Chuyện về người phụ nữ một tay đưa nón bài thơ xứ Huế “đi Tây”

Ngày 27/02/2016 15:18 PM (GMT+7)

Sinh ra không may mắn như bạn bè cùng trang lứa, ngày Thúy chào đời cũng là ngày cả nhà khóc ngất vì Thúy chỉ có một tay.

Lớn lên, Thúy xinh xắn, hiền lành, nhưng mặc cảm tật nguyền khiến chị chỉ biết bầu bạn với những chiếc nón bài thơ. Và rồi như cái nghiệp, đời nón cũng “vận” luôn vào đời Thúy.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, kể từ ngày bén duyên với nón đến nay, dù trải qua biết bao thăng trầm nhưng người phụ nữ ấy đã làm được nhiều việc đáng để mọi người nể phục...

Không đầu hàng số phận

Chúng tôi đến Huế vào một ngày đầu xuân. Sau một hồi vất vả hỏi thăm, chúng tôi mới tìm được nhà chị Trần Thị Thuý (SN 1968, trú tổ 13, phường Phước Vĩnh, TP. Huế). Theo lời kể của những người hàng xóm, mấy chục năm qua, căn nhà cấp 4 nằm sâu trong con hẻm nhỏ này vắng tiếng đàn ông, chỉ có chị Thúy và người mẹ già nương tựa nhau mà sống.

Những năm gần đây, danh tiếng “nón Thúy” làng Phủ Cam được nhiều người biết đến, nên thỉnh thoảng có vài đoàn khách đến thăm. Nhờ thế mà căn nhà nhỏ cũng bớt hiu quạnh. Khi biết chúng tôi đến nhà chơi, dù đang dở tay làm chiếc nón nhưng chị Thúy vẫn nhiệt tình, niềm nở tiếp chuyện. Chị kể, chị là con út trong một gia đình có 6 chị em.

Chuyện về người phụ nữ một tay đưa nón bài thơ xứ Huế “đi Tây” - 1

Nhờ nghị lực của chị Thuý mà thương hiệu “nón Thúy” đã được nhiều người biết đến.

Lúc chị mới chào đời, mẹ đã khóc ngất đi khi nhìn cánh tay phải của con bị cụt đến tận khuỷu. Mồ côi cha từ tấm bé, chị lớn lên trong tình yêu thương của bà nội và mẹ. Họ cũng là thợ chằm nón làng Phủ Cam.

Nhà Thúy nghèo, lại đông con nên từ nhỏ các anh chị em đều nghỉ học giữa chừng để đi phụ giúp mẹ. Riêng Thúy, là con út nên được đến trường. Thế nhưng, ngoài thời gian ở lớp, chị lại có niềm say mê với những chiếc nón lá.

Năm lên 10, Thúy đã bén duyên với nghề. Vì tật nguyền, sức khỏe yếu nên khi thấy Thúy có ý muốn làm nghề nón, mọi người đều khuyên can. Tuy nhiên, Thúy vẫn khăng khăng “con làm được”.

Nói là làm, hằng ngày, cô bé 10 tuổi đi xin những chiếc nón cũ, rách, những mũi kim cùn của bà con trong xóm về tập chằm nón. Để làm một chiếc nón hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn, với một người bình thường đã khó, với Thúy càng khó khăn gấp bội. “Nhiều lần ngón tay bị kim đâm tứa máu, lưng đau nhức, cánh tay cụt tê dại nhưng tôi vẫn quyết tâm làm đến cùng.

Đây cũng là cách để tôi khẳng định cho mọi người thấy mình có thể làm những việc của người bình thường. Mình tàn tật nhưng không vô dụng”, chị Thúy tâm sự. Và rồi, sau gần một tháng mày mò, sản phẩm đầu tay của Thúy ra đời trước sự ngỡ ngàng của mẹ cũng như bà con lối xóm.

Lúc bấy giờ, thấy được sự nghiêm túc của con, bà Nguyễn Thị Mến (mẹ của Thúy) mới đồng ý truyền nghề cho Thúy. Trò chuyện với chúng tôi, bà Mến cười hiền. Bà nói: “Thúy sinh ra không được may mắn như bạn bè. Là người mẹ, tui xót lắm, chỉ muốn nó chuyên tâm ăn học, kiếm cái chữ. Nhưng nó thích làm nón, lại làm rất đẹp nên tui cũng ủng hộ, dù sao đó cũng là nghề truyền thống của gia đình, quê hương”.

Tự hào vì đưa nón bài thơ ra nước ngoài

Đã gần 30 năm trôi qua kể từ ngày chị Thúy bén duyên với nón bài thơ, hàng ngàn chiếc nón đã ra đời mang theo mồ hôi, nước mắt và tâm tình của cô gái tật nguyền. Ban đầu, vì cuộc sống khó khăn, chị và mẹ phải đạp xe đến từng chợ, năn nỉ từng tiểu thương nhận hàng của mình về bán.

Thúy vẫn nhớ như in những cái lắc đầu, tặc lưỡi ái ngại của mọi người khi nhìn thấy cánh tay không lành lặn của chị. Chị nghẹn ngào: “Đó là thời gian đầu, người ta chưa tin tưởng. Nhưng về sau, họ thấy nón của mình chất lượng nên đã đồng ý. Tuy nhiên, số người mua buôn không nhiều nên nón tôi làm ra chủ yếu bán rong”.

Nhắc lại ký ức về một thời “khởi nghiệp” khốn khó khiến tâm trạng của chị Thúy như chùng xuống. Chị kể: “Xứ Huế nắng mưa thất thường, nhiều khi đạp xe đi bán rong dọc đường, trời đổ mưa, nón ướt, hai mẹ con cũng ướt, khóc ròng theo mưa...”.

Đã có lúc chị đem hết dụng cụ làm nón cất vào góc nhà vì muốn bỏ nghề. Nhưng rồi theo thời gian, nhận thấy từng người trong làng quay lưng với nón, chị lại xót xa, không muốn nghề truyền thống bị quên lãng. Và cuối cùng, chị vẫn bám trụ với nghề cho đến tận bây giờ.

Cách đây 5 năm, một người đàn ông Pháp tìm về đất Huế để tham quan, du lịch. Khi tìm đến làng nón Phủ Cam, ông vô tình nhìn thấy chị Thúy ngồi chằm nón. Vì khâm phục tài năng và nghị lực của người phụ nữ tật nguyền, vị khách du lịch đã ngỏ ý muốn mua hết nón của chị với điều kiện chị Thúy phải ký tên vào nón.

Cũng chính chữ “nón Thúy” in sau vành nón mà thương hiệu nón của chị cùng câu chuyện “chằm nón bằng một tay” đã theo vị khách đi khắp nơi. “Nón Thúy” bắt đầu nổi lên từ đó. Nhiều đoàn khách du lịch đến Huế đều yêu cầu được dẫn ngay đến nhà đều tận mắt chứng kiến người nghệ nhân một tay chằm nón.

Tiếng lành đồn xa, kèm theo sự hiếu kỳ của khách thập phương nên hàng tuần, tại nhà chị Thúy luôn đón các đoàn khách đến từ các nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Canada, Trung Quốc, Pháp, Bỉ...

Chị chia sẻ: “Số lượng khách đến đông nhưng phần lớn họ chỉ xem mình làm nón, chụp hình chứ mua nón thì rất ít. Tuy nhiên, với tôi như vậy là đủ. Họ đến đây có nghĩa là họ còn quan tâm đến nón lá và những người nghệ nhân như tôi, chúng tôi vẫn còn đất sống”. Năm 2004, chị Thúy đại diện cho nghề nón Việt Nam sang Yokohama (Nhật Bản) dự Lễ hội Văn hóa Du lịch Việt Nam.

Khi đi, chị mang 500 chiếc nón. Qua bên ấy, du khách mua hết, giờ nón chị làm chắc có mặt ở nhiều nước. Không phải ai làm nghề cũng có được may mắn như Thúy. Vì vậy dù cuộc sống khó khăn nhưng chị vẫn quyết tâm theo nó đến cùng.

Theo tìm hiểu của PV, mỗi ngày, một người thợ lành nghề như chị Thúy chỉ làm tối đa được hai chiếc nón bài thơ hoàn chỉnh, chi phí phải bỏ ra khoảng 15.000 đồng/chiếc. Chính vì thế, số tiền lời từ việc bán nón chỉ vỏn vẹn khoảng 70.000đ/ngày.

Theo chị Thúy, số tiền ít ỏi này chỉ đủ để trang trải cho người độc thân như chị. Đây là một trong những lý do khiến nghề chằm nón truyền thống ở làng chị ngày càng mai một. Thúy nói trong tiếng thở dài: “Mai này, không biết tương lai của nón bài thơ xứ Huế sẽ đi về đâu khi chẳng còn ai thiết tha với nghề”.

Đau đáu cho tương lai của những vành nón là vậy nhưng khi được hỏi về tương lai của bản thân, chị Thúy lại cười buồn. Chị bảo: “Nhiều lúc cũng tủi thân khi nhìn thấy phụ nữ trong xóm có chồng, con sớm tối sum vầy. Nhưng nghĩ lại hoàn cảnh của mình, nên tôi đành an phận”...

Câu chuyện của chúng tôi với người phụ nữ nghị lực bị ngắt quãng khi một đoàn khách nước ngoài đến tham quan. Chị Thúy lại tiếp tục công việc hằng ngày, tay thoăn thoắt chằm nón, miệng cười thật tươi và giới thiệu tỉ mỉ các quy trình làm nón. Trong mắt chị, chúng tôi thấy ánh lên niềm say mê lẫn hạnh phúc khó tả. Có lẽ chính cái duyên giữa Thúy và nón bài thơ đã khiến chị trở nên lạc quan, nghị lực đến vậy...

Tấm gương về nghị lực

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Võ Đại Minh, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Vĩnh cho biết: “Trên địa bàn phường hiện có chị Trần Thị Thúy là một trong số ít người còn lưu giữ nghề chằm nón bài thơ truyền thống. Trong các dịp Festival nghề truyền thống Huế, chị Thúy đều được mời đi tham dự, chị đã tạo nên thương hiệu cho nón bài thơ từ bàn tay tật nguyền. Chị là một tấm gương về nghị lực đáng để nhiều người học hỏi, noi theo”.

Theo Nhật Thanh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự