Chưa bao giờ dịch sởi trẻ em bất thường như năm nay

Ngày 04/04/2014 20:26 PM (GMT+7)

Sau hơn 3 tháng tung hoành, bùng phát mạnh đến nay dịch sởi vẫn tiếp tục nóng, khiến hàng ngàn bệnh nhi phải nhập viện. Một phó giám đốc của BV Nhi Trung ương đã phải thốt lên rằng, với 40 năm kinh nghiệm trong nghề chưa bao giờ thấy dịch sởi lại nặng nề, đặc biệt như năm nay.

BV phải dành cả 1 khoa chỉ tiếp nhận bệnh nhân sởi

Đây là chia sẻ của PGS.TS Phạm Nhật An, Phó giám đốc BV Nhi Trung ương tại buổi làm việc của Bộ Y tế với bệnh viện về vấn đề quá tải ngày hôm nay (4/4).

Vị lãnh đạo bệnh viện này chia sẻ, vào những năm 70 ông đã từng chứng kiến nhiều trẻ mắc sởi bị biến chứng hoại tử, mù lòa, tiêu chảy suy dinh dưỡng … Tuy nhiên, dịch sởi năm nay diễn biến hết sức đặc biệt, phức tạp, có nhất nhiều ca viêm phổi nặng nề.

“Chưa bao giờ bệnh viện phải giành riêng khoa lây chỉ để tiếp nhận điều trị cho các trường hợp trẻ mắc sởi như hiện nay. Số lượng bệnh nhân nặng phải nhập viện điều trị tại BV rất đông. Bác sĩ đã tăng cường miễn dịch, dùng kháng sinh ngay từ đầu nhưng diễn biến bệnh của trẻ vẫn nặng lên”, PGS.TS An chia sẻ.

Theo thống kê của BV Nhi Trung ương, riêng trong tháng 3, số bệnh nhi phải nhập viện vì sởi là 345 trường hợp, đứng thứ 2 trong số 5 bệnh lý có số lượng trẻ nhập viện nhiều nhất. Điều đáng lo ngại là, trong 345 ca sởi này chủ yếu là ca sởi nặng, ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 9 tháng tuổi.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cũng đánh giá dịch sởi năm nay ở trẻ em quá bất thường, là mùa dịch đầu tiên ghi nhận trường hợp trẻ bị virus sởi tấn công trực tiếp vào phổi. Chính sự khác biệt này khiến nhiều ca trẻ mắc sởi trở nặng rất nhanh, suy hô hấp và tử vong nhanh chóng. Tại khoa Nhi, BV Bạch Mai đã ghi nhận có 3 trường hợp bị virus sởi tấn công trực tiếp vào phổi, trong đó có 1 trường hợp tử vong.

Bên cạnh đó, PGS.TS Dũng cũng nêu ra một điểm bất thường nữa của dịch sởi năm nay là ghi nhận nhiều bệnh nhi dưới 9 tháng tuổi – chưa đến tuổi tiêm phòng vắc xin đã mắc sởi.

Chưa bao giờ dịch sởi trẻ em bất thường như năm nay - 1

Số ca mắc quá đông, BV Nhi Trung ương phải dành cả khoa lây chỉ để điều trị bệnh sởi

 Trẻ rất dễ lây nhiễm sởi tại bệnh viện

Trước diễn biến bất thường này, nhiều ý kiến đề nghị Bộ Y tế nên tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ trước 9 tháng tuổi.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế lịch tiêm chủng sởi như hiện nay đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo. Những năm trước đây, tỷ lệ mắc sởi trong cộng đồng cao nên sau đó họ đã được miễn dịch với bệnh. Những năm gần đây, tỷ lệ mắc thấp hơn do người dân được tiêm phòng, miễn dịch của người mẹ không đủ truyền cho con khiến các cháu nhỏ dưới 9 tháng tuổi năm nay mắc tăng đột biến. Với các trường hợp trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi trong năm nay là do không nhận được miễn dịch truyền từ mẹ. Do đó, Bộ Y tế nhận thấy chưa cần thiết phải thay đổi lịch tiêm chủng vắc xin sởi cho trẻ.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của chương trình tiêm chủng mở rộng, đó là sẽ tổ chức chiến dịch tiêm sởi - rubella phối hợp cho trẻ 1 - 14 tuổi, dự kiến 23 triệu đối tượng được tiêm vắc xin phối hợp. Hi vọng sau chiến dịch này tỉ lệ mắc sởi sẽ giảm bởi đã bao phủ đối được đối tượng tiêm phòng rất rộng từ lứa tuổi mẫu giáo đến trung học cơ sở.

Để khống chế dịch sởi, theo TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các BV xem xét, nếu các ca mắc sởi quá cao, nguy cơ lây lan cho các bệnh nhi khác thì có thể xem xét thành lập BV dã chiến với khu khám, điều trị riêng biệt cho bệnh nhân sởi.

PGS.TS Phạm Nhật An, Phó giám đốc, BV Nhi Trung ương khuyên cha mẹ trong thời điểm hiện tại, dịch sởi đang bùng phát mạnh, với các trường hợp trẻ bị bệnh hô hấp thông thường, có thể chữa trị tại các bệnh viện tuyến dưới không nên đưa trẻ đến các tuyến trung ương đang quá tải, có nhiều bệnh nhân sởi nặng. Bởi thực tế có đã nhiều trẻ viêm phế quản phổi nằm viện điều trị 5 ngày đã bị lây sởi và bệnh diễn biến nặng hơn rất nhiều. Các trường hợp này nếu điều trị ở tuyến dưới giai đoạn bị bệnh hô hấp thông thường có thể khỏi bệnh sau vài ngày (vì tất cả các tuyến đều có phác đồ điều trị chuẩn chung) sẽ không lây sởi.

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch sởi bùng phát