Cuộc trùng phùng ly kỳ sau 45 năm thất lạc

Ngày 15/04/2015 00:06 AM (GMT+7)

2 tháng nay, người dân thôn Hưng Lộc, xã Bình Định Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam vẫn bàn tán xôn xao câu chuyện 2 chị em ruột tìm về nhà sau 45 năm thất lạc.

Đó là cuộc tìm nhau đầy bất ngờ của 2 chị em bà Hồ Thị Thanh Trà (SN 1959) và bà Hồ Thị Vinh (SN 1963).

Trong ngôi nhà nhỏ ẩn mình dưới hàng cây xanh rợp bóng, cụ Nguyễn Thị Dần (SN 1930) cùng ông Hồ Văn Phước (SN 1964, cháu bà Dần) đã kể lại câu chuyện ly kỳ chẳng khác nào chuyện trong phim.

Tháng 10-1970, cuộc chiến tranh chống Mỹ đang ở giai đoạn khốc liệt, bà Dần về làm dâu nhà họ Hồ được 6 tháng thì hai người con chồng là bà Trà và bà Vinh bị lính ngụy bắt đưa đi.

 Cuộc trùng phùng ly kỳ sau 45 năm thất lạc - 1

Cụ Nguyễn Thị Dần cùng ông Hồ Văn Phước kể lại câu chuyện cuộc trở về sau 45 năm bị thất lạc của chị em bà Trà.

Bà Trà sau đó được đưa vào một gia đình ở tỉnh Quảng Ngãi nhận làm con nuôi. Đến năm 1976, khi đất nước đã thống nhất, bà theo gia đình vào làm kinh tế mới và định cư hẳn ở thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Bà Vinh bị bắt đưa ra Quảng Trị sau đó được đưa di chuyển khắp nơi rồi lấy chồng và định cư ở xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai.

Năm 2006, con trai bà Trà là anh Nguyễn Thanh Khê (SN 1983) và con gái bà Vinh là chị Lê Thị Mỹ Châu (SN 1984) tình cờ gặp nhau khi cùng học chung một trường Cao Đẳng tại tỉnh Đồng Nai.

Hôm đó, Châu đi chơi với nhóm bạn thì gặp Khê tại quán cà phê. Khi biết Khê quê Quảng Nam, Châu đem câu chuyện gia đình mình kể cho Khê nghe rằng: Quê Châu cũng ở Quảng Nam, hồi nhỏ do chiến tranh nên mẹ Châu thất học, bị lính Mỹ bắt cóc và lưu lạc gia đình từ nhỏ cho đến nay chưa tìm được.

Châu nghe mẹ kể lại, trong gia đình mình có ông ngoại làm cách mạng, bà ngoại bị Mỹ giết chết. Ông bà ngoại có 3 người con gái gồm chị đầu Hồ Thị Thức, chị kế tiếp là Hồ Thị Trà và mẹ mình tên Hồ Thị Vinh.

 Cuộc trùng phùng ly kỳ sau 45 năm thất lạc - 2

Cụ Dần hiện sống một mình trong ngôi nhà nhỏ dưới sự đùm bọc của xóm làng

Nghe Châu hỏi có biết trường hợp nào như vậy hay không, Khê chết điếng cả người vì câu chuyện Châu kể trùng khớp với câu chuyện lâu nay mẹ vẫn thường kể cho anh nghe.

Tìm hiểu thêm một vài thông tin, Khê và Châu nhận ra rằng mình chính là anh em con dì ruột. Hai anh em vui mừng cho số điện thoại của bà Trà và bà Vinh để hai người liên lạc nói chuyện với nhau.

Khi đã nhận ra máu mủ ruột thịt, bà Trà đón xe từ Kon Tum xuống Đồng Nai để gặp em gái. Giây phút gặp nhau, hai người phụ nữ với mái đầu “tóc bạc gác tóc xanh” ôm nhau khóc như những đứa trẻ.

Tối hôm đó, họ không ngủ một giây phút nào mà để dành thời gian động viên, kể cho nhau nghe về những tháng năm xa cách.

Trở về nhà, hai chị em bà Trà lại khóc hết nước mắt khi biết rằng, kể từ ngày mình bị bắt đi, không ngày nào nơi quê hương xứ Quảng này, người cha già, chị gái và bà Dần không khỏi mong ngóng.

Cụ Long đã dành gần nửa cuộc đời còn lại để đi tìm con trong vô vọng. Đến năm 2005, do tuổi già sức yếu, cụ mất đi và để lại tâm nguyện tìm hai người con cho cụ Dần lúc này tuổi đã già, sức đã yếu.

Theo Quang Vinh (Người lao động)
Nguồn:

Tin liên quan