Chuyên gia điểm mặt “thủ phạm” gây sụt đại lộ nghìn tỷ ở TP.HCM

Ngày 24/05/2015 14:55 PM (GMT+7)

Chuyên gia TP.HCM chỉ ra “thủ phạm” khiến đường Mai Chí Thọ thuộc dự án xây dựng đại lộ Đông – Tây TP.HCM liên tục sụt lún từ khi được đưa vào sử dụng.

Từ khi đưa vào sử dụng, đại lộ Mai Chí Thọ (quận 2, TP.HCM) liên tục có hiện tượng trồi sụt, lún gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông. Để làm rõ nguyên nhân, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phạm Sanh – chuyên gia giao thông TP.HCM.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia, xin ông cho biết nguyên nhân xuất hiện hiện tượng lún vệt bánh xe trên đường Mai Chí Thọ?

Chuyên gia điểm mặt “thủ phạm” gây sụt đại lộ nghìn tỷ ở TP.HCM - 1

Tiến sĩ Phạm Sanh – chuyên gia giao thông TP.HCM

Ngay khi vừa đưa vào khai thác, đường Mai Chí Thọ đã xuất hiện hiện tượng lún vệt bánh xe. Chủ đầu tư đã sửa chữa nhiều lần, các lần đầu cào bóc, làm lại lớp mặt bê tông nhựa nhưng không thành công. Đến lần sửa chữa mới đây nhất vào cuối năm 2014, đã phải cào bóc thay đổi hẳn loại kết cấu áo đường (một đoạn thay bằng bê tông nhựa Polimer, một đoạn thay bằng bê tông xi măng) thì hiện nay đang tương đối tốt, chưa xuất hiện hư hỏng lớn.

Đoạn Mai Chí Thọ nối kết với nút giao Cát Lái mới hư hỏng (lún vệt bánh xe) trong những tháng gần đây là đoạn chưa được sửa chữa trong đợt cuối năm 2014 vừa rồi.

Ngay từ những lần hư hỏng trước đây, ai cũng thấy đây là hiện tượng lún theo vệt bánh xe, một dạng hư hỏng rất thường xảy ra với kết cấu mặt đường bê tông nhựa. Nhưng khi đánh giá, các đơn vị có trách nhiệm lại liệt kê ra rất nhiều nguyên nhân, không phân biệt đâu là yếu tố cơ bản đưa đến các nguyên nhân khác, lúng túng chậm chạp trong cách giải quyết sự cố.

Theo tôi, do ban quản lý dự án thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm và không loại trừ suy nghĩ cả nể đơn vị tư vấn, nhà thầu nước ngoài Nhật Bản, cũng như tính phức tạp của một dự án quan trọng có yếu tố nước ngoài do UBND TPHCM làm chủ đầu tư (lúc đầu).

Chuyên gia điểm mặt “thủ phạm” gây sụt đại lộ nghìn tỷ ở TP.HCM - 2

Container gặp sự cố trên đường Mai Chí Thọ vào ngày 21.5 

Ông đánh giá như thế nào về chất lượng đầu tư và thi công ở tuyến đường Mai Chí Thọ?

Về hiệu quả đầu tư, đường Mai Chí thọ, hay đúng hơn là dự án đại lộ Đông Tây và hầm vượt sông Sài Gòn đã phát huy hiệu quả rất tốt về bài toán phát triển giao thông cho TPHCM: Giảm ùn tắc và tai nạn giao thông các trục đường dẫn về các tỉnh miền Tây; Vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị; Nối kết thành phố với khu đô thị mới Thủ Thiêm, với các quận 2, 9, Thủ Đức, và với các tỉnh miền Đông…

Đáng tiếc chất lượng xây dựng ở tuyến đường Mai Chí Thọ lại không như mong muốn, liên tục xảy ra sự cố lún sụt, hư hỏng mặt đường, làm hạn chế giao thông, thậm chí xảy ra nhiều tai nạn. Chủ đầu tư và ban quản lý dự án đã cố gắng khắc phục sửa chữa nhiều lần, nhưng sự cố vẫn lặp đi lặp lại, hết đoạn này đến đoạn khác.

Hiện nay vẫn chưa có một đánh giá nghiêm túc đúng theo trình tự thủ tục quy định tại luật xây dựng và nghị định quản lý chất lượng về sự cố tại công trình này. Vì vậy cũng chưa khẳng định nguyên nhân và trách nhiệm của các đơn vị có liên quan, gồm các đơn vị tư vấn như khảo sát, thiết kế, giám sát, thẩm tra, thí nghiệm, kiểm định, quản lý dự án…, nhà thầu thi công, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, thậm chí hội đồng nghiệm thu Nhà nước, UBND TPHCM.

Cá nhân tôi nghiêng về lỗi tư vấn khảo sát thiết kế trên 70%. Vì nếu không do lỗi khảo sát và thiết kế, không ai đi phá bỏ kết cấu cũ thay bằng một kết cấu mặt đường hoàn toàn khác trong đợt cuối năm 2014 vừa rồi.

Hằng ngày, đường Mai Chí Thọ phải gánh số lượng lớn xe ô tô, container… ra vào cảng Cát Lái, đây có phải là nguyên nhân chính gây ra lún đường không, thưa ông?

Ai cũng thấy loại ô tô lưu thông nhiều nhất trên tuyến đường Mai Chí Thọ là xe container ra vào cảng Cát Lái. Với tải trọng xe lớn và chạy theo vệt bánh xe trên một làn, sẽ làm tăng nhanh biến dạng lún mặt đường theo vệt bánh xe.

Tuy nhiên, lượng xe và tải trọng xe container không phải là nguyên nhân chính, vì xe container đã chạy trên hướng tuyến này ra vào Cảng trước khi có đường Mai Chí Thọ. Lỗi do không khảo sát dự báo đúng lượng xe container và do thiết kế không tính toán cụ thể cho tải trọng trục loại xe này trên nền đất yếu theo các tiêu chuẩn thiết kế hiện hành và thông lệ quốc tế.

Hơn nữa nếu cho rằng hư hỏng là do lượng xe container ra vào cảng Cát Lái, tại sao dòng xe này cũng chạy trên đường xa lộ Hà Nội và đại lộ Nguyễn Văn Linh lại không gây hư lún vết bánh xe? Do lỗi khảo sát thiết kế, chỉ cần thi công hơi “yếu”, lượng xe container dồn ứ chạy chậm, sẽ làm tăng tốc độ hư hỏng mặt đường.

Chuyên gia điểm mặt “thủ phạm” gây sụt đại lộ nghìn tỷ ở TP.HCM - 3

Đại lộ nghìn tỷ liên tục có hiện tượng hằn lún vệt bánh xe rất nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông. 

Theo ông đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ và gìn giữ cho tuyến đường khỏi bị sụt lún?

Hiện nay, do chưa bàn giao cho Sở GTVT TPHCM nên Ban quản lý đầu tư xây dựng  công trình giao thông đô thị TPHCM (chủ đầu tư) vẫn phải chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ và gìn giữ tuyến đường. Đây là một việc hết sức nhập nhằng không minh bạch, liên quan đến chi phí sửa chữa, ai phải chịu. Dùng ngân sách thành phố, lấy vốn dự án hay các đơn vị làm sai phải bồi thường?

Ông có kế  sách gì để khắc phục tình trạng này trước mắt và phương án lâu dài để không xảy ra tình trạng trồi sụt, lún đường tương tự?

Với quy mô dự án và tính chất sự cố nghiêm trọng lặp đi lặp lại, Thủ tướng Chính phủ nên giao cho Bộ GTVT chủ trì Hội đồng xử lý sự cố, thuê tư vấn nước ngoài độc lập kiểm định (không phải là tư vấn Nhật), có đánh giá kết luận nguyên nhân rõ ràng và quy trách nhiệm cụ thể. Đồng thời giao Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện dự án này để rút kinh nghiệm cho các dự án tương tự khác.

Bài học rút ra ở sự cố đường Mai Chí Thọ (TPHCM) là thiếu kinh nghiệm và không kiên quyết giải quyết triệt để sự cố các dự án hạ tầng có yếu tố nước ngoài, thiếu một cơ chế kiểm soát và giám sát hiệu quả với các dự án do UBND TP làm chủ đầu tư hoặc ủy quyền cho một ban quản lý dự án thuộc UBND TP làm chủ đầu tư, thiếu quy định rõ trách nhiệm cụ thể của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước.

Và vấn đề cần quan tâm nhất là năng lực, ý thức chấp hành pháp luật xây dựng và thái độ cầu thị, biết lắng nghe ý kiến phản biện xã hội của các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành cũng như các ban quản lý dự án Nhà nước.

Xin cảm ơn ông!

Theo Hưng Nguyễn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan