Chuyện về võ đường lừng danh Sài Gòn-Chợ Lớn một thời

Ngày 12/01/2014 15:39 PM (GMT+7)

Võ đường Long Hổ Hội, môn phái Thiếu Lâm Tự Nững Xị, đã một thời lừng danh khắp Sài Gòn - Chợ lớn, ba nước Đông Dương và các võ đường thế giới.

Khoảng những năm 50 - 60 thế kỷ trước, đoàn võ sĩ lưu động của võ phái Long Hổ Hội đã tạo sóng gió khắp các sàn đấu. Những tinh hoa võ thuật của Sư tổ Long Hổ Hội (tức Lâm Hữu Hội) đã được kế tục cho đến tận ngày nay. Vẫn tại địa chỉ số 107/783, đường Nguyễn Văn Công, quận Gò Vấp, cháu nội của võ sư Lâm Hữu Hội, sư tổ môn phái Thiếu Lâm Tự Nững Xị vẫn "giữ lửa" cho võ đường.

Một quá khứ hào hùng

Theo tài liệu tư gia ghi chép lại võ sư Lâm Hữu Hội, Sư tổ môn phái Thiếu Lâm Tự Nững Xị sinh tại xã Vĩnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu trong một gia đình điền chủ đương thời. Là một người ham mê võ thuật, Lâm thiếu gia đã xin phép phụ thân được thỏa trí "tang bồng". Thấy con trai đam mê và quyết tâm theo đuổi mộng ước, Lâm lão gia đã cho phép Lâm thiếu gia đi "tầm sư học đạo". Trong cuộc hành trình thực hiện lý tưởng, Lâm thiếu gia đã thọ giáo nhiều thầy nhưng người thầy Hội theo học nhiều hơn cả là Huỳnh Long đại sư. Đây là một võ sư người Lôi Châu, hậu duệ đời thứ tám của Chu Thần Sơn thuộc hoàng tộc nhà Minh.

Chuyện về võ đường lừng danh Sài Gòn-Chợ Lớn một thời - 1

Cháu nội của võ sư Lâm Hữu Hội, sư tổ môn phái Thiếu Lâm Tự Nững Xị vẫn "giữ lửa" cho võ đường

Hội theo học vị võ sư này suốt 7 năm liền. Vì cũng đã ngoài 80 tuổi nên sợ không còn nhiều thời gian dạy cho đệ tử, Huỳnh Long đại sư dốc hết tuyệt chiêu chỉ dạy cho Hội. Được thầy ưu ái và tâm huyết, Hội đã ra công khổ luyện đêm ngày và kết quả thật đáng mong đợi. Sau thời gian học hỏi người thầy Huỳnh Long, Lâm Hữu Hội lại tiếp tục theo học người thầy nhỏ thó thuộc môn phái Thiếu Lâm Nững Xị, môn võ lợi hại chính gốc của người Tiều (Trung Quốc). Người thầy này có những tuyệt chiêu sát thủ, đánh bại nhiều người. "Nững Xị" theo tiếng Tiều là "né lực", không tới không lui, tấn công liên tục. Sau 5 năm theo học, võ công của Lâm Hữu Hội tiến bộ vượt bậc. Từ đấy thiếu gia họ Lâm bắt đầu tham gia thi đấu trên các võ đài.

Sau những năm tháng tung hoành, bôn tẩu trên giang hồ, Võ Sư Lâm Hữu Hội đã chuyển bước đi cuộc đời sang hướng khác. Khoảng thập kỷ 50, 60 của thế kỷ trước, Lâm Hữu Hội đã mở võ đường để dạy cho con cháu trong gia đình và người quen để trả ơn. Nhưng nhờ tiếng danh lẫy lừng, võ đường ngày càng đông học viên tìm đến theo học. Võ đường của võ sư Lâm Hữu Hội ra đời từ đó. Võ sư Hội lấy hiệu là Long Hổ Hội (Long - Hổ quyền ghép với tên mình), môn phái là Thiếu Lâm Tự Nững Xị.

Môn phái ngày một lớn dần. Đoàn võ sĩ chuyên đánh đài lưu động của võ phái Long Hổ Hội đã lừng lẫy khắp các sàn đấu Đông Dương, Sài Gòn - Chợ Lớn, và khắp các tỉnh thành. Võ đường Long Hổ Hội đã cho ra sàn nhiều võ sĩ danh tiếng một thời. Các võ sĩ của võ đường đều lấy tên Long của thầy làm nghệ danh như Long Phi Khanh, Long Phi Báu, Long Phi Quý, Long Phi Hải, Long Vân… Võ đường của Long Hổ Hội còn có nhiều học trò ngoại quốc theo học. Nổi tiếng trong làng võ có anh em võ sĩ gốc Chà và Ấn Độ tên là Moustaza, A Mách, Tôn Ngọc Lực, Hải Huỳnh…

Chuyện về võ đường lừng danh Sài Gòn-Chợ Lớn một thời - 2

Tháng 9/1988, Sư tổ môn phái Thiếu Lâm Tự Nững Xị qua đời. Con trai út của võ sư là Lâm Hữu Bình (tức Long Hổ Bill) kế tục sự nghiệp và giữ gìn võ đường của cha. Thuở sinh thời, Long Hổ Bill cũng đã có nhiều đệ tử theo học. Võ đường Long Hổ Hội được làng võ và những người ham mê võ thuật biết đến rất nhiều. Bà Trần Thị Yến Thu, phu nhân võ sư Long Hổ Bill cho biết: "Khi chồng tôi còn sống ông ấy được rất nhiều võ sinh theo học. Thủa đó võ đường của chồng tôi được rất nhiều người biết đến. Nhưng chồng tôi đã mất cách đây 3 năm rồi. Bây giờ có con trai tôi kế nghiệp của ông và cha".

Một hiện tại giữ gìn

Tìm đến địa chỉ 107/783, Nguyễn Văn Công, Gò Vấp, võ đường của phái Thiếu Lâm Tự Nững Xị, phóng viên báo GĐ&XH đã được gặp gỡ, trò chuyện vơi phu nhân của sư tổ Long Hổ Hội và con dâu của cụ là bà Trần Thị Yến Thu, phu nhân của Long Hổ Bill. Khi mới dừng chân ở ngoài cổng tôi chỉ thấy đây là một gia đình bình thường như bao gia đình Việt Nam khác. Nhưng đặt bước chân đầu tiên vào phòng khách mới thấy đây đúng là một gia đình có truyền thống võ thuật. Phu nhân sư tổ võ đường Long Hổ Hội dù ở tuổi hiếm có xưa nay nhưng nhìn cụ vẫn còn minh mẫn lắm. Nước da cụ hằn rõ những dấu ấn của thời gian mà vẫn hồng hào khỏe khoắn. Mái tóc bạch kim trắng muốt tôn sự hiền từ, nhân hậu của người phụ nữ Việt Nam.

Tâm sự với tôi, cụ vẫn tự hào khi nhắc đến tên những học trò của phu quân mình, sư tổ Long Hổ Hội. Nhìn cụ vẫn thấy sự nhanh nhẹn, tinh anh của con nhà võ. Cụ nói với con dâu lấy những bức hình của sư tổ Long Hổ Hội và đệ tử cho tôi xem. Bà Yến Thu vào phòng tìm cuốn allbum lưu giữ kỷ niệm gia đình đưa cho tôi. Lật từng trang allbum tôi thấy gia đình võ sư Long Hổ Hội không chỉ có bề dày võ thuật mà còn giữ được truyền thống đáng quý của gia đình truyền thống Việt Nam. Ngôi nhà võ đường Long Hổ Hội hiện đang có ba thế hệ sinh sống. Sự lưu truyền, gìn giữ truyền thống gia đình và tình cảm mẹ chồng nàng dâu của gia đình cụ thật đáng để mọi người ngưỡng mộ.

Chuyện về võ đường lừng danh Sài Gòn-Chợ Lớn một thời - 3

Võ đường môn phái Thiếu Lâm Tự Nững Xị một thời lừng danh đang được đời thứ ba là Lâm Thành Công, con trai của Long Hổ Bill và cháu ngoại là Nguyễn Lâm Duy Trung kế nghiệp. Tuy còn trẻ tuổi và phải lo việc học hành nhưng anh Lâm Thành Công vẫn dành ra những khoảng thời gian trống buổi tối để truyền bí kíp võ thuật cho anh em, con cháu trong nhà. Tâm sự với chúng tôi, anh Công cho biết: "Khi đất nước còn chiến tranh, ông tôi dạy võ để các võ sĩ tham gia chiến đấu giữ gìn đất nước. Bây giờ đất nước đã hòa bình tôi và anh họ truyền những bí kíp võ thuật cho anh em trong nhà để có sức khỏe, tinh thần thượng võ và đặc biệt là để tự vệ trước những hiểm họa xấu".

Anh Lâm Thành Công cũng cho hay các bài võ thuật được truyền lại cho học viên hiện nay đều được lưu truyền lại từ ông nội của mình, không hề có sự thay đổi hay sao chép của môn phái nào khác. Võ đường hiện nay được giữ nguyên tại địa chỉ cũ, số 107/783, đường Nguyễn Văn Công, quận Gò Vấp. Vì còn bận rộn và chăm lo cho sự nghiệp học hành, võ sư Lâm Thành Công cũng chỉ dạy cho một số ít học viên, chủ yếu là anh em trong nhà để giữ gìn truyền thống gia đình, gìn giữ sự nghiệp của ông cha.

Bà Yến Thu cũng tâm sự: "Phái võ của cha tôi đã một thời lừng lẫy khắp Sài Gòn - Chợ Lớn. Đệ tử theo học cũng rất nhiều, có cả những người ở nước ngoài. Từ lò võ của cha tôi đã có biết bao nhiêu võ sĩ ra đời. Có những võ sư lừng danh khắp nơi. Hiện tại vẫn có những võ sư đang mở võ đường truyền dạy bí kíp võ công cho học viên. Đến đời thứ hai tức là võ đường của chồng tôi cũng rất đông học viên. Thủa ấy ở Sài Gòn rất nhiều người biết đến võ đường này. Bây giờ con tôi chỉ lưu giữ truyền thống gia đình thôi, không có mong muốn gì to lớn hơn cả."

Kết thúc cuộc trò chuyện với hai vị phu nhân của hai đời võ sư Long Hổ Hội, anh Lâm Thành Công dẫn tôi ra tham quan võ đường của gia đình. Anh cho biết võ đường vẫn được giữ gìn thừ thời ông nội mình. Anh và anh trai họ vẫn dạy võ thuật cho các học viên tại đây. Nơi đây, ngay chính ngôi nhà ba thế hệ chung sống đang lưu giữ một quá khứ huy hoàng của võ đường Long Hổ Hội. Dù đó đã thuộc về quá khứ, dù đã vang bóng một thời nhưng trong làng võ thuât tiếng tăm của sư tổ Long Hổ Hội cùng các đệ tử và môn phái Thiếu Lâm Tự Nững Xị vẫn còn nức thơm. Anh Công chia sẻ thêm: "tôi và gia đình sẽ cố gắng giữ gìn và duy trì võ đường này. Vì còn đang đi học nên tôi cũng chỉ dạy cho anh em con cháu trong gia đình vào các buổi tối trong tuần nhưng bất cứ ai yêu thích võ thuật, yêu mến môn phái Thiếu Lâm Tự Nững Xị đều có thể đến luyện tập cùng. Tôi rất vui mừng vì điều đó".

Theo Quân Lan (Gia đình & Xã hội)
Nguồn:

Tin liên quan