Chuyện lạ có thật: Tư nhân sở hữu đầu số... 115

Ngày 30/08/2015 10:00 AM (GMT+7)

Việc 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cấp đầu số cấp cứu 115 cho doanh nghiệp tư nhân đã gây bất bình đối với người dân vì bị tước quyền lựa chọn nơi cấp cứu, khám chữa bệnh.

Từ trước đến nay, các đầu số gọi khẩn cấp như 113 (công an), 114 (cứu hỏa), 115 (cấp cứu) thường do các đơn vị nhà nước quản lý. Thế nhưng, nhiều năm nay, tại Nghệ An và Hà Tĩnh, tổng đài cấp cứu 115 được giao cho doanh nghiệp tư nhân.

Tại Nghệ An, đầu số 115 được cấp cho Bệnh viện (BV) 115 (BV tư nhân, đóng tại xã Nghi Phú, TP Vinh). Được biết, trước khi tư nhân hóa thì đầu số cấp cứu 115 là của Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 05 thuộc Sở Y tế tỉnh Nghệ An. Việc đầu số 115 cấp cho BV 115 đã gây ra sự hiểu nhầm, bức xúc đối với người dân.

Chị Trần Thị Thủy (trú phường Đông Vĩnh, TP Vinh), người nhà của một bệnh nhân, bức xúc: “Tôi cứ nghĩ tổng đài 115 là của nhà nước nên gọi xe cấp cứu để chở bệnh nhân xuống BV tỉnh. Nhưng sau khi đón, xe cấp cứu chở xuống BV 115, không nói không rằng đưa người bệnh vào thăm khám, chiếu chụp, thắc mắc hỏi mới biết đó là xe của BV này”.

Bác sĩ  Phạm Văn Diệu, Phó Giám đốc BV Sản Nhi Nghệ An, cũng không đồng tình với việc cấp đầu số 115 cho BV nói trên: “Đầu số 115 trước đây là của nhà nước nhưng tôi không hiểu vì sao lại chuyển cho BV 115. Giờ nó không còn là số chung mà là số riêng của BV 115. Khi người dân gọi cấp cứu, BV 115 cho xe đến đầu tiên và sẽ chở bệnh nhân đến BV của họ”.

Chuyện lạ có thật: Tư nhân sở hữu đầu số... 115 - 1 Chuyện lạ có thật: Tư nhân sở hữu đầu số... 115 - 2Chuyện lạ có thật: Tư nhân sở hữu đầu số... 115 - 3

Nhiều xe cấp cứu của Công ty TNHH MTV Ngọc Linh - Cấp cứu 115 Hà Tĩnh được cấp biển số xanh. Ảnh: TẤN LỘC

Trong khi đó, tại tỉnh Hà Tĩnh có Cấp cứu 115 Hà Tĩnh. Tưởng trung tâm này là đơn vị nhà nước nhưng thực tế, từ năm 2005 đến nay, quản lý nó là một doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển cấp cứu. Đó là Công ty TNHH MTV Ngọc Linh - Cấp cứu 115 Hà Tĩnh. Ông Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh, xác nhận: “Đây không phải đơn vị trực thuộc sở mà là của một doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực cấp cứu”.

Không chỉ được cấp cho đầu số cấp cứu 115, theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty Ngọc Linh còn sở hữu dàn xe cấp cứu biển số xanh như 38M-00038; 38M-00014; 38M-00012; 38M- 00015... Về việc này, đại tá Võ Trọng Hùng, Trưởng Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh, cho biết biển số xanh có ký hiệu M được Công an Hà Tĩnh cấp cho xe cấp cứu của Công ty Ngọc Linh trước khi Thông tư 15/2014/TT-BCA ban hành, ngày 4-4-2014. “Việc cấp biển là đúng quy định vì căn cứ vào Thông tư 36 và Quyết định 01 của Bộ Y tế thì đơn vị nào thành lập trung tâm có giấy phép của sở y tế thì chúng tôi mới cấp. Sau khi Thông tư 15/2014/TT-BCA có hiệu lực mới quy định không cấp biển M chuyển sang cấp biển A, B (biển trắng)” - đại tá Hùng nhấn mạnh.

Với việc “cấp đúng quy định” này, không chỉ đầu số cấp cứu mà ngay cả đội xe vận chuyển của một doanh nghiệp tư nhân cũng được núp dưới vỏ bọc nhà nước.

Tước quyền sống của người bệnh

Hầu hết các BV nhà nước không đồng tình với việc cấp đầu số 115 cho một BV tư nhân vì làm như vậy là không công bằng, hạn chế quyền lựa chọn nơi cấp cứu, khám chữa bệnh của người dân.

Một bác sĩ của BV Đa khoa TP Vinh nói: “Khi đầu số 115 thuộc quản lý của nhà nước, người dân gọi điện yêu cầu vận chuyển thì tùy theo tính chất bệnh tật, trung tâm cấp cứu 115 sẽ phân loại và quyết định đưa vào BV nào gần nhất để cấp cứu. Khi đầu số này là của BV tư, nặng hay nhẹ họ đều chở về BV của mình trước, sau đó nặng quá mới chuyển đi. Việc chậm chuyển các bệnh nhân đến cơ sở y tế có điều kiện nhất vô tình tước đi quyền sống của người bệnh”. Theo bác sĩ này, để phục vụ việc cứu chữa bệnh nhân kịp thời, tốt nhất là nhà nước cần quản lý đầu số cấp cứu 115.

Hải Vũ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot