Còn đâu cảm xúc ngày khai trường!

Ngày 19/08/2015 10:17 AM (GMT+7)

Nhiều nơi tổ chức lễ khai giảng theo kiểu hình thức khiến bao cảm xúc đẹp của ngày khai trường không còn nữa.

“Là một ngày trọng đại trong quãng đời mỗi học sinh (HS), giống như một dân tộc đón chào ngày đầu của năm mới với bao háo hức, chờ mong, hy vọng… nhưng đáng tiếc, HS hiện nay không còn tâm trạng đó nữa” - TS Võ Văn Nam, giảng viên Khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP HCM, bùi ngùi.

“Ăn trước rồi mới mời”

Theo TS Nam, lễ khai giảng ngày xưa còn gọi là lễ nhập môn hay lễ khai tâm với hàm ý khai mở tâm hồn, là một ngày có ý nghĩa cực kỳ quan trọng; đánh dấu kể từ đây, một đứa trẻ sau thời gian nghỉ, chơi bỗng lột xác, sẽ vào khuôn phép, nền nếp của trường học, của người có học thức.

Còn đâu cảm xúc ngày khai trường! - 1

Khai giảng năm học 2014-2015 tại Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân ở TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

“Ngày nay, phần lớn HS, nhất là HS đầu cấp, không còn cảm giác háo hứ, chờ mong ngày khai giảng như thế hệ xưa. Tình trạng HS tựu trường một ngày và khai giảng một ngày được ví như ngồi vào mâm cơm, các em ăn mấy món rồi mới mời người lớn” - TS Nam nói.

Thực tế, ngoại trừ các cháu bậc mầm non, tiểu học do còn nhỏ mà chương trình học ít đi; phần lớn các trường THCS, THPT và bậc CĐ, ĐH vẫn tổ chức các học kỳ hè liên tục. Việc học trước, làm quen trước thì dĩ nhiên HS không còn tâm trạng háo hức, chờ mong, hồi hộp gặp lại trường lớp, bạn bè, thầy cô sau kỳ nghỉ hè nữa. Ngày khai trường cũng vì thế mà mất đi ý nghĩa.

Bà Nguyễn Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Mèo Con (quận 7, TP HCM), cho rằng đã gọi năm học mới thì phải là thầy mới, bạn mới, bàn ghế mới, lớp mới… “Trong khi đó, HS được học trước 2-3 tuần nên tâm trạng náo nức, cảm giác trong sáng như những cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng mà nhà văn Thanh Tịnh miêu tả trong “Tôi đi học” chắc chắn chỉ còn trong văn học chứ không có thực tế” - bà Vân chia sẻ.

Theo bà Vân, hầu hết lễ khai giảng hiện nay phần lễ nhiều hơn phần hội. HS còn nhỏ nhưng phải nghe những bài phát biểu dài lê thê, “đao to búa lớn” thì các em hiểu gì? Đó là chưa kể nhiều trường chỉ dùng 2 tiết đầu để tổ chức lễ, thời gian sau được tận dụng để học luôn nhằm tiết kiệm thời gian thì làm sao HS có ấn tượng tốt đẹp trong ngày khai trường.

Lỗi ở nhà quản lý

TS Võ Văn Nam cho rằng việc Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chọn một ngày khai giảng chung cho cả nước, bớt phần lễ và tăng phần hội là rất tốt. Tuy nhiên, trong điều kiện ngổn ngang vì cải cách giáo dục hiện nay, nhất là chương trình đang quá tải thì việc yêu cầu một lễ khai giảng mới mẻ, HS không cần học trước như cách đây 10 năm, 20 năm là rất khó vì lúc đó HS đi học nhẹ nhàng hơn, không phải “chạy đua” như hiện nay. “Vấn đề là làm sao để mỗi cấp lớp, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, tạo được ấn tượng sâu đậm cho các em trong ngày đầu năm học mới. Chẳng hạn trang phục, thái độ thế nào để các em cũng háo hức giống như chuẩn bị trước năm mới để lấy hên cho cả năm” - TS Nam đề xuất.

ThS Lê Ngọc Điệp - nguyên Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD-ĐT TP HCM - cho biết trước đây, chương trình cải cách giáo dục là 165 tuần (mỗi năm 33 tuần), sau chương trình mới năm 2000 là 175 tuần (năm học có 35 tuần), số tuần thực học của bậc tiểu học do bộ quy định, vừa đúng cuối tháng 5 hằng năm là bãi trường, kết thúc năm học. Tuy nhiên, khi chương trình mới bắt đầu từ năm 2000, Bộ GD-ĐT đã tính đến phương án một số địa phương do thời tiết khắc nghiệt nên bộ muốn có thời gian dự trữ, đề phòng vào những lúc thời tiết xấu, HS phải nghỉ học cũng không ảnh hưởng đến chương trình nên mới có chuyện HS học trước ngày khai giảng từ 2-3 tuần.

Tuy nhiên, ngày khai giảng hiện nay không còn cảm xúc trong lòng HS là lỗi ở các nhà quản lý giáo dục. Để các em vẹn nguyên cảm xúc ngày khai trường thì các hiệu trưởng, các nhà quản lý làm sao không lặp lại kịch bản, lễ nghi của ngày tựu trường. “Vấn đề nằm ở khâu tổ chức thực hiện, nhiều người lên án lễ khai giảng hiện nay quá nặng nề, hình thức là vì phần lễ nhiều hơn phần hội. Nghi thức trang trọng rất cần thiết để thể hiện sự tôn nghiêm ở môi trường giáo dục. Kể cả sự hiện diện của các quan chức cũng tốt, nếu thể hiện sự quan tâm, nhiệt tình, thân thiện và tấm lòng chia sẻ với HS chứ không phải là hình thức xã giao, đối đãi” - ThS Điệp nói.

Đồng loạt khai giảng vào sáng 5-9

Ngày 18-8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng đã có văn bản thông báo tổ chức thống nhất trên toàn quốc lễ khai giảng vào sáng 5-9, ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường”. Theo Bộ GD-ĐT, phải chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước và các hoạt động tập thể (văn hóa, văn nghệ - thể thao và các trò chơi dân gian…), bảo đảm thực sự trở thành ngày hội khai trường.Y.Anh

Theo Đặng Trinh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự