, bệnh viện đã lên kế hoạch chuẩn bị phục vụ ngày 3 bữa ăn miễn phí cho hơn 1.000 bệnh nhân ở lại điều trị trong 4 ngày Tết theo dự kiến.

Để hoàn thành kế hoạch này, có rất nhiều nhà hảo tâm đã và đang tiếp cận giúp đỡ hỗ trợ. Theo Trưởng phòng Thu, BV đang phấn đấu và tranh thủ thêm sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để lo ăn miễn phí cho mỗi bệnh nhân một người nhà đi theo chăm sóc, tức lo thêm cho chừng ấy người nữa ăn Tết.

Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, TS Dương Đức Hùng – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp cho biết: “Chúng tôi đang chuẩn bị quà Tết và những bữa ăn Tết cho bệnh nhân cũng có đủ thứ hương vị ngày Tết như ở nhà họ, để làm sao cho họ đỡ cảm giác phải nằm viện”.

Các bệnh viện đã sẵn sàng trực cấp cứu dịp Tết Nguyên đán - 1

Bác sĩ khoa Cấp cứu (BV Việt Đức) đang điều trị cho một bệnh nhân bị tai nạn.

Ngoài ra, TS Hùng cho biết, trong thời gian này bệnh viện có thể gia tăng các ca cấp cứu nên bệnh viện tổ chức 4 khu vực khám cấp cứu tại khoa khám bệnh, đón mỗi ngày từ 3-4 nghìn người đến khám để bệnh nhân không phải chờ đợi. Ngoài ra, BV còn chuẩn bị 4 đội cấp cứu lưu động với những va li cấp cứu để có thể tạo mọi điều kiện sẵn sàng cho họ lên đường ngay khi có lệnh.

Còn tại Bệnh viện Việt Đức, nơi được coi là “điểm nóng” về các ca cấp cứu do tai nạn giao thông trong các đợt nghỉ dài ngày cũng đã sẵn sàng “trực chiến” trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán. Theo PGS.TS Trần Bình Giang (PGĐ Bệnh viện) cho biết, trong đợt nghỉ bệnh viện tăng cường bác sĩ cấp cứu tại các khoa, phòng. Ngoài ra, bệnh viện cũng đã có kế hoạch điều động lực lượng bác sĩ, điều dưỡng ứng trực 24/24h.

Còn tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, PGS.TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương bệnh viện đã xây dựng và triển khai kế hoạch trực tết tại Bệnh viện, trong đó đã thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống dịch của Bệnh viện; thành lập 03 đội cấp cứu Phòng, chống dịch ngoại viện, sẵn sàng tham gia các đoàn công tác phòng chống dịch của Bộ Y tế tại các địa phương khi có hỗ trợ điều động.

Theo PGS Kính, các dịch bệnh truyền nhiễm luôn diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong dịp tết nguyên đán do đó bệnh viện đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch, can thiệp kịp thời hiệu quả khi có dịch xảy ra.

Bên cạnh đó chuẩn bị các nguồn lực đảm bảo triển khai các hoạt động chuyên môn, phân công đảm bảo chế động thường trực lãnh đạo; chuẩn bị dự phòng cơ số thuốc, hóa chất, vật tư phục vụ công tác khám chữa bệnh. Ngoài ra trong dịp tết bệnh viện đẩy mạnh và tăng cường công tác truyền thông tới người nhà bệnh nhân, nhằm nâng cao hiểu biết của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân về dịch, đường lây truyền bệnh, cách phòng chống dưới nhiều hình thức đặc biệt là những bệnh có liên quan tới An toàn thực phẩm...

Yêu cầu của Bộ Y tế đối với các cơ sở y tế trực thuộc trong dịp Tết Bính thân 2016:

1. Có kế hoạch đảm bảo công tác điều trị, phục vụ người bệnh và an ninh trật tự trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Trực theo 4 cấp: trực lãnh đạo, trực chuyên môn, xử lý thông tin Đường dây nóng; trực hành chính – hậu cần và trực bảo vệ – tự vệ. Danh sách cán bộ trực phải được niêm yết tại các khoa, phòng. Xây dựng kế hoạch về phòng chống cháy nổ, thảm hoạ, tai nạn hàng loạt; phòng chống rét cho người bệnh; hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, tham vấn về chuyên môn khi cần thiết.

2. Chủ động đối phó với dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra: Có phương án thường trực, dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hoá chất, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác thu dung, cấp cứu điều trị, cách ly người bệnh theo đúng các hướng dẫn hiện hành về phòng chống dịch.

3. Tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh: Dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh. Bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác.

4. Tổ chức thăm hỏi và đón Tết cho người bệnh còn điều trị tại bệnh viện trong dịp Tết, đặc biệt chú ý người bệnh nghèo, người bệnh thuộc đối tượng chính sách. Đặc biệt chú ý nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, giao tiếp, ứng xử ân cần, hoà nhã. Thực hiện đúng các quy định liên quan và các quy trình chuyên môn kỹ thuật.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan