Người phụ nữ phải sống với trái tim “méo mó” suốt 10 năm

Ngày 20/03/2017 15:08 PM (GMT+7)

Dù được phát hiện mắc bệnh tim suốt 10 năm qua, nhưng người phụ nữ dân tộc H’Mông vẫn cố cam chịu vì gia đình quá khó khăn không có tiền điều trị.

Có mặt tại Khoa Tim mạch và Lồng ngực (Bệnh viện Việt Đức), chúng tôi hỏi thăm tới phòng của bệnh nhân Sầm Thị Chi (sinh năm 1970, người dân tộc H’Mông, ở Yên Sơn, Tuyên Quang). Tại đây, đa số mọi người đều biết rõ về bệnh nhân đặc biệt này, bởi lẽ ngoài việc phải “xin ăn” từng bữa, thì bệnh nhân luôn phải có người đi theo phiên dịch vì không biết nói tiếng kinh.

Tại phòng bệnh, dù chẳng biết chúng tôi nói gì, nhưng bệnh nhân liên tục đáp lời bằng cách gật đầu hoặc đơn giản chỉ là “ừ ừ”. Trong suốt quá trình nói chuyện ấy, không ít lần lồng ngực bệnh nhân căng phồng lên vì những cơn khó thở, kèm theo triệu chứng đó là hành động đấm thùm thụp vào ngực. Nhìn cảnh tượng đó, không chỉ chúng tôi mà những người bệnh ngồi bên cạnh cũng không cầm được nước mắt.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Hầu Văn Nhì (sinh năm 1990, con bệnh nhân Sầm Thị Chi) cho biết, gia đình anh có 4 anh chị em, nhưng chẳng ai có thể thay phiên anh trông mẹ được vì tất cả mọi người đều không biết chữ và không biết nói tiếng kinh. Thế nên mọi công việc lớn nhỏ đều đến tay anh, cứ một hai hôm anh Nhì lại chạy về Tuyên Quang để làm thủ tục vay tiền, xong lại chạy xuống Hà Nội chăm mẹ.

Người phụ nữ phải sống với trái tim “méo mó” suốt 10 năm - 1

Anh Nhì đang chăm sóc mẹ tại Bệnh viện Viêt Dức.

Nói về tình trạng bệnh tình của mẹ, anh Nhì cũng không biết mẹ mắc bệnh tim từ bao giờ. Chỉ biết rằng, cách đây khoảng 10 năm về trước, khi đưa ra bệnh viện tỉnh khám, các bác sĩ nói là bị bệnh tim, cần phải chạy chữa gấp.

“Khi đó các bác sĩ nói nhiều lắm, nhưng cuối cùng tôi chỉ hiểu rằng trái tim mẹ tôi bị méo mó, tắc máu gì đó, phải xuống Hà Nội để chỉnh và thông máu. Nhưng khi đó gia đình chẳng có tiền, nên mẹ tôi không đi”, anh Nhì chia sẻ.

Anh Nhì cho biết gia đình chỉ có 4 sào ruộng, hàng năm cấy lúa không đủ ăn, thậm chí còn phải vay lãi lấy tiền về đong gạo để ăn qua những lúc giáp hạt. Bởi vậy, khi mẹ đổ bệnh phải xuống Hà Nội điều trị, không còn “cửa” xoay tiền, gia đình anh đành vay lãi với giá cắt cổ.

“Mấy hôm trước gia đình tôi phải vay lãi 100 triệu, với lãi xuất trên 5 phẩy để xuống đóng tiền viện và chuẩn bị mổ. Bây giờ không vay ngân hàng được nữa vì họ biết gia đình chúng tôi không đủ điều kiện trả nợ”, anh Nhì chia sẻ.

Trước muôn vàn khó khăn gặp phải, trong thời gian chăm sóc mẹ ở bệnh viện, anh Nhì thường phải nằm ghế đá trong những đêm lạnh lẽo và ăn cơm, cháo từ các tổ chức từ thiện để tiết kiệm tiền chữa bệnh cho mẹ.

“Có những hôm cơm từ thiện không đến, tôi đành bóp bụng uống nước lọc để quên đi cơn đói. Quả thực bây giờ, nguyên tiền lãi hàng tháng cả gia đình cũng phải chạy chóng mặt mới đủ, nên nhịn được bữa nào là tiết kiệm tiền được bữa đó”, anh Hà ngậm ngùi.

Người phụ nữ phải sống với trái tim “méo mó” suốt 10 năm - 2

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân Anh đang thăm khám cho bệnh nhân Chi.

Chia sẻ với chúng tôi về trường hợp bệnh nhân Sầm Thị Chi, BS Nguyễn Thị Vân Anh (Khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lông Ngực, Bệnh viện Việt Đức) xác nhận, đây là trường hợp vô cùng khó khăn, trong quá trình điều trị tại viện rất nhiều lần người nhà phải về quê chạy tiền xuống nộp viện phí.

Về tình trạng bệnh của bệnh nhân Chi, BS Vân Anh cho biết, bệnh nhân được chuyển từ bệnh viện tỉnh xuống trong tình trạng khó thở. Trước đó, đã được phát hiện mắc bệnh tim và có chỉ định mổ từ nhiều năm trước, nhưng do gia đình không có điều kiện nên đã trì hoãn lại.

Hiện qua thăm khám, các bác sĩ nhận định, bệnh nhân xuất hiện tình trạng gan to, siêu âm thấy van tim hai lá hẹp khít, có huyết khối rất lớn ở trong tim.

“Bệnh nhân nếu không mổ thì huyết khối có thể trôi đi bất kể lúc nào, điều này sẽ gây tắc mạch tay chân, tắc mạch não và dẫn đến liệt. Nếu không phẫu thuật nhanh bệnh nhân có thể tử vong. Bởi vậy, các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật lấy huyết khối, thay van hai lá cho bệnh nhân”, BS Vân Anh thông tin.

Cũng theo BS Vân Anh, chi phí ca phẫu thuật còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng trước khi phẫu thuật dù có bảo hiểm hay không, bệnh nhân bắt buộc phải đóng trước 60 triệu đồng.

Mọi tấm lòng hảo tâm giúp đỡ có thể đến gặp trực tiếp cháu chị Trần Thị Đào tại khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Việt Đức. Hoặc qua:

Phòng Công tác xã hội – Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức: Phòng 248 nhà C3 – 04.32668625 hoặc 585

– Tài khoản Quỹ từ thiện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Tên tài khoản: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Số tài khoản USD: 12210370016823

Số tài khoản VNĐ: 12210000024248

Tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Hà Thành

ND: Ủng hộ BN Sầm Thị Chi; Mã số ủng hộ: 213

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h