Cam 12.000 đồng/kg không hẳn là cam Trung Quốc

Ngày 11/10/2014 00:00 AM (GMT+7)

Loại cam xanh đang bán tràn lan ở các tuyến đường và vỉa hè Hà Nội với giá 12.000 – 15.000 đồng/kg không hẳn là cam Trung Quốc mà có thể là quýt Ôn Châu của Việt Nam.

Người tiêu dùng có thể phân biệt để lựa chọn quýt Ôn Châu an toàn bằng cách dựa vào thời gian bảo quản và các đặc điểm về vỏ, cuống và lá.   

Giá rẻ không hẳn là của Trung Quốc

Khoảng hơn một tháng trở lại đây, trên nhiều tuyến đường và vỉa hè Hà Nội cũng như ở hầu hết các chợ dân sinh có bán hàng cam canh xanh với giá rất rẻ, chỉ từ 12.000 đồng/kg – 15.000 đồng/kg. Chính vì giá rẻ, lại được bày bán tràn lan nên dư luận cho rằng đây là cam Trung Quốc trong khi người bán thì khẳng định là cam Hà Giang.

Loại cam này vỏ mỏng, màu xanh, có cả cuống, lá đầy đủ, nhiều khi còn nguyên cả cành 5 – 7 quả. Ruột quả màu vàng, không có hạt, khi ăn vị hơi rôn rốt chua. Trên thị trường, loại cam này xuất hiện nhiều khoảng 2 – 3 năm trở lại đây.

Tại chợ Nguyễn Phúc Lai, Đống Đa, Hà Nội, cam này thường được bán từng mẹt hay từng xe chở hai sọt, giá khoảng 15.000 đồng/kg. Do giá rẻ hơn rất nhiều loại hoa quả khác, lại có thể ăn hoặc vắt nước được nên lượng tiêu thụ khá nhanh.

Chị Nguyễn Thị Ninh, tiểu thương tại chợ này cho hay, mỗi ngày chị bán được khoảng 2 sọt, đầu buổi chợ thì bán 15.000 đồng/kg, cuối buổi còn ít thì bán 12.000 đồng/kg. Theo chị Ninh, giá rẻ nên bán dễ, mỗi người thường mua từ 2 – 3kg một lần.

Tại đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài (Cầu Giấy, Hà Nội), loại cam này được bày bán rất nhiều. Chỉ một đoạn đường khoảng 50m có khoảng hơn chục xe bán cam lưu động. Giá dao động từ 12.000 đồng/kg – 15.000 đồng/kg.

Khi được hỏi có phải cam Trung Quốc không, sao giá rẻ thế, tất cả người bán vì để bán được hàng, đều khẳng định là cam Hà Giang, giá rẻ vì đang vào mùa!

Tuy nhiên, cam Hà Giang màu vàng và hiện giờ vẫn non, chưa được thu hoạch. Mùa vụ của cam Hà Giang vào khoảng tháng 12 hàng năm. Do đó, thông tin của phía người bán cho rằng, loại cam xanh trên là cam Hà Giang là hoàn toàn không có căn cứ.

Cam 12.000 đồng/kg không hẳn là cam Trung Quốc - 1

Quýt xanh được bày bán rất nhiều tại Hà Nội (Ảnh: Khampha.vn)

Cam 12.000 đồng/kg không hẳn là cam Trung Quốc - 2

Giá chỉ từ 12.000 đồng/kg - 15.000 đồng/kg

Việt Nam và Trung Quốc đều có

Tìm hiểu nguồn gốc của loại cam trên, PV liên lạc với Viện Nghiên cứu Rau quả Việt Nam thì được biết rằng, loại “cam xanh” này không phải là cam mà thực chất là quýt. Cả Việt Nam và Trung Quốc cùng trồng loại quýt này chứ không phải là Việt Nam không có như thông tin dư luận thời gian qua.

Cụ thể, tại Việt Nam, tên gọi là quýt Ôn Châu có nguồn gốc từ Nhật Bản, trồng tại huyện Cao Phong, Hòa Bình. Quýt Ôn Châu đã cho thu hoạch khoảng một tháng trở lại đây. Còn tại Trung Quốc, quýt này có tên gọi nếu phiên âm đọc là “Sát-sư- ma”.

Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý là diện tích trồng quýt Ôn Châu tại Cao Phong, Hòa Bình chỉ khoảng 5 – 7 ha, sản lượng cho thu hoạch thương phẩm vì thế không nhiều nên không thể có nhiều đến mức được bán tràn lan như tại Hà Nội hiện nay.

Do đó, hiện trên thị trường Hà Nội, loại quýt trên có thể là quýt Ôn Châu, cũng có thể là quýt Trung Quốc. Nếu nhìn hình dáng thì khó có thể phân biệt nguồn gốc là của Việt Nam hay Trung Quốc.

Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của người tiêu dùng thì cũng là chọn được loại quýt có độ an toàn thực phẩm cao, ít bị bảo quản bằng hóa chất.  

Về vấn đề này, tiến sỹ Vũ Việt Hưng, Phó Phụ trách Bộ môn Cây ăn quả, Viện nghiên cứu Rau quả lưu ý, người tiêu dùng có thể nhìn vào thời gian bảo quản, độ tươi, màu sắc của quýt để nhận định xem nó có bị “ngậm” nhiều hóa chất hay không.

Theo TS Hưng, trong điều kiện thời tiết mùa thu, nếu như theo cách bảo quản của bà con nông dân đang làm tại Cao Phong và điều kiện vận chuyển tốt, không bị dập nát, rơi…và không dùng thuốc bảo quản thì quýt Ôn Châu sẽ giữ được lá, cuống và vỏ tươi trong 2 ngày. Nếu trong nhiều ngày mà quýt vẫn tươi thì có thể nó đã được dùng thuốc bảo quản.

Bảo Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kinh hoàng thực phẩm bẩn