Cây trồng biến đổi gen không gây hại cho con người

Ngày 03/02/2015 16:42 PM (GMT+7)

Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) cho hay, những loại rau, củ, quả biến đổi gen không có bất cứ thiệt hại gì đối với con người.

Ngày 3/2/2015, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp cùng Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) tổ chức hội nghị Triển vọng toàn cầu của cây trồng biến đổi gen.

 Những thông tin sai lệch về cây trồng biến đổi gen

Tại hội nghị, bà Mahaletchumy Arujanan cho hay, có rất nhiều thông tin sai lệch, lời nói dối trắng trợn và thủ đoạn buôn bán đáng sợ mà các tổ chức phản đối cây trồng biến đổi gen đưa ra, đặc biệt là trên mạng Internet.

Cây trồng biến đổi gen không gây hại cho con người - 1

Cà chua biến đổi gen bị xuyên tạc thông tin ở Malaysia. Ảnh minh họa

Bạn có biết những quả cà chua ngon lành trên đĩa của bạn được chuyển gen của con nhện, và vì vậy các công ty sản xuất có thể kiếm hàng tỷ đô la bằng cách thu tơ từ các quả cà chua?

Cụ thể, ngoài thông tin về cà chua được chuyển gen từ con nhện, còn hàng loạt các thông tin khác rất “hài hước” như: “Bạn có biết gen ếch được chuyển vào những quả cà tím, vì vậy chúng thường có phổ phát quang rộng và năng lượng khổng lồ để kháng lại các loại bệnh lây nhiễm”.

Cây trồng biến đổi gen không gây hại cho con người - 2

Hình ảnh cà chua được treo mạng nhện ở một trung tâm thương mại ở Maylaysia do bà Mahaletchumy Arujanan mang đến hội thảo. Ảnh: Bảo Anh

Trong khi đó, trên quan điểm ủng hộ việc phát triển thương mại cây trồng biến đổi gen, TS. Clive James, Người sáng lập và Chủ tịch danh dự của Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) cho hay, những loại rau, củ, quả biến đổi gen đã được thương mại hóa đó không hề có tỳ vết, không có bất cứ thiệt hại gì đối với con người.

Ngoài ra có nhiều thông tin thêu dệt như, chúng ta sẽ gặp phải rất nhiều rắc rối từ cây trồng công nghệ sinh học, ảnh hưởng tới gen của con người, gây ra sự ô nhiễm, là thực phẩm giả tạo chứ không phải là thực phẩm thật... Những thông tin này không hề có bằng chứng khoa học. Những tổ chức phản đối cây trồng công nghệ sinh học kể các câu chuyện đầy rủi ro, phản diện trong đó nạn nhân là nông dân và cộng đồng, họ lờ đi tất cả các lợi ích từ cây trồng biến đổi gen, bà Mahaletchumy Arujanan cho hay.  

Chẳng hạn như cây khoai tây biến đổi gen (hay còn gọi là khoai tây công nghệ sinh học) có sự khác nhau rất lớn với cây khoai tây bình thường, tạo sự thuận lợi cho canh tác.

Khoai tây hiện là cây lương thực quan trọng thứ 4 trên thế giới, hiện đã được canh tác trên diện tích hơn 20 triệu ha, có trên 1 tỷ người tiêu thụ. Tuy nhiên, cây khoai tây bình thường  bị tổn thất lớn do bệnh hai (chiếm tới 30%), bệnh mốc sương (7,5 tỷ USD), bênh virus PVY&PLRV và sâu hại (Bọ cánh cứng Clorado là loại côn trùng nguy hại và sâu đục củ).

Trong khi đó cây khoai tây công nghệ sinh học Innate TM có hàm lượng acrylamide thấp và ít hao hụt do bị thâm tím. Khoai tây Innate TM cải tiến cũng có khả năng kháng bệnh mốc sương và hàm lượng đường giảm trong quá trình bảo quản. Ngoài ra, nó còn có thể kháng nhiều bệnh cây khoai tây bình thường hay mắc phải như: kháng virus PVY, PLRV, Bt…

Hiện Hoa Kỳ đã phê chuẩn khoai tây Innate TM có hàm lượng chất gây ung thư thấp và lượng hao hụt do bị thâm tím giảm tới 40%.   

 Cây trồng biến đổi gen tiết kiệm thuốc trừ sâu và khí CO2

Trên phạm vi toàn cầu, cây trồng biến đổi gen đã có sự phát triển rất đáng chú ý trong vòng 19 năm vừa qua. Năm 2014 đã có 18 triệu nông dân tại 28 nước trồng 181,5 triệu ha, tăng 3% - 4% so với năm 2013. Trong đó, các nước châu Mỹ trồng cây trồng biến đổi gen nhiều nhất với 87%, châu Á 11%, châu Phi 2%.

Theo TS. Clive James, tác động trên phạm vi toàn cầu của cây trồng công nghệ sinh học là rất lớn từ năm 1999 đến 2013. Thu nhập trong nông nghiệp tăng 133 tỷ USD, trong đó 30% là do giảm chi phí sản xuất và 70% là do gia tăng năng suất 441 triệu tấn.

Cây trồng công nghệ sinh học cũng tiết kiệm đất hơn so với công nghệ canh tác truyền thống. Đối với tác động môi trường thì cây trồng công nghệ sinh học giảm nhu cầu đầu từ vào từ bên ngoài. Cụ thể, trong thời gian từ năm 1996 đến năm 2012, việc sử dụng cây trồng biến đổi gen đã tiết kiệm được 500 triệu kg thuốc trừ sâu, tiết kiệm 9%. 28 tỷ kg khí CO2 cũng được tiết kiệm trong năm 2013, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ủng hộ quan điểm cần phát triển cây trồng biến đổi gen, TS Clive James cho hay, cây trồng công nghệ sinh học góp phần giảm đói nghèo cho trên 16,5 triệu nông dân nghèo, quy mô nhỏ.

Còn ở Việt Nam, năm vừa qua, Bộ NN&PTNT đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi cho cây ngô và cây đậu tương biến đổi gen. PGS. TS.  Trịnh Khắc Quang, Tổng Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho hay, đến thời điểm hiện tại, Bộ NN&PTNT đã nhận được 20 bộ hồ sơ xin phép đưa cây trồng biến đổi gen vào thực tế, Bộ NN&PTNT đã đồng ý phê duyệt 6 bộ hồ sơ và đang trong quá trình phê duyệt các bộ hồ sơ còn lại.

Cũng tại buổi hội thảo, nhìn nhận về triển vọng của cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam, bà Mahaletchumy Arujanan nói: “Chúng tôi dự báo trong những năm tới không phải là Malaysia mà là Việt Nam mới là quốc gia đi đầu trong việc ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học ở khu vực châu Á”.

Thu Hoài
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan