Chợ cóc, chợ chiều “chém đẹp” chị em

Ngày 30/01/2013 10:15 AM (GMT+7)

Càng gần Tết, mức chênh lệch giá cả thực phẩm giữa các chợ càng bị đẩy lên cao khiến chị em nội trợ "thiệt đơn thiệt kép".

Chênh tới 30.000 đồng/kg thịt bò

Chị Minh Hoa (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) là nhân viên văn phòng, phải làm việc đúng giờ hành chính nên hàng ngày chị Hoa hay tranh thủ buổi sáng ra chợ cóc trong ngõ để mua đồ thực phẩm, rau xanh cho cả gia đình.

Sáng 28/1, chị Hoa mua thịt ba chỉ với giá 100.000 đồng một kg, thịt bò loại ngon 27.000 đồng một lạng, sườn 110.000 một kg. “Em bán hàng đã nhanh miệng bảo giảm giá chút ít cho mình vì là khách quen đấy”, chị Hoa nói.

Súp lơ xanh 15.000 đồng một cái, cà chua 18.000 đồng một kg, mặc cả xuống còn 16.000 đồng/kg. Su hào 6.000 đồng một củ, rau muống 10.000 đồng một mớ bé xíu.

Chợ cóc gần nhà chị Hoa rất bé, chỉ phục vụ nhu cầu cho 3-4 ngõ nhỏ gần đấy. Cả chợ có 1 hàng thịt bò, 3 hàng thịt lợn, 1 hàng thịt gà và 5 hàng rau “lèo tèo” kèm theo hoa quả. Vẫn biết đi chợ cóc giá đắt nhưng trưa nay, khi “tám” cùng chị em, chị Hoa mới “tá hỏa” vì bấy lâu mình đã bị chém “quá đẹp”.

Chị Linh làm cùng phòng chị Hoa cho hay, cũng sáng nay chị mua thịt bò loại ngon nhất ở chợ Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) chỉ có 240.000 đồng một kg, rẻ hơn tận 30.000 đồng/kg so với giá chị Hoa mua. Ba chỉ ngon cũng chỉ 80.000 đồng một kg, rẻ hơn 10.000 đồng. Cà chua thì 12.000 đồng một kg, su hào chỉ có 6.000 đồng 2 củ, rẻ bằng nửa.

Chị Linh và chị Hoa ngồi nhẩm tính, tổng cộng một buổi chợ chị Hoa đã mua đắt hơn 62.000 đồng với cùng chủng loại và khối lượng rau, thịt.

Nhưng “chém đẹp” nhất phải kể đến các chợ chiều nhỏ lẻ. Chiều chủ nhật tuần trước, chị Lan (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) lỡ phiên chợ sáng đành phải mua chợ chiều mà giá đã đội thêm tới 5.000 đồng một kg cà chua, 4.000 đồng một chiếc súp lơ xanh và 3.000 đồng một mớ rau muống.

Chợ cóc, chợ chiều “chém đẹp” chị em - 1

Đi các chợ chiều như này các chị em rất dễ bị "chém đẹp" (Ảnh minh họa)

Chợ rẻ, tiết kiệm gần triệu đồng mỗi tháng

Nhà chị Linh ở ngã tư đường Láng – Nguyễn Chí Thanh. Trước đây, chị Linh cũng hay đi chợ ngay chợ cóc gần nhà. Nhưng từ khi có cô bạn “mách nước” chợ Trung Kính giá rẻ, một tuần, chị Linh đều đặn 3 lần ra chợ này mua thực phẩm.

Theo chị Linh, không chỉ giá rau xanh, thịt cá rẻ hơn mà các loại thực phẩm có giá “rõ ràng” hơn một chút như dầu gội, bột nêm, mì tôm, bột giặt…. chợ Trung Kính cũng rẻ hơn khá nhiều so với mấy tạp hóa gần nhà. Nhà chị Linh có 4 người lớn và một em bé, mỗi lần đi chợ mua đồ ăn cho hai ngày, một tháng tổng cộng khoảng 15 lần đi. Tính ra một tháng chị Linh tiết kiệm được 900.000 đồng không kể các ngày rằm, Lễ Tết khoản chi cho thực phẩm nhiều hơn. “Trong khi đó, mỗi lần mình đi ra chợ đó chỉ mất thêm mỗi lần 7 – 10 phút, thực phẩm lại phong phú, người bán ngồi theo từng dãy, tha hồ chọn đồ tươi ngon”, chị Linh nói.

Theo khảo sát của phóng viên, đợt rau sốt giá vừa rồi, trong khi chợ Trung Kính đã giảm giá được 3 ngày, thì chợ chiều khu vực Giang Văn Minh (Q.Ba Đình) vẫn bán rau với giá “sốt”, hỏi thì người bán bảo giá lấy buôn … “chưa hạ”, súp lơ xanh, rau muống và su hào có ngày bán giá cao gần gấp đôi.

Việc mỗi nơi, mỗi giá và mức chênh lệch nhau ngày càng lớn như hiện nay, theo các chuyên gia về thị trường là do khâu tổ chức phân phối, lưu thông hiện nay quá kém. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho hay, đã thành quy luật, càng gần Tết, giá thực phẩm sẽ càng bị đẩy cao lên. Trong khi đó, cách tổ chức trong quản lý thị trường, việc liên kết giữa nhà phân phối và nhà sản xuất quá yếu, nên dẫn đến tình trạng lực lượng trung gian đã có "đất" để đẩy giá tùy theo thị trường và nhu cầu của người dân từng khu vực.

Nhìn ở góc độ thị trường có tổ chức và thị trường tự do, ông Vũ Vinh Phú, Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho hay, đối với Hà Nội hiện nay, thị trường tự do chiếm tới hơn 80% thị phần. Các cơ quan chức năng lại chỉ hay kiểm tra ở các siêu thị, doanh nghiệp có tên tuổi, không thường xuyên kiểm tra thị trường tự do, nên tiểu thương càng được cơ hội lợi dụng đẩy giá.

“Chị em trước hết nên là người tiêu dùng thông thái, tự bảo vệ mình, nên để ý so sánh giá cả, chất lượng giữa các chợ để tìm ra nơi giá tốt nhất và thuận lợi nhất theo đường đi lối lại của mình để mua hàng ngày”, ông Phú nói.

Thu Hoài
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan