Cảm động chuyện tình 'mắt vợ chân chồng'

Ngày 02/04/2015 09:33 AM (GMT+7)

Nguời dân ở xã Duy Sơn (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) ai cũng thương vợ chồng anh Phạm Văn Định (56 tuổi) và chị Nguyễn Thị Tưởng (58 tuổi). Anh Định bị cụt một chân, một tay và mù mắt, còn chị Tưởng bị cụt hai chân.

Vượt lên trên bao lời dị nghị, hai anh chị đã đến với nhau bằng tình yêu thương chân thành của hai “mảnh khuyết tật”, xây dựng cuộc sống hạnh phúc.

Hai mảnh ghép số phận của chiến tranh

Từ TP.Tam Kỳ, chúng tôi tìm về xã Duy Sơn để hỏi thăm nhà anh Định và chị Tưởng. Khi nghe chúng tôi nhắc tên, ai cũng tận tình chỉ dẫn và khen ngợi cho nghị lực và tình cảm vợ chồng. Đi theo những con đường bê tông nối dài, chúng tôi đã tìm được đến nhà khi trời đã quá trưa.

Hiện ra trước mắt chúng tôi đầu tiên đó là một người phụ nữ đang khập khiễng đi lại bằng hai chân giả, tay thoăn thoắt bẻ những cành củi khô xếp lại ngay ngắn. Thấy có khách, chị đon đả mời chúng tôi vào nhà, trên môi không quên nở nụ cười thật tươi.

Cảm động chuyện tình mắt vợ chân chồng - 1

Chị Nguyễn Thị Tưởng.

Căn nhà tình nghĩa hai vợ chồng anh chị đang ở rộng khoảng 20m2, xung quanh không có đồ dùng gì quý giá. Anh Định đi bán dầu ở Hội An nửa tháng về một lần, chị Tưởng ở nhà lo quán xuyến công việc chăn nuôi gà thả vườn, kiếm thêm đồng tiền chi trả hằng ngày.

Khi được hỏi về quá khứ của mình, chị Tưởng cho biết: “Tôi sinh ra trong một gia đình có đông anh em tại Hội An. Năm lên 7 tuổi thì nhà bị ném bom khi đang giờ cơm trưa khiến ba mẹ, anh em chết sớm. May mắn tôi còn sống nhưng ngất xỉu do bị đứt hai chân. Hàng xóm phát hiện tôi còn sống đưa vào viện cứu chữa. Sau đó tôi được chuyển vào cô nhi viện tại Đà Nẵng ở cho đến khi gặp được chồng mình (Anh Định – PV) rồi cùng nhau xây dựng gia đình".

Anh Định có cuộc đời giống vợ khi cũng là nạn nhân của chiến tranh. Sinh ra trong gia đình đông anh em, năm 7 tuổi cha mẹ và các anh chị mất hết vì quân đội Mỹ rải bom trong giờ ăn cơm. Người bác ruột thương tình đem về nuôi dưỡng trong điều kiện khó khăn. Để có cái ăn, anh Định phải đi chăn trâu thuê cho các điền chủ.

Cảm động chuyện tình mắt vợ chân chồng - 2

Anh Phạm Văn Định hàng ngày đi bán cao kiếm tiền.

Trong một lần thả trâu đi ăn, anh Định dẫm phải mìn. Nhờ được đưa vào viện cấp cứu kịp thời nên anh giữ được mạng sống nhưng hậu quả khiến đôi mắt anh bị hỏng, cụt một tay và bị cụt chân. Sau khi khoẻ lại, anh Định được chuyển sang nơi phục hồi chức năng ở trung tâm chỉnh hình. Thấy cuộc sống gia đình người bác quá cực khổ, lại phải lo cho mình, anh Định xin vào cô nhi viện ở sau đó.

Ngồi bên cạnh vợ, anh Định chia sẻ: “Khi vào cô nhi viện, tôi và vợ (chị Tưởng - PV) hoàn toàn không biết nhau. Khi đó nam ở khu riêng, nữ ở khu riêng. Hằng ngày, chúng tôi được chăm lo đầy đủ về điều kiện sống, được cho học nghề đan lát làm quạt bằng giấy, bao xi măng để đi bán dạo. Còn vợ tôi ngoài học nghề đan lát thì học nghề may, làm tăm tre. 

Sau khi học xong, hằng ngày chúng tôi bắt đầu chia ra để đi bán. Trên đường dò tìm địa điểm, như có duyên sắp đặt tôi gặp được vợ mình. Do vào cô nhi viện sớm hơn tôi hai năm, cô ấy đi bán nhiều nên quen thuộc địa điểm. Hai chúng tôi trò chuyện cởi mở khi biết cùng ở cô nhi viện.

Sau đó, chúng tôi thân thiết hơn khi cả hai chia sẻ hoàn cảnh của mình. Thế rồi, mỗi ngày, hai chúng tôi đều dìu nhau đi bán. Cô ấy bị cụt hai chân nhưng sáng mắt, giúp tôi đi lại không phải dò đường. Hai chúng tôi thấy mình có duyên và gắn bó như thế hơn 7 năm, cùng chia ngọt sẻ bùi”.

Vợ là mắt, chồng là chân

Sau ngày đất nước hoà bình thống nhất, cô nhi viện giải thể, anh Định và chị Tưởng không biết đi đâu. Chị Tưởng nói: “Cả hai chúng tôi đều mất gia đình trong chiến tranh, không biết giờ phải làm thế nào. Anh Định nói 'Em thương anh hãy về cùng chung sống với anh, có khoai mình ăn khoai, có cơm trắng mình ăn cơm trắng…'.

Câu nói đó giờ mỗi khi nhớ lại đều khiến tôi rưng rưng nước mắt. Sau này anh thú thật, câu nói đó giữ trong lòng đã lâu. Chính vì thương cho cả hai đều bị mất gia đình, phải bị tật nguyền vì chiến tranh. Khi cùng bươn chải mưa sinh, cảm nhận tình thương rồi quý mến nhau. Thế là tôi đồng ý về làm vợ anh sau lời ngỏ đó…”

Cảm động chuyện tình mắt vợ chân chồng - 3

Do sức khỏe yếu, chị Tưởng phải ở nhà lo nội trợ, nuôi mấy con gà kiếm thêm thu nhập.

Anh Định chia sẻ tiếp câu chuyện: “Sau khi cô ấy đồng ý, hai chúng tôi dắt díu nhau về quê nhà ở xã Duy Sơn. Căn nhà ngày xưa của cha mẹ bị bom đạn tàn phá, giờ cỏ cây dại mọc um tùm. Tôi và cô ấy dọn dẹp, phát quang để làm mái nhà tranh nhỏ ở tạm. May mắn người bác tôi vẫn còn sống, chính ông là người làm chứng cho đám cưới của chúng tôi. Nói là đám cưới nhưng chỉ là một mâm cơm đạm bạc. Trong giây phút ấy tôi đã nói “Em sẽ là đôi mắt của anh, anh sẽ là đôi chân của em, hai chúng mình cố gắng chăm lo cuộc sống”. Và đến giờ chúng tôi đã có 35 năm nên nghĩa vợ chồng.

Khi tổ chức đám cưới ai cũng bàn ra bàn vào. Họ bảo hai anh chị bị tật nguyền, lấy nhau về chỉ làm khổ nhau, lấy gì mà sống. Vượt qua bao lời dị nghị, đồn đoán, hai vợ chồng anh Định chị Tưởng đã cố gắng vươn lên.

“Mỗi buổi sáng, khi mọi người còn ngủ chưa dậy, nghe tiếng gà gáy là hai vợ chồng lục đục dậy để nấu ăn lót dạ. Sau đó, tôi dìu chồng cùng đi bộ về Hội An để bán quạt giấy, tăm tre đã làm ở nhà, còn vé số ra đại lí lấy. Lúc ban đầu, quạt giấy bán rất đắt hàng, được khách Tây mua nhiều. Mọi người thấy hai vợ chồng đi bán cũng thương tình mua giúp đỡ. Sau một ngày mưu sinh, khi mặt trời lặn là hai vợ chồng lại về nhà để chuẩn bị làm quạt mới để ngày mai đi bán”, chị Tưởng chia sẻ.

Cùng nhau đi bán được 30 năm, sức khoẻ chị Tưởng yếu dần, đôi chân đau nhức mỗi khi trái gió trở trời. Anh Định bàn tính cùng chị rồi mua mấy con gà về cho chị trông nom, ở nhà lo nội trợ. Còn anh Định vẫn tiếp tục rong ruổi về Hội An ở thuê trọ đi bán dầu xoa để kiếm tiền.

Anh Định tâm sự: “Cứ mỗi tháng tôi về nhà hai lần, lời lãi mỗi lần được ba bốn trăm ngàn. Ngoài ra hằng tháng, hai vợ chồng cũng nhận được hỗ trợ 600 ngàn của nhà nước, cuộc sống cũng bớt chật vật, dè sẻn ăn uống cũng đủ”.

Khi được hỏi về bao năm chung sống, có điều gì khiến anh chị còn suy nghĩ. Ngước sang nhìn anh Định, chị Tưởng thật lòng chia sẻ : “Ao ước 35 năm qua của hai vợ chồng là có một đứa con để nuôi nhưng không có được. Số phận đã an bài, tôi bị ảnh hưởng của bom đạn khi còn nhỏ đã không thể làm mẹ sinh con như bao phụ nữ bình thường. Hai vợ chồng đi chạy chữa nhiều nơi nhưng vô vọng. Nhiều lúc cũng buồn, chạnh lòng nhưng rồi thời gian cũng nguôi ngoai. Thôi thì được ở bên nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi, hai vợ chồng cùng cố gắng”.

Từ biệt anh chị, chúng tôi ra về khi chiều đã muộn. Lời nói của anh Định với chị Tưởng vẫn còn vọng mãi trong lòng chúng tôi “Em sẽ là đôi mắt của anh, anh sẽ là đôi chân của em, hai chúng mình cố gắng chăm lo cuộc sống”.

Tùng Lâm
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Việc tử tế