Cháy quán karaoke ở Trần Thái Tông: Ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Ngày 02/11/2016 13:53 PM (GMT+7)

Theo luật sư, trong vụ cháy ở đường Trần Thái Tông ngày 1/11, tùy vào nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn mới có thể quy trách nhiệm cụ thể cho từng đối tượng.

Như chúng tôi đã đưa tin, ngày 1/11, tại quán karaoke trên đường Trần Thái Tông (Hà Nội) đã xảy ra vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Vụ cháy khiến 13 người tử vong, 4 ngôi nhà liền kề bị hư hỏng nặng. Đến thời điểm này nguyên nhân vụ hỏa hoạn được cho là do bất cẩn khi hàn xì.

Nguồn tin từ lực lượng chức năng cũng cho biết, cơ sở này vẫn chưa đủ điều kiện kinh doanh, đặc biệt là quy định về phòng chống cháy nổ. Nhiều người đặt ra câu hỏi: Ai sẽ chịu trách nhiệm trong sự việc này?

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết nếu cơ quan điều tra có căn cứ xác định nguyên nhân xảy ra vụ hỏa hoạn là do thợ hàn xì biển quảng cáo quán karaoke gây cháy thì người thợ trực tiếp hàn xì đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy được qui định tại Điều 240 Bộ luật hình sự.

Cháy quán karaoke ở Trần Thái Tông: Ai sẽ là người chịu trách nhiệm? - 1

Phải xác định rõ nguyên nhân mới quy được trách nhiệm trong vụ cháy này.

Ngoài trách nhiệm hình sự, người vi phạm còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra theo qui định của pháp luật.

Mặt khác, nếu xác định người thợ thi công hàn xì được thuê mướn thì người chủ thi công (nếu có) phải có trách nhiệm liên đới bồi thường dân sự vì đã không áp dụng biện pháp bảo hộ và đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng lao động nên đã gây hậu quả thiệt hại về người, tài sản.

Còn trong trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ xác định chủ cơ sở đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về phòng cháy chữa cháy để dẫn tới hậu quả làm nhiều người chết, thiệt hại về tài sản thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật hình sự.

“Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, cần phải xác định cụ thể qui định nào mà chủ cơ sở vi phạm về phòng cháy, chữa cháy. Mặt khác, phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm của chủ cơ sở là nguyên nhân dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng đã xảy ra”, luật sư Thơm cho hay.

Trường hợp chủ cơ sở karaoke không có giấy phép kinh doanh, hoặc không có đủ điều kiện an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy mà vẫn hoạt động kinh doanh thì đó là lỗi vi phạm hành chính và phải chịu phạt hành chính theo quy định.

“Trong vụ việc này, cơ quan điều tra cần phải xác định được nguyên nhân gây cháy do hành vi nào của chủ cơ sở thì mới có thể qui trách nhiệm cho chủ cơ sở”, luật sư Thơm nói.

Ngoài ra, chủ cơ sở để xảy ra cháy lan sang nhà người khác đều phải có trách nhiệm bồi thường dân sự. Chủ cơ sở chỉ không phải chịu trách nhiệm hình sự và dân sự trong trường hợp bất khả kháng, vụ việc xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết hoặc tình thế cấp thiết (điều 161 Bộ luật dân sự).

Điều 240. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy 

1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến tám năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.

4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cháy quán karaoke ở Trần Thái Tông