Chuẩn bị xử ‘động mát xa’ kỳ quái nhất Sài thành

Ngày 11/08/2014 20:42 PM (GMT+7)

Do bị chèn ép, bắt giữ trái pháp luật, các cô gái tìm cách trốn nhưng không thành. Sau đó, họ lại bị tra tấn nặng nề hơn trước.

Bị đánh tơi tả nếu không kích dục

Chiều 11/8/2014, TAND TP.HCM cho biết đã có cáo trạng mới và sắp đưa vụ án liên quan đến địa ngục massage Tân Hoàng Phát (phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM) ra xét xử. Theo hồ mới của vụ án, Công ty TNHH Tân Hoàng Phát được thành lập năm 2005 với nghành nghề đăng ký là dịch vụ xông hơi, xoa bóp. Người đại diện pháp luật là Phan Cao Trí (SN 1973). Đến tháng 6/2008, Trí chuyển cho em vợ là Phan Việt Hậu đứng tên đại diện nhưng tất cả mọi hoạt động đều do Trí đứng sau chỉ đạo. Thấy công việc làm ăn thuận lợi, Trí mở rộng thêm bốn cơ sở massage gồm Công ty Kim Thu, Hoàng Thành, Newstart, Hoàng Vân III hoạt động tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Khi tiếp nhận nhân viên vào xin việc thì Trí, Hậu buộc phải ký một hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, thể hiện nội dung một năm được nghỉ phép 21 ngày (9 ngày lễ, 12 ngày phép), tiền lương 670 nghìn đồng, bảo hiểm 6% lương, làm việc 8 tiếng mỗi ngày. Bên cạnh đó, còn buộc các nhân viên mát xa ký vào hai bản thỏa thuận, cam kết trái với quy định của pháp luật đó là buộc nhân viên phải ăn ở tại Công ty không được phép đi ra bên ngoài; làm việc sau 6 tháng mới được xin nghỉ phép 1 lần 7 ngày. Nếu làm việc dưới 6 tháng mà xin nghỉ việc là vi phạm hợp đồng, nhân viên phải bồi thường lại số tiền theo quy định của Trí là 24 triệu đồng. Trong đó, 9 triệu đồng là tiền Công ty ứng trước cho nhân viên học nghề, ăn ở, mua son phấn và 15 triệu đồng tiền bồi thường tay nghề.

Chuẩn bị xử ‘động mát xa’ kỳ quái nhất Sài thành - 1

Nhân viên Tân Hoàng Phát khi bị đột kích

Thực tế, các nhân viên mát xa không được nghỉ phép như hợp đồng đã ký, hoàn toàn mất tự do đi lại và phải làm việc 16 tiếng, từ 9 giờ sáng hôm trước đến 1 giờ sáng ngày hôm sau. Sau khi hết thời gian làm việc tất cả nhân viên đều được đưa về giữ tại nhà của Trí và vợ là Phan Thị Yến (35 tuổi) ngay đối diện Công ty Tân Hoàng Phát. Bên ngoài cửa căn nhà này lúc nào cũng có khoảng 10 người bảo vệ canh giữ 24/24 đề phòng nhân viên bỏ trốn ra bên ngoài.

Nếu nhân viên nào bỏ trốn bị bắt lại hoặc bị khách phàn nàn vì phục vụ không tốt (không mát xa kích dục cho khách) sẽ bị Trí, Hậu, Phan Quốc Cường (37 tuổi, giám đốc cơ sở Kim Thu) đánh đập và xử lý kỷ luật bằng hình thức đình tua không cho đi làm, bắt ở nhà dọn dẹp vệ sinh, phụ làm bếp từ 3 đến 7 ngày. Nhân viên đau ốm khi đi khám bệnh đều có bảo vệ đưa đi canh giữ cẩn thận từ lúc đi cho đến lúc về.

Về đào tạo nghề, Trí ký hợp đồng với Trường Trung học y tế Đồng Nai (nay là trường Cao đẳng y tế Đồng Nai) thuê giảng viên đến Công ty đào tạo nghề xoa bóp cho các nhân viên khi mới vào xin việc. Sau khi đào tạo nhân viên sẽ được cấp bằng nghề xoa bóp. Đồng thời, Trí cũng cho các nhân viên, tổ trưởng chỉ dạy thêm cách xoa bóp cho các nhân viên mới. Lương nhân viên mát xa ký trong hợp đồng lao động là 670 nghìn đồng tháng, nhưng thực tế chỉ được nhận 500 nghìn đồng tháng, và tiền khách “boa” nhân viên chỉ được hường 90%, còn công ty hưởng 10%. Hàng tháng, sau khi trừ tiền ăn ở của nhân viên xong thì Trí mới phát số tiền còn lại cho nhân viên.

Khoảng 9 giờ sáng hàng ngày, bảo vệ sẽ dẫn nhân viên đi bộ từ nhà qua Công ty Tân Hoàng Phát làm việc. Tại cơ sở mát xa Kim Thu và Hoàng Thành thì Trí cho tài xế lấy xe ô tô chở nhân viên đi về. Còn tại cơ sở mát xa New Start và Hoàng Vân III thì Trí cũng buộc nhân viên ăn ở luôn tại cơ sở mát xa không cho ra ngoài và bị canh giữ cẩn thận. Gia đình của nhân viên không được tiếp xúc, thăm gặp mặt nhân viên nếu không được sự đồng ý của Trí hoặc các quản lý. Trí ra quy định, nếu nhân viên muốn nghỉ việc hoặc về phép thì buộc phải nộp tiền thế chân 15 triệu đồng cho Yến, khi nào quay lại làm việc thì mới trả lại số tiền này, còn nếu nghỉ luôn thì vợ chồng Trí, Yến sẽ chiếm đoạt.

Thi nhau “vượt ngục” nhưng bất thành

Do nhận thức còn hạn chế và hoàn cảnh khó khăn cần việc làm nên tất cả các nhân viên mát xa khi vào xin việc đều đồng ý chấp nhận ký tên vào biên bản thỏa thuận và bản cam kết trái quy định pháp luật do Trí đặt ra.

Để quản lý chặt chẽ không để nhân viên bỏ trốn Trí giao cho các quản lý phải thực hiện theo nhiệm vụ mình đặt ra. Quản lý nhân viên mát xa tại cơ sở do mình quản lý, không để cho nhân viên trốn thoát. Nếu nhân viên bỏ trốn phải báo ngay cho Trí biết. Đồng thời phải cho nhân viên nam đi tìm bắt lại đem về công ty Tân Hoàng Phát để Trí xử lý kỷ luật.

Các quản lý nếu tiếp nhận đơn xin nghỉ việc hoặc nghỉ phép của nhân viên mát xa rồi báo lại cho Trí biết. Việc cho nhân viên nghỉ việc hoặc về pháp hay không là do Trí quyết định, và số tiền thế chân phải nộp lại bao nhiêu cũng do Trí quyết định. Sau khi Trí đồng ý thì quản lý mới được giải quyết cho nhân viên về. Số tiền thế chân nhân viên nộp lại phải giao lại cho Yến quản lý. Nếu quản lý để xảy ra việc nhân viên bỏ trốn thì các quản lý sẽ bị Trí la mắng và xử lý kỷ luật bằng cách hạ 50% lương, hoặc đuổi việc.

Chuẩn bị xử ‘động mát xa’ kỳ quái nhất Sài thành - 2

Trí (đứng giữa) trong một phiên tòa trước đây

Không chịu nổi sự giam cầm, hà khắc nhiều cô gái trong “động mát xa” của Tân Hoàng Phát tìm cách bỏ trốn. Thậm chí, họ nhờ người thân đến “dàn cảnh” để trốn nhưng cuối cùng cũng không thể thoát. Những cô gái này sau đó đều bị phạt dọn nhà vệ sinh, sống trong cảnh khổ sở. Một số cô gái khác lại phải nhờ người thân đem số tiền lớn đến chuộc về.

Ngày 6/12/2008, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM tiến hành kiểm tra cơ sở Tân Hoàng Phát và giải thoát cho 64 nhân viên mát xa bị giam giữ trái pháp luật.

Điều đáng nói, vụ án này đã kéo dài 6 năm nhưng vẫn chưa thể giải quyết xong. Trước đó, tháng 1/2011, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm tuyên phạt Trí 12 năm tù, Yến 6 năm tù, 4 bị cáo còn lại từ 2 đến 10 năm tù. 

Tháng 12/2011, vụ án được đưa ra xử phúc thẩm, nhưng, phán quyết của HĐXX Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM đã khiến dư luận rất bất bình. Số nạn nhân trong vụ án từ 63 người tòa xác định chỉ còn 9 người. HĐXX còn cho rằng Trí và đồng bọn phạm tội không có tính tổ chức. Từ đó, hình phạt với các bị cáo được giảm hơn một nửa. Sau đó, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã tuyên hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm điều tra xét xử lại theo quy định.

Theo hồ sơ mới, Viện kiểm sát truy tố Trí, Hậu, Cường, Nguyễn Hoài Nhanh (SN 1985) và Nguyễn Minh Phương (SN 1974, quản lý các tiếp viên) cùng về tội Bắt giữ người trái pháp luật. Ngoài ra, Trí, Hậu, Cường và Yến còn bị truy tố tội Cưỡng đoạt tài sản. Trong vụ án này, có tổng cộng 73 tiếp viên nữ là nạn nhân của vợ chồng Trí và đồng phạm, có 64 người bị bắt giữ trái pháp luật và 9 người là nạn nhân của hai tội danh trên.

Nhật Phi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot