Chuyện bác sĩ chuyên cắt “nỗi đau khủng khiếp nhất”

Ngày 14/09/2015 19:00 PM (GMT+7)

Đồng nghiệp thường gọi anh là người có “đôi bàn tay vàng” trong việc thực hiện các kỹ thuật giảm đau, nút mạch, là bậc thầy trong chẩn đoán hình ảnh.

Tên anh được gắn“thương hiệu” với kỹ thuật diệt hạch dây thần kinh số 5, diệt hạch thân tạng trên bệnh nhân ung thư, điều trị xẹp thân đốt sống bằng phương pháp tiêm xi măng… Anh là TS.BS Bùi Văn Giang - Phó Giám đốc, kiêm Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội).

Cứu người mắc “bệnh tự sát”

Phải “hò hẹn” khá nhiều lần, chúng tôi mới có cuộc gặp “trực tiếp trọn vẹn” với BS Giang. Trong cuộc chuyện trò, anh cũng phải liên tục xin lỗi vì bận nghe điện thoại của bệnh nhân, của đồng nghiệp. Đó là chưa kể anh còn phải tiếp nhận lịch “ngồi hội đồng” chấm thi, chấm luận văn tốt nghiệp, sau cao học (TS.BS Bùi Văn Giang còn là Phó chủ nhiệm Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh, Đại học Y Hà Nội).

Khi tôi đề cập ý định viết chân dung anh, người đàn ông với dáng vẻ thư sinh, nụ cười hiền và đôi mắt sáng, cương trực, mỉm cười tỏ ý từ chối. Anh bảo: “Nhà báo viết gì có lợi cho cộng đồng, cho người dân đang cần thôi!”. Tôi đề nghị được theo anh đi tư vấn, khám bệnh, BS Giang vui vẻ gật đầu.

Bệnh nhân Lê Thị Yến (32 tuổi, quê Thái Nguyên) bị đau khắp cơ mặt từ 5-6 năm nay, nhưng cơn đau dữ dội hơn sau khi chị sinh con vào năm ngoái. Tại phòng khám bệnh, chị giàn giụa nước mắt, day trán phân bua: “Tôi khổ sở với căn bệnh này lắm. Gió thổi nhẹ là đau, tóc chạm cũng đau, vận động, kích thích da mặt là đau”.

Là nông dân, chị láng máng đoán bệnh là đau dây thần kinh số 5. Nhờ người lên mạng tìm nơi chữa, may mắn tìm ra tên BS Giang.  Nhân lúc bệnh nhân ra ngoài ghi số điện thoại người nhà, BS Giang quay sang tôi giải thích: Y văn thế giới ghi nhận đau dây thần kinh số 5 là nỗi đau khủng khiếp nhất mà con người phải chịu đựng. Do cơn đau liên tục, dữ dội ở vùng mắt, hàm trên, hàm dưới khiến người bệnh sợ hãi, đôi khi có bệnh nhân đã tìm cách tự sát (nên bệnh này còn được gắn với cái tên “bệnh tự sát”). “Cảm giác đau còn hơn cả tự cầm dao cứa, chặt tay mình. Đau đẻ chưa là gì đâu!”, BS Giang mô tả khúc chiết, mạch lạc bằng giọng từ tốn.

Chuyện bác sĩ chuyên cắt “nỗi đau khủng khiếp nhất” - 1

TS.BS Bùi Văn Giang (áo trắng) thăm khám cho bệnh nhân điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu ngoại. Ảnh: Chí Cường

Để điều trị nó, có hai phương pháp chính là phẫu thuật mở hộp sọ để “vén” dây thần kinh số 5, giải phóng mạch máu quanh hạch và tiêm diệt hạch dây thần kinh số 5 bằng cồn dưới hướng dẫn của máy chụp mạch DSA. Trường hợp người bệnh trẻ (dưới 60 tuổi) như chị Yến sẽ được ưu tiên phương pháp 1. “Nếu gộp cả hai phương pháp này, tỷ lệ thành công lên tới 98%. Nhưng người mẹ trẻ này sẽ khó có cảm giác khi con yêu thơm lên má mẹ, bởi hạn chế của phương pháp diệt hạch dây thần kinh số 5 là bệnh nhân sẽ bị cảm giác tê bì lan rộng cơ mặt!”, BS Giang trầm ngâm nói.

19 giờ, BS Giang tất tả đi hội chẩn, rồi đi thăm buồng bệnh nhân. Thấy bóng bác sĩ rảo bước ngoài hành lang, nhiều bệnh nhân chủ động ngồi dậy. Bệnh nhân Trần Thị Đức (82 tuổi, ở Hà Nội) bị loãng xương, lún xẹp đốt sống D9. Căn bệnh này khiến bà không thể tự di chuyển mà phụ thuộc hoàn toàn vào cáng, nằm quay hướng nào, tư thế nào cũng đau đớn, vật vã. Các loại thuốc không có tác dụng. TS.BS Bùi Văn Giang cùng các cộng sự đã hội chẩn và quyết định dùng kỹ thuật bơm xi măng tạo hình đốt sống. Bệnh nhân nằm trên máy chụp mạch, bác sĩ cắm kim vào đốt sống và từ từ bơm 9ml xi măng vào (đây là một dung dịch hỗn hợp đặc biệt chuyên dùng trong y khoa, tiêm vào đâu, đông đặc đến đó - PV). Sau 30 phút, xi măng đông cứng khiến cột sống vững chãi trở lại, bà Đức có thể ngồi dậy ngay mà không còn đau đớn. Sau khi nghe BS Giang dặn dò các bước tiếp theo trong việc chăm sóc bà Đức, người nhà bà “tranh thủ” nói nhỏ với tôi: “Lần bơm này nhanh, chuẩn. Bà như được tái sinh, phấn khởi lắm! Bà còn “đòi” ngày mai ra viện luôn!”.

Mỗi năm khởi động một kỹ thuật mới

Từ tháng 9/2011, BS Giang đã “nổi danh” khi triển khai kỹ thuật bơm xi măng trong điều trị xẹp đốt sống. Năm 2012, anh bắt đầu thực hiện kỹ thuật diệt hạch dây thần kinh số 5. Tháng 4/2013, ca bệnh đầu tiên được điều trị giảm đau thành công bằng phương pháp diệt hạch thân tạng trên bệnh nhân ung thư. Tháng 12/2014, anh khởi động kỹ thuật tiêm thập phân dây thần kinh chẩm lớn điều trị giảm đau nửa đầu, đau dây thần kinh Arnold – một “loại đau” dữ dội, liên tục, thậm chí có thể khiến bệnh nhân trầm cảm do không thoát ra được sự bủa vây của cơn đau. Gần đây nhất, anh và cộng sự đã thành công ngoạn mục trong việc điều trị giảm đau bằng phương pháp mổ nội soi, nạo vét ổ gây đau trong khớp cổ chân một bé gái 13 tuổi mà không ảnh hưởng đến sự phát triển cơ xương khớp của bệnh nhân.

“Mỗi năm, anh lại khởi động một kỹ thuật mới, đem lại cuộc đời mới cho hàng trăm bệnh nhân, anh tâm đắc kỹ thuật nào nhất?” -  “Nói tâm đắc nhất thì có phần hơi phiến diện và không công bằng với bất kỳ phương pháp nào. Bởi đằng sau một cơn đau là cả câu chuyện cuộc đời khác nhau. Chung quy lại, gọi bằng một cái tên chung, đó là kỹ thuật giảm đau bất kỳ vị trí nào. Đó là sứ mệnh, là điều tôi vẫn không ngừng theo đuổi trong cuộc đời làm nghề y của mình”. BS Giang chia sẻ.

Anh lấy ví dụ về điều trị giảm đau trên bệnh nhân ung thư, một kỹ thuật mang giá trị nhân đạo lớn, cũng là điều khiến anh trăn trở nhiều năm. “Ở nước ngoài, tỷ lệ điều trị giảm đau cho bệnh nhân ung thư chiếm 50% tổng điều trị giảm đau. Họ được chăm sóc đến những ngày cuối cùng. Nhưng ở Việt Nam, tỷ lệ này nhỏ nhoi lắm, chỉ 1%. Nguyên nhân là do suy nghĩ chung của chúng ta chưa chú trọng điều này, thậm chí có trường hợp “buông xuôi”. Trong khi, giảm đau là quyền được hưởng của người bệnh ung thư. Họ vẫn cần có chất lượng sống tốt đến phút cuối cuộc đời. Việc diệt hạch thân tạng là giải pháp tối ưu cuối cùng cho bệnh nhân ung thư ở giai đoạn cuối.

Đồng hành với TS.BS Bùi Văn Giang trong sứ mệnh điều trị giảm đau là… cây kim nhỏ xíu giá 800 nghìn đồng. Anh chia sẻ: “Khó khăn nhất khi thực hiện thủ thuật là phải kiểm soát đầu kim. Kim phải vào đúng vị trí hạch cần diệt không sai một milimet nào. Ngoài ra khi chọc kim phải tránh tối đa tổn thương các tạng xung quanh. Đây là kỹ thuật được thực hiện tại Việt Nam khoảng 10 năm nay, nhưng số bác sĩ thực hiện thành thạo rất ít. Tôi may mắn được GS Nguyễn Thường Xuân và GS Bruno Kastler người Pháp truyền dạy những kỹ thuật này”.

Từ bỏ bệnh viện tuyến “đặc biệt” để về tuyến dưới

Được các giáo sư giỏi truyền dạy các kỹ thuật tiên tiến, được thực hành trong môi trường có phần thuận lợi, TS.BS Bùi Văn Giang càng trăn trở với việc đào tạo thế hệ trẻ, phát triển các lớp chuyên gia kế cận và đưa các tài năng y khoa về với người dân nhiều hơn, tìm cách để bệnh viện cơ sở thoát khỏi tình trạng “bệnh nhân không đến vì đổ hết lên tuyến trên”. Không dưới 5 lần trong các câu chuyện ngắt quãng với tôi, anh đề cập đến điều này.

Tôi nhắc chuyện năm xưa anh “rời bỏ” Bệnh viện Bạch Mai– bệnh viện tuyến đặc biệt, là giấc mơ của bao bác sĩ trẻ – anh cười hiền: Thầy giáo tôi khi đó cũng ngạc nhiên. Tôi chỉ thưa với thầy rằng: Phân ly để phát triển. Thế nên khi từ Pháp trở về sau 2 khóa học dành cho bác sĩ nội trú (1987-1998 và 2001-2002), tôi quyết định “ra đi”. Năm 2003, tôi đến với Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, lúc đó là bệnh viện tuyến dưới, mọi thứ đều hạn chế. Đến giờ, tôi vẫn thấy sự lựa chọn đó đúng.

Câu chuyện của chúng tôi đề cập đến chuyện mô hình đào tạo, sử dụng nhân lực y khoa, rồi chuyện triết lý “hành nghề” của anh, cả chuyện truyền thông như thế nào để người dân tìm đúng địa chỉ, gọi đúng tên bệnh...

TS.BS Bùi Văn Giang chia sẻ một điều anh cũng rất trăn trở, đó là tình trạng “thiếu tải” tại các bệnh viện tuyến dưới. “Cần phải có cơ chế nhìn thẳng vào thực tế, đảm bảo công bằng, có thế mới tạo động lực, sức hút để cán bộ y tế giỏi về gần hơn với người dân. Phân ly để phát triển, đến giờ tôi vẫn động viên sinh viên, cán bộ trẻ đi về tuyến dưới đấy chứ!”, anh tâm sự.

“Tôi đang kết hợp triển khai kỹ thuật xác định tuổi trẻ em bằng chẩn đoán hình ảnh qua X-quang, cộng hưởng từ. Sẽ không còn chuyện “chạy tuổi” để phục vụ cho một số cá nhân tư lợi nữa đâu!”, TS.BS Bùi Văn Giang say sưa, cuốn hút người đối diện khi bàn chuyện chuyên môn…

Chúng tôi hiểu, với người bác sỹ này, không gì khiến anh yêu thích hơn được làm chuyên môn, ngày ngày truyền giảng kiến thức, kinh nghiệm và cả ước mơ của mình cho thế hệ trẻ, để ngày càng nhiều bệnh nhân được chữa trị, để ngành Y Thủ đô và nước nhà ngày càng phát triển…

Theo Thu Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot