'Cấm' công chức nói 'tiếng lóng': Không khả thi

Ngày 05/06/2014 11:21 AM (GMT+7)

Liên quan đến quy định mới đây của UBND TP Hà Nội về quy định “cấm” công chức nói “tiếng lóng”, nhiều ý kiến cho rằng quy định này rất khó thực hiện trong thực tế.

“Nói dễ, làm khó”

Ngày 29/5, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội đã ký ban hành văn bản về quy chế thực hiện kỉ cương hành chính và văn hóa công sở đối với công chức. Theo đó, công chức văn phòng phải nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan đến giải quyết công việc. Khi giao tiếp qua điện thoại, cần trao đổi ngắn gọn, tập trung vào nội dung công việc; không ngắt điện thoại đột ngột.

Trừ trường hợp được sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan vào các dịp liên hoan, lễ tết, tiếp khách ngoại giao, các hành vi mà công chức Hà Nội bị cấm là hút thuốc lá trong phòng họp và nơi công cộng; sử dụng đồ uống có cồn trước và trong giờ làm việc tại công sở; không được đánh bạc, đánh cờ, chơi game hoặc chơi thể thao trong giờ làm việc.

Văn bản trên được ban hành sau khi kết quả từ cuộc điều tra thực trạng văn hóa ứng xử tại các cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, nơi công cộng và khu dân cư ở Hà Nội, do Khoa Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Sở Văn hóa Hà Nội thực hiện mới đây cho thấy, 88% người được hỏi cán bộ lãnh đạo có hành vi ứng xử không phù hợp; 95% cho rằng công chức, viên chức ứng xử không phù hợp.

Tuy nhiên, ngay sau khi văn bản trên được ban hành, trong dư luận đã xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau.

Cấm công chức nói tiếng lóng: Không khả thi - 1

Tình trạng "văn hóa công sở" xuống cấp hiện nay đang rất đáng báo động.

Về vấn đề trên, ông Lê Như Tiến (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội) cho biết: “Khách quan mà nói thì quy định về các điều cấm công chức làm như trên là không mới, nó đã có từ lâu và cũng cần thiết phải thực hiện. Người cán bộ công chức phải là tấm gương để cho người dân nhìn vào. Thực tế thì hiện nay nhiều công chức đã quên mất điều đó. Văn hóa công sở hiện nay đang có vấn đề, cần phải chấn chỉnh lại”.

“Tuy nhiên, chấn chỉnh bằng cách nào lại là chuyện khác. Tôi nghĩ đây là vấn đề nói thì dễ, làm thì khó. Từ trước đến nay ta nói về vấn đề này rất nhiều rồi, nhiều cơ quan, nhiều địa phương cũng đã bao lần “hạ quyết tâm, thượng quyết tâm” để thực hiện, nhưng rồi kết quả thu được vẫn không như mong muốn”, ông Tiến nói.

Ông Tiến cho rằng: “Quy định này lại làm nhiều người nhớ đến hang loạt các quy định khác đã ban hành trước đó như: quy định cấm chửi bậy nơi công cộng, cấm tiểu tiện ngoài đường, cấm đánh chửi bố mẹ, cấm vợ chồng cãi nhau,… thậm chí đi kèm với những quy định trên là cả chế tài xử phạt, nhưng có ai thử hỏi từ đó đến nay các quy định này đã được thực hiện được ra sao, xử phạt được những ai, nộp ngân quỹ nhà nước bao nhiêu tiền? Nên tôi nghĩ thực hiện được là khó…”.

Thiếu chế tài thực hiện

Liên quan đến văn bản quy định “cấm” công chức nói “tiếng lóng” và văn hóa ứng xử nơi công sở mới đây của UBND TP Hà Nội, Luật sư Lê Minh Hải (Trưởng Văn phòng Luật sư Royal, Hà Nội) cho rằng văn bản quy định ban hành nhưng không có hướng dẫn cụ thể, không có chế tài xử phạt thì không thể thực hiện được.

“Đã nói đến quy định, đến luật là phải nói đến chế tài. Chế tài là cơ sở để thực hiện, là công cụ để buộc đối tượng chịu sự chi phối bởi những quy định trên phải thực hiện. Ví dụ như trong văn bản quy định cấm công chức nói tục nơi công sở, thì đi kèm với cấm là phải có chế tài xử lý, ví như anh nói tục (vi phạm) thì sẽ bị xử lý như thế nào, phạt hành chính là bao nhiêu, hay áp dụng cách xử lý khác như đánh giá kết quả thi đua cuối năm, trừ lương,… chứ cứ chung chung thì quy định không có sức nặng để thực hiện”, Luật sư Hải nói.

Cấm công chức nói tiếng lóng: Không khả thi - 2

Nhiều ý kiến cho rằng quy định điều chỉnh hành vi và lời nói của công chức do UBND TP Hà Nội ban hành mới đây là khó thực hiện vì thiếu chế tài.

Luật sư Hải so sánh: “Tôi lấy ví dụ như vào cuối năm ngoái, Chính phủ ban hành Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó có nhiều quy định chi tiết về các hành vi có thể bị xử phạt hành chính như: nói bậy, chửi tục nơi công cộng, chồng lăng nhục vợ, con cái đánh chửi cha mẹ,…

Đây là nghị định đi kèm chế tài, nghĩa là khi đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh áp dụng của Nghị định trên vi phạm, thì cơ quan chức năng có cơ sở để xử lý. Còn ở văn bản của UBND TP Hà Nội mới ban hành gần đây tôi thấy rất chung chung, nó như kiểu nội quy trong lớp học đối với học sinh, nó rất khó thực hiện…”.

Ngoài ra, Luật sư Lê Minh Hải cho rằng trước khi ban hành một văn bản luật hay dưới luật, tính khả thi trong thực tế cần phải được tính đến kỹ lưỡng. “Thực tế trong thời gian qua, nhiều cơ quan chức năng nhà nước đã ban hành rất nhiều các quy định, các văn bản mà tính khả thi không cao, mà nói như người dân thì đó là những quy định… trên trời. Đây cũng là điều mà chúng tôi đề nghị cần phải xem xét lại”.

Chưa rõ ràng

Luật sư Trương Anh Tú (Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Hà Nội): “Muốn văn bản thực hiện được cần phải có chế tài xử phạt. Nhưng để xử phạt được thì cần phải có chứng cứ, ví dụ như ghi âm, chụp ảnh, video, người làm chứng… Nhưng trong giao tiếp ứng xử hằng ngày thì rất khó. Ví dụ như anh với tôi làm cùng cơ quan, nói chuyện với nhau, có lúc tôi nói tục vì trạng thái tâm lý bức xúc chẳng hạn, anh có bật máy lên ghi âm (giả sử bật kịp) lời tôi nói rồi đi tố cáo không? Chắc chắn là không rồi. Rồi “cấp độ” nói tục thế nào thì bị xử phạt, nói chung là khó.

Đó là chưa kể đến hiện nay, quy định về chứng cứ là ghi âm, ghi hình của ta cũng còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Tại Khoản 1, điều 64 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định mà cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án”.

Nội dung băng ghi âm, ghi hình có giá trị pháp lý như thế nào? Đó là câu hỏi không đơn giản, vì theo tôi biết chưa có quy định cụ thể nào về các chỉ dấu và giá trị của băng ghi âm, ghi hình trong hoạt động tố tụng. Và đó cũng chỉ là những vụ án lớn, còn trong phạm vi điều chỉnh của quan hệ giao tiếp, ứng xử hằng ngày nơi công sở, liệu có đem quy định đó trong luật để áp dụng được không?”.

H.Sơn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan